Tần Thủy Hoàng là quân chủ phong kiến đầu tiên xưng hoàng đế trong lịch sử thế giới, đồng thời là nhà chính trị, chiến lược gia và nhà cải cách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Triệu Cao hại chết cha con Tần Thủy Hoàng
Tháng 10 năm Tần Thủy Hoàng thứ 37 (210 Trước Công nguyên), trong khi cưỡi xe đi tuần du, Tần Thủy Hoàng ngã bệnh ở cung Sa Khưu, Bình Đài (Quảng Tôn, Hà Bắc ngày nay). Sử chép, ở bên cạnh ông chỉ có Triệu Cao và một vài hoạn quan khác, khi đột nhiên ngã bệnh nặng, ông sợ mình khó qua khỏi nên đã viết di chiếu bày tỏ muốn để con cả là Phù Tô kế thừa ngôi hoàng đế.
Điều này đối với Triệu Cao giống như tiếng sét giữa trời quang bởi lâu nay Phù Tô dựa vào anh em Mông Điềm, Mông Nghị, trong khi Triệu Cao lại có ân oán với 2 anh em họ Mông. Nếu Phù Tô đăng quang, địa vị anh em họ Mông sẽ được củng cố, Triệu Cao chắc sẽ thất sủng; muốn thoát được mối đe dọa từ họ, Triệu Cao chỉ có cách ngăn cản Phù Tô lên kế vị và lập Hồ Hợi là người nghe theo Triệu Cao lên thì mới đảm bảo hắn được hưởng vinh hoa phú quý về sau.
Thế là Triệu Cao thuyết phục Hồ Hợi, đe dọa ép buộc Lý Tư rồi 3 người mật mưu ngụy tạo chiếu thư của Tần Thủy Hoàng ban cho Hồ Hợi nối ngôi; đồng thời cũng lấy danh nghĩa Tần Thủy Hoàng trách mắng Phù Tô bất hiếu, bắt tự vẫn chết.
Nào ngờ, sau khi Triệu Cao sửa đổi di chiếu, bệnh tình Tần Thủy Hoàng lại dần khỏi. Triệu Cao lòng như lửa đốt, nếu Tần Thủy Hoàng khỏe hẳn, cho hỏi chuyện di chiếu thì trả lời thế nào? Sự đã đến thế này, Triệu Cao quyết định ra tay tàn độc để giữ mạng sống.
Y đã ra tay giết chết Tần Thủy Hoàng rồi thực hiện âm mưu đã định đưa Hồ Hợi lên ngôi, tức Tần Nhị Thế. Với việc ra tay giết hại Tần Thủy Hoàng, Triệu Cao đã làm thay đổi lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Tần Nhị Thế Hồ Hợi là con trai thứ 18 của Tần Thủy Hoàng, từng cùng với Triệu Cao và Lý Tư ngụy tạo di chiếu của vua cha, lấy danh nghĩa Tần Thủy Hoàng ép anh trai là Phù Tô tự sát rồi lên ngôi hoàng đế. Ông ta tại vị được 3 năm rồi cũng bị hoạn quan Triệu Cao bức tử khi mới 24 tuổi.
Năm Tần Nhị Thế thứ 3 (207 Trước Công nguyên), tháng 8, sau khi Lưu Bang đánh chiếm Vũ Quan, Triệu Cao sợ bị họa tru diệt nên bàn mưu với con rể là Diêm Nhạc nhân lúc Tần Nhị Thế tới cung Vọng Di trai giới, lừa đưa quân bao vây cung, bức Nhị Thế tự sát.
Triệu Cao định thoán ngôi, tự lập, nhưng bách quan không theo, đành phải lập con Tần Nhị Thế là Tử Anh lên ngôi. Rốt cục, tháng 9 cùng năm Triệu Cao bị Tử Anh bắt giết và tru di tam tộc.
