Tái định cư cho tộc người ngủ ngồi
Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu mang họ La. Tương truyền, dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An). Theo đó, dòng họ La phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát. Sợ hãi, cả dòng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi vì không tìm được những thứ đó, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân. Từ đó, một bộ tộc mới ra đời từ đây.
Tộc Đan Lai có tục ngủ ngồi rất khác biệt với các tộc người thiểu số khác. Tập tục này gắn liền với tai họa mà tổ tiên của họ đã phải gánh chịu. Ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và bọn quan quân truy đuổi. Người Đan Lai bao đời với nhiều phong tục tập quán cổ hủ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, với tục kết hôn cận huyết đã dẫn đến suy thoái giống nòi, ảnh hưởng đến sự bảo tồn giống nòi cũng như các vấn đề an sinh trong cuộc sống.
Nhận thấy sự cần thiết và cấp bách của việc bảo tồn giống nòi cũng như phát triển bền vững đời sống của tộc người Đan Lai, ngày 16/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/2006 về việc Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông” (gọi tắt là Đề án 280).
Đề án 280 nhằm nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế- xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, góp phần bảo vệ an ninh biên giới. Theo đó, đưa những đồng bào tộc người Đan Lai ra tái định cư (TĐC) để từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đưa bà con tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, đồng thời tránh việc kết hôn cận huyết…
Sau khi Đề án 280 được phê duyệt, việc khảo sát và triển khai xây dựng Điểm tái định cư số 1 được tiến hành và đã đưa 42 hộ dân Đan Lai giữa lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ra sinh sống. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông vào điểm TĐC, điện nước sinh hoạt, di chuyển được 42 hộ về điểm TĐC mới từ năm 2007 đến nay đã tăng lên 52 hộ. Ban chỉ đạo Đề án cũng tiến hành giao các loại đất ở, vườn, nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ dân đến TĐC, hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất…
Hoang lạnh khu tái định cư cho tộc người ngủ ngồi. |
Sau khi hoàn thành Điểm TĐC số 1, Điểm TĐC số 2 được triển khai thực hiện tại bản Kẻ Tắt , dự kiến đầu năm 2014 sẽ đón 35 hộ người Đan Lai ra sinh sống ở nơi ở mới. Khi tiến hành xây dựng Điểm TĐC số 2, sau khi khảo sát xây dựng 35 ngôi nhà thì chỉ mới xây dựng được 26 căn nhà. Theo quan sát của PV Báo PLVN tại Điểm TĐC số 2 thời điểm cuối tháng 10, hàng chục ngôi nhà san sát mọc lên đã bị rêu phong và cây cỏ chen lấn. Nhà văn hóa, nhà trẻ được xây dựng, trạm điện đã kéo về đến bản nhưng…. chưa hề có bóng người đến ở.
Theo kế hoạch của Đề án 280, sẽ di dời 35 hộ người Ðan Lai đang sinh sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về sinh sống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ xây dựng được 26 ngôi nhà/26 hộ dân, còn các hạng mục như: nước sinh hoạt, nhà vệ sinh vẫn chưa được xây dựng… Do vậy, việc đưa người dân ở thượng nguồn sông Giăng về đây chưa thể thực hiện. Từ bản Kẻ Tắt, đi sâu vào bản Bá Hạ dù giao thông đã thuận lợi, nơi được quy hoạch khu TÐC số 3, bố trí cho gần 70 hộ người Ðan Lai, hiện vẫn chỉ là vùng đất trống.
Theo tìm hiểu, đến tháng 8/2014, tổng số vốn dự án đã được giải ngân cho việc xây dựng nhà ở là hơn 72 tỷ đồng, trong khi đó, tổng kinh phí được phê duyệt ban đầu là 93,24 tỷ đồng. Như vậy, gần 100 tỷ đồng được đầu tư xây dựng rồi bỏ hoang, biến thành bãi chăn trâu bò của nhân dân trong vùng, nhiều hạng mục cũng đã xuống cấp, nhiều liếp phên đã hư hỏng.
Theo ông Sầm Văn Bửu – Trưởng phòng Định canh định cư Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 280) cho biết: “Khó khăn nhất trong việc đưa 35 hộ dân Đan Lai về Điểm TĐC số 2 là ngân sách đang thiếu. Dự án đang thiếu gần 15 tỷ đồng để xây dựng 6 ngôi nhà TĐC và hoàn thành một số hàng mục để đưa người Đan Lai về sinh sống…”.
Cũng theo ông Bửu, một khó khăn trong dự án dẫn đến việc triển khai dự án chưa hoàn thành là do quá trình triển khai, việc khảo sát thực tế chưa chính xác dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Tại Điểm TĐC số 3 cũng do khảo sát thực địa không chính xác dẫn đến việc thiếu đất sản xuất, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… dẫn đến đề án không thực hiện được. Một khó khăn nữa trong việc thực hiện đề án là một số người dân còn có tư tưởng tách hộ để được hưởng chính sách của Nhà nước.
Trạm điện đã kéo về đến bản nhưng chưa sử dụng, một số đã hoen gỉ. |
Trong thời gian thực hiện đề án từ năm 2007 đến nay đã có thêm 78 hộ dân được tách ra, nâng tổng số hộ dân lên hơn 170 hộ, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nơi ở. “Khó khăn lớn nhất cũng là nguyên nhân cơ bản thiết yếu nhất là thiếu vốn để triển khai. Tỉnh không có ngân sách để chi cho việc thực hiện đề án mà trông chờ vào nguồn vốn của Chính phủ. Hiện nay do đề án đang dở dang nên chủ đầu tư là huyện phải bỏ tiền để thuê người bảo vệ tài sản tại Điểm TĐC số 2…” - ông Bửu cho biết.
Trong khi Đề án 280 dở dang, những hạng mục được xây dựng gần 100 tỷ đồng lại để phơi nắng mưa dẫn đến xuống cấp và hư hỏng, còn những hộ dân Đan Lai thì đang từng ngày mong mỏi được ra khu TĐC để sớm ổn định cuộc sống. Thiết nghĩ, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề án, những cơ quan chức năng cần có giải pháp để tộc người ngủ ngồi có thể ra nơi ở mới, như thế mới có thể bảo tồn và phát triển nòi giống, cũng như tránh để lãng phí số tiền đã đầu tư xây dựng.