Trăng chối trong nước mắt
“Mẹ tôi (Kim Thị) vốn tưởng rằng sau khi cưới sẽ là chính thất của cha tôi, không ngờ sau khi về thì thấy bà không những không phải chính thất mà cả 2 người phù dâu cũng đều bị cha tôi lấy làm vợ, phía trên lại còn có “Đại di thái thái” trông coi. Khi đó bà chỉ mới 16 tuổi, ngoài việc thuận theo, chả có cách lựa chọn nào khác, vì vậy trong lòng rất đau khổ.
Do áp lực về tinh thần, bà dần trở thành người có tính cách kỳ quái: lúc thì vui vẻ, hòa nhã với mọi người; lúc lại tìm cớ gây chuyện, quậy phá tưng bừng không ai chịu nổi. Có lần đang ngồi chơi cờ với cha tôi, bà đột nhiên hất tung cả bàn lẫn quân cờ xuống nước.
Lại có lần, bà ngồi uống rượu với “Ngũ di thái thái” Dương Thị (người vợ lẽ thứ 5) trong Trung Nam Hải, hai người đều say rồi gây chuyện với nhau. Lúc đầu là cãi nhau, sau đó đánh nhau đến mức không ai can nổi. May mà có người hầu bẩm báo với cha tôi, ông đến lớn tiếng mắng mỏ, hai người mới chịu yên. Tuy bà có say, nhưng “Ngũ di thái thái” là người vợ được cha tôi sủng ái nhất, điều này bà luôn ý thức được nhưng do chịu đựng không nổi nên đã hành động bất chấp hậu quả…
Trước khi qua đời 1 ngày, bà kể với anh hai tôi 2 chuyện: thứ nhất, sau khi bà được cưới về, “Đại di thái thái” Thẩm Thị đã lấy cớ quản thúc và dạy dỗ để ngược đãi bà. Một lần bà ta trói bà vào chân bàn để đánh rất đau, khiến chân phải bị nội thương rồi thành tật, đến khi sắp chết vẫn không thể duỗi thẳng được, rất đau.
Còn chuyện kia là, ông bà ngoại tưởng gả con gái về làm chính thất cho cha tôi; sau khi gả rồi mới biết chỉ về làm thiếp cùng với cả hai người phù dâu nên rất đau lòng. Sau đó bà phải theo cha tôi rời khỏi Triều Tiên nên họ rất đau lòng, nhất là bà ngoại.
Một lần bà ngoại ra giếng, trong lúc tinh thần thảng thốt, thấy bóng mình dưới nước, nghĩ rằng chắc con gái đã bỏ mạng nơi đất khách quê người, bèn gieo mình xuống giếng tự tử. Ông ngoại vừa thương con vừa xót xa trước cái chết của vợ nên thổ ra rất nhiều huyết rồi 3 ngày sau cũng qua đời. Sau khi kể xong chuyện thứ hai, bà nói với anh hai trước đây không muốn nhắc đến chuyện này vì không muốn các con biết chuyện sai trái của cha tôi trước đây”.
3 người vợ Triều Tiên tuy biết nói tiếng Hán, nhưng diễn đạt rất chậm. Khi họ lấy Viên Thế Khải đều đã 16, 17 tuổi nên không thể bó chân theo phong tục Trung Quốc được nữa, Viên Thế Khải bèn bắt họ đi lại nhón chân theo kiểu Kinh kịch, nhìn cũng giống như người bó chân.
|
Viên Thế Khải và 4 bà vợ trong Trung Nam Hải |
Dương Thị - người thiếp thứ 5 ghê gớm
Dương Thị - Người thiếp thứ 5 có đôi bàn chân nhỏ kiểu “gót sen 3 tấc” nên rất được Viên Thế Khải yêu chiều. Đó là người thiếp được ông ta lấy được khi đi tuần thú Sơn Đông. Dương Thị người Thiên Tân, xuất thân nhà buôn bán nhỏ. Bà ta không xinh đẹp, nhưng có đôi bàn chân rất nhỏ nên Viên Thế Khải rất thích. Dương Thị có tài quản gia, lại khéo mồm, gặp việc rất quả đoán.
Sau khi cưới Dương Thị về, Viên Thế Khải giao hết việc nhà cho bà ta, không phải lo lắng, cũng chẳng bao giờ hỏi đến. Mọi chuyện ăn mặc, đi lại, mua sắm của ông cũng đều giao Dương Thị lo liệu; ngay cả những của cải quý giá ông cũng giao cho Dương Thị cất giữ, bảo quản.
Dương Thị không chỉ quản lý cuộc sống của Viên Thế Khải mà còn quản lý luôn tất cả mọi việc của nhà họ Viên, chỉ huy tất cả người hầu, quản lý những người con của chồng; về sau bà ta còn quản lý luôn các bà thiếp thứ 6, 7, 8 và 9. Do Viên Thế Khải tuyệt đối tin lời Dương Thị nên bất cứ ai không tuân theo sự trói buộc, bà ta liền bẩm báo lại với Viên Thế Khải để ông đứng ra giải quyết. Chính vì vậy, mọi người trong nhà họ Viên đều tỏ ra kính nhường người thiếp thứ 5 này, kể cả bà chính thất Vu Thị.