Triệu Cao |
Lý Phụ Quốc dọa chết Đường Túc Tông
Lý Hanh tên thật Lý Tự Thăng là con trai của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, sau trong chính biến cung đình bị hoạn quan Lý Phụ Quốc dọa dẫm kinh sợ mà chết khi mới 51 tuổi, mai táng ở Kiến Lăng, (núi Võ Tướng, Thiểm Tây ngày nay).
Năm 756, An Lộc Sơn nổi lên chiếm được kinh đô Tràng An, Đường Huyền Tông chạy về Thành Đô, Lý Hanh được các đại thần đưa lên ngôi hoàng đế. Trong sáu năm trị vì, hoạt động chính trị chủ yếu của ông tập trung vào việc đánh dẹp loạn.
Tuy nhiên do Túc Tông quá tin tưởng hoạn quan Lý Phụ Quốc, nên đến cuối đời ông, Lý Phụ Quốc đã trở thành quyền thần trong triều, mở ra nạn hoạn quan tham chính trong các triều đại tiếp theo.
Tháng 4 năm 761, Thượng hoàng Đường Huyền Tông bị bệnh mà chết, Lý Hanh vô cùng đau buồn rồi mắc bệnh, mấy tháng trời không coi việc triều chính được.
Trương hoàng hậu triệu kiến Thái tử Lý Dự vào, nói: “Lý Phụ Quốc nắm cấm vệ quân đã lâu, quyền bính quá lớn, hắn chỉ sợ có ta và con, Nay bệ hạ bệnh nguy, hắn đang cấu kết với đám Trình Nguyên Chấn âm mưu làm loạn, cần phải ra tay giết chúng trước”.
Lý Dự rơi lệ mà rằng: “Phụ hoàng bệnh tình nghiêm trọng, việc này không thể bẩm báo với người. Nếu chúng ta tự ra tay giết Lý Phụ Quốc, phụ hoàng nhất định kinh sợ, không có lợi cho long thể. Con thấy chuyện này khoan hãy tính”.
Sau khi tiễn thái tử về, Trương hoàng hậu truyền gọi con thứ là Việt Vương Lý Hệ vào cung thương nghị. Lý Hệ lập tức lệnh cho hoạn quan Đoàn Hằng Tuấn chọn lựa trong đám thái giám 200 người khỏe mạnh, cấp phát binh khí, chuẩn bị hành động.
Tuy nhiên, trong đám thái giám có người báo cho Lý Phụ Quốc. Thế là Lý Phụ Quốc và Trình Nguyên Chấn dẫn theo đồng đảng theo cửa Lăng Tiêu vào thám thính tình hình, gặp đúng lúc Lý Dự cũng định vào cung thăm phụ hoàng.
Lý Phụ Quốc nói dối là trong cung có biến, ngăn chặn thái tử vào cung rồi lệnh cho đồng đảng cưỡng bức đưa Lý Dự vào điện Phi Long giam lỏng, giám sát. Sau đó, Lý Phụ Quốc giả truyền mệnh lệnh của thái tử Lý Dự huy động cấm quân vào cung bắt đám Lý Hệ, Đoàn Hằng Tuấn tống giam.
Trương hoàng hậu nghe tin có biến, vội chạy vào tẩm cung của Đường Túc Tông lẩn trốn. Lý Phụ Quốc dẫn quân đuổi vào tẩm cung, ép hoàng hậu phải ra.
Trương hoàng hậu không nghe theo, cầu cứu hoàng đế cứu mạng. Lúc này Túc Tông sợ quá, nói không thành lời. Lý Phụ Quốc thừa cơ lôi hoàng hậu ra ngoài cung, hoàng đế Túc Tông thấy vậy quá kinh hãi mà chết.
Sau khi Túc Tông chết, Lý Phụ Quốc giết chết cả Trương hoàng hậu lẫn hai hoàng tử Lý Hệ, Lý Giản rồi đưa Lý Dự lên ngôi, tức Đường Đại Tông.
