Hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

(PLVN) - Ngày 3/2, Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về phạm vi và nội dung lớn của Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”.
Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì buổi làm việc.

Thông tin tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết mục tiêu tổng quát của Đề án là đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.

Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Trong đó sẽ tổ chức tập huấn năng lực kiểm sát, giải quyết các vụ việc có liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý và tư vấn viên tại các trung tâm tư vấn pháp luật; truyền thông, xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền về thực hành kinh doanh có trách nhiệm…

Cùng với đó, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách và pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, lao động, bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chia sẻ thông tin về tình hình kết quả của các hoạt động trong các chương trình Đề án, các diễn đàn, Hội nghị quốc tế có liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm và sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai Đề án.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã góp ý cụ thể với các nội dung của Đề án. Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế cần làm rõ nội dung cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và các cam kết quốc tế của Việt Nam theo hướng súc tích, ngắn gọn. Từ đó, rà soát phạm vi về nội dung, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể. Các nhiệm vụ, giải pháp cần chia theo các lĩnh vực cụ thể để đảm bảo tính khoa học và bao quát.

Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã làm việc với các đơn vị dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch.

Theo đánh giá của Lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch cơ bản đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ chính yếu trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại các cấp chính quyền trong nước, kết nối với dân cư thực hiện cấp mã định danh các nhân cho trẻ đăng ký khai sinh, bước đầu liên thông dữ liệu với hệ thống Bảo hiểm xã hội, trao đổi với hệ thống một cửa điện tử địa phương qua trục liên thông dữ liệu quốc gia, bước đầu hình thành CSDL hộ tịch điện tử, nâng cao chất lượng đăng ký hộ tịch và giảm thiểu thời gian xử lý của cán bộ hộ tịch.

Tuy nhiên, phạm vi triển khai phần mềm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay, chưa đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ, việc khai thác và tích hợp dữ liệu còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ mới sẵn sàng đáp ứng an toàn thông tin cấp độ 3. Do vậy, cần thiết đầu tư dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch để đóng góp vào chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, phát triển CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc và triển khai cam kết quốc tế, trong đó có Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch.

Tại buổi làm việc, chuyên gia công nghệ thông tin đã trình bày về kiến trúc hệ thống, dự toán chi phí và các công việc cần triển khai. Tiếp đó, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, góp ý. Kết luận, Lãnh đạo Bộ yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị phát huy tính chủ động trong triển khai các công việc của dự án. Theo đó, cần rà soát nhiệm vụ theo các hạng mục với dự toán cụ thể, các hạng mục cần bám sát thực tiễn, dự toán đảm bảo cơ sở pháp lý. Cùng với đó cần tiếp thu kinh nghiệm từ việc thí điểm phần mềm hộ tịch tại các địa phương, rà soát phần mềm hỗ trợ số hóa dữ liệu lịch sử, bám sát các quy định của Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch để xây dựng các nhiệm vụ của Dự án.

Đọc thêm