Hai người quản lý việc nhà họ Viên, thời kỳ đầu là người thiếp thứ nhất Thẩm Thị, thời kỳ sau là Dương Thị - người thiếp thứ 5. Họ mỗi người đều “cáo mượn oai hùm” ra sức áp chế người khác. Những người vợ khác mặc dù bị họ bức hại nhưng do họ được Viên Thế Khải chống lưng nên không dám kháng cự, không dám kêu ca, chỉ đành nuốt hận cam chịu.
Để giúp cho việc “tề gia”, Viên Thế Khải đề ra một “gia quy” cho những người vợ: người mới phải phục tùng sự quản giáo của người cũ; người cũ được quyền chỉ bảo, dạy dỗ người sau về lễ nghi phép tắc, nói năng đi lại, những điều kỵ húy…Lúc đầu, Thẩm Thị quản giáo 3 người thiếp Triều Tiên; thời kỳ sau, Dương Thị quản giáo các bà thiếp thứ 6, 7, 8. 9.
Bà thiếp thứ nhất Thẩm Thị sau khi đến Hán Thành ít lâu thì có thêm 3 đối thủ mới, chia sẻ tình cảm và cả lạc thú phòng the từ Viên Thế Khải nên dĩ nhiên Thẩm Thị nổi cơn ghen. Vì vậy, bề ngoài bà ta là dạy dỗ, bảo ban, nhưng thực tế luôn gây khó dễ, chèn ép 3 người thiếp Triều Tiên. 3 người phụ nữ Triều Tiên bỗng dưng đến một gia đình phong kiến người Hán, ngôn ngữ bất đồng, phong tục, lễ nghi lạ lẫm, dĩ nhiên có nhiều cơ hội để Thẩm Thị ra tay.
Khi Viên Thế Khải vắng nhà, bà ta liền kiếm chuyện để đánh mắng họ; có lần còn phạt họ quỳ xuống gạch vụn. Để họ không lẩn tránh được, bà ta còn trói họ vào chân bàn để đánh. Chân phải của người thiếp thứ 3 Kim Thị bị tàn tật chính là “kết quả” của việc “dạy bảo gia quy” của Thẩm Thị.
Dương Thị - người thiếp thứ 5 – cũng thường lấy danh nghĩa “gia quy”, dạy dỗ, chỉ bảo để đánh chửi 4 người thiếp đến sau. Nhất là người tiếp thứ 9 trẻ nhất, lại mới về, dĩ nhiên không chu toàn về phép tắc, nghi lễ nên bị Dương Thị ngược đãi ghê gớm nhất; có lần Dương Thọ đánh người này đến vỡ đầu.
Những người vợ lẽ ấy bị ngược đãi, Viên Thế Khải đều biết, nhưng ông ta thường mượn cớ “gia quy không thể thay đổi” để lờ đi nhưng không thấy, kiên quyết không lên tiếng.
|
Viên Thế Khải và 6 người thiếp |
Cướp người tình của con trai
Trong số những người vợ của Viên Thế Khải, người thiếp thứ 6 Diệp Thị là người ông cướp của con trai. Khi Viên Thế Khải làm Tổng đốc Trực Lệ, đã cử con trai thứ là Viên Khắc Văn đến Nam Kinh thay mặt cha giải quyết một số việc. Do Viên Khắc Văn tính ham vui nên ngoài giờ thường đến ngõ Điếu Ngư chơi bời và quen biết Diệp Thị.
Hai người vừa gặp mặt đã si mê nhau, thề non hẹn biển. Khi Nhị công tử nhà họ Viên ra về, Diệp Thị tặng cho cậu tấm ảnh làm kỉ niệm. Theo gia quy nhà họ Viên, con cái đi xa về phải quỳ lạy cha mẹ để “thỉnh an”. Khi Viên Khắc Văn đang gập người quỳ lạy cha thì tấm ảnh bỗng rơi ra, Viên Thế Khải nhìn thấy, bèn hỏi: “Đó là ai? Đó là ai?”.
Viên Khắc Văn không dám tiết lộ hành vi không khuôn phép của mình bên ngoài. Trong lúc bối rối, bèn nói là đã tìm được cho cha một cô gái đẹp ở Nam Kinh, nay mang ảnh về cho cha xem để xin ý kiến. Viên Thế Khải cầm ảnh lên xem thấy cô gái rất đẹp, bèn luôn miệng khen: “Đẹp, đẹp lắm!”.
Rồi ông lập tức cho người mang tiền bạc đi đón cô gái về. Diệp Thị vốn là hẹn ước thề nguyền kết duyên với Viên Khắc Văn, nay thấy nhà họ Viên cho người đến đón, dĩ nhiên tưởng là được kết hôn với anh ta nên vội thu xếp hành lý, mừng rỡ lên đường.
Không ngờ đến đêm động phòng hoa chúc thì thấy người vào giường không phải là chàng trai tuấn tú cô đã yêu, mà là một ông già rậm râu. Tình cảnh của Diệp Thị chả khác nào Kim Thị khi trước….…/.(Mời xem tiếp số sau)