Lý Phụ Quốc |
Trần Hoằng Chí hạ độc Đường Hiến Tông
Đường Hiến Tông Lý Thuần là con trưởng của Đường Thuận Tông Lý Tụng, được đưa lên ngôi sau khi vua cha bị đột quỵ và bị các hoạn quan trong triều ép thoái vị. Hiến Tông tại vị 15 năm ông chăm lo triều chính, trọng dụng hiền tài, cải cách chính trị, ra sức chấn hưng nên giành được thành quả quan trọng trong việc ổn định đất nước, lấy lại uy quyền cho chính phủ trung ương.
Sử Trung Quốc gọi thời kỳ ông nắm quyền là “Nguyên Hòa trung hưng”. Thế nhưng, Lý Thuần bị hoạn quan Trần Hoằng Chí mưu sát khi mới 43 tuổi. Sau khi chết, thụy hiệu là Chiêu Văn Chương Vũ Đại Thánh Chí Thần Hiếu hoàng đế.
Về nguyên nhân chết của Đường Hiếu Tông, nhiều sử gia đời sau cho rằng ông bị Đường Mục Tông (con Quách quý phi) hại chết, nhưng sự thật thì không phải. Sách “Đường Thư. Hiến Tông bản kỷ” viết:
“Đêm ngày Canh Ngọ, tháng Giêng năm Nguyên Hòa thứ 15, hoàng đế băng hà ở điện Trung Hòa trong cung Đại Minh. Ngài chết do nội quan Trần Hoằng Chí thí nghịch. Quan chép sử bị cấm ghi lại”.
Nguyên nhân Trần Hoằng Chí ra tay được cho là Lý Thuần bị bệnh, tính tình nóng nảy, khắc nghiệt, đối xử tàn bạo với các hoạn quan, họ chỉ phạm lỗi nhẹ cũng bị đánh, thậm chí giết chết. Hoạn quan Trần Hoằng Chí đã hạ độc giết hại ông có lẽ do phạm lỗi, sợ bị Lý Thuần giết nên ra tay trước.
Đường Hiến Tông Lý Thuần |
Lý Khắc Minh giết hoàng đế Đường Kính Tông
Đường Kính Tông Lý Trạm là con trưởng Đường Mục Tông Lý Hằng, hoàng đế thứ 13 nhà Đường. Ông chỉ tại vị được 2 năm rồi bị hoạn quan Lý Khắc Minh mưu sát khi mới 18 tuổi.
Lý Trạm là người giỏi vật tay, cưỡi ngựa đá cầu, thích xem các trò vui như đấu vật, kéo co hay đua thuyền rồng. Ông còn nuôi một toán lực sĩ, ngày đêm không lúc nào rời. Không chỉ yêu cầu các nơi tuyển chọn lực sĩ đưa vào cung, Lý Trạm còn tự bỏ tiền ra sai người đi chiêu mộ, sẵn sàng chi tiền cho các lực sĩ.
Trong khi đó ông lại nghiêm khắc với các hoạn quan. Họ dù chỉ phạm lỗi nhỏ cũng bị chửi mắng, nặng thì đánh đòn khiến đám này rất căm giận, oán thán trong lòng. Trong đám hoạn quan có mấy người như Lý Toại Chấn, Lý Thiếu Đoan, Ngư Hoằng Chí do phối hợp không tốt trong khi cùng ông ra ngoài thành săn cáo ban đêm đã bị ông bãi chức. Những hành động ham chơi, ngang ngược như thế của Đường Kính Tông Lý Trạm đã nhanh chóng đẩy ông đến đường cùng.
Ngày Tân Sửu, tháng Chạp năm Bảo Lịch thứ 2 (9/1/827), Lý Trạm ra ngoài thành săn cáo đêm sau khi về cung phấn khích vì cuộc săn thành công nên uống rượu mừng cùng 28 người là các tướng và đám hoạn quan. Khi đã chuếnh chóang, Lý Trạm vào phòng thay áo thì đèn nến bỗng vụt tắt, đám hoạn quan Lưu Khắc Minh và mấy người khác xúm vào ông đến đánh chết khi vị hoàng đế này mới 18 tuổi…/.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 60, ngày 4/7/2016)