Buôn lậu ma túy bằng... máy bay!
Ngày 26/9/2015, giới chức Lebanon thông báo đã bắt giữ Hoàng tử Abdel Mohsen Bin Walid Bin Abdulaziz của Ả-rập Xê-út cùng với 4 vệ sĩ riêng. Hoàng tử Mohsen bị bắt tại sân bay quốc tế Rafik Hariri ở thành phố Beirut sau khi lực lượng cảnh sát nước này tiến hành khám xét số hành lý mà ông ta chuẩn bị được đưa lên chiếc trực thăng riêng để đưa về nước.
Tổng cộng, cảnh sát Lebanon đã phát hiện 42 thùng có chứa 15 triệu viên Captagon. Trên các thùng này đều có dán biểu tượng của cây cọ và thanh gươm chéo của Hoàng gia Ả-rập Xê-út cùng dòng chữ “tài sản cá nhân của Hoàng tử Abdel Abdulaziz”. Trên khoang hành khách của máy bay, lực lượng an ninh Lebanon cũng phát hiện một lượng nhỏ cocaine khác.
Captagon là tên thuốc có thành phần chính là amphetamine phenethylline. Trước đây, loại amphetamine này từng được kê đơn để điều trị chứng rối loạn hành vi nhưng sau đó đã bị cấm. Hiện nay, amphetamine phenethylline được liệt vào danh mục chất kích thích. Theo nhà tâm lý học Ramzi Haddad người Lebanon, Captagon có những tác dụng tiêu biểu của một loại chất kích thích, tạo ra sự hưng phấn khiến người sử dụng có thể nói liên tục, không ăn, không ngủ nhưng vẫn tràn đầy năng lượng. Loại thuốc này được sử dụng chủ yếu ở Trung Đông. Những phần tử thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được cho là sử dụng rất nhiều loại chất kích thích này vì thuốc cho phép chúng có được tình trạng tỉnh táo cao độ.
Loại chất kích thích trên được sản xuất nhiều ở Lebanon và Syria. Từ các nước này, các đối tượng buôn bán ma túy đã vận chuyển sang các nước Trung Đông và các nước Vùng Vịnh. Trong đó, Ả-rập Xê-út được xem là nước tiêu thụ amphetamine phenethylline nhiều nhất. Một báo cáo về tình trạng sử dụng ma túy trên toàn thế giới do Liên hợp quốc công bố hồi năm 2013 cho thấy có đến 1/3 trong tổng lượng Captagon bị tịch thu trên toàn thế giới là ở Ả-rập Xê-út.
Truyền thông Lebanon cho biết, khi đi qua cửa an ninh, Hoàng tử Mohsen đã chìa ra hộ chiếu ngoại giao để yêu cầu miễn kiểm tra an ninh. Tuy nhiên, lực lượng thực thi pháp luật Lebanon đã không chấp thuận yêu cầu. Do đó, toàn bộ số ma túy cùng vị hoàng tử và đoàn tùy tùng đã bị chặn lại tại sân bay quốc tế Rafik Hariri khi tất cả chuẩn bị lên bay đến Ả-rập Xê-út. Theo tính toán, tổng giá trị của số ma túy bị bắt giữ cùng Hoàng tử Mohsen lên đến 280 triệu USD theo thời giá lúc bấy giờ. Vụ việc được miêu tả là vụ bắt giữ ma túy lớn nhất từ trước đến nay từng xảy ra tại Lebanon.
Vào tù vẫn sống xa hoa
Theo các nguồn tin, hộ chiếu ngoại giao cho thấy Hoàng tử Abdul Mohsen sinh năm 1986. Là một hoàng thân của vương quốc giàu có bậc nhất thế giới, Hoàng tử Mohsen có cuộc sống vô cùng sung túc. Ngoài chiếc trực thăng riêng được sử dụng trong vụ buôn lậu ma túy nói trên, ông ta còn có vài chiếc xe hơi hạng sang cùng 1 biệt thự nguy nga, tráng lệ ở Ả-rập Xê-út.
Xuất thân hoàng tộc cũng giúp ông ta được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi khác, trong đó có việc được cấp hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài như đi chợ và được xếp vào danh sách thành viên của tầng lớp tinh túy cầm quyền ở Vùng Vịnh. Mặc dù vậy nhưng nhiều người cho rằng vị hoàng tử này vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình có nên đã đi buôn lậu để... kiếm thêm và bị bắt giữ như đã nói ở trên.
Sau khi Hoàng tử bị bắt, truyền thông Lebanon cho biết, một số cá nhân và tổ chức có ảnh hưởng tại Lebanon và Ả-rập Xê-út đã tìm cách can thiệp để người này được thả ra. Cũng có nguồn tin cho rằng để có thể thu gom được số ma túy lớn như vậy và vận chuyển đến sân bay, Mohsen chắc chắn phải có tay trong tại lực lượng hành pháp Lebanon mới có thể làm được. Tuy nhiên, cả vị hoàng tử trên lẫn 4 vệ sĩ sau đó vẫn đã bị bắt giữ theo đề nghị của các công tố viên. Ngoài ra, 10 công dân Ả0rập Xê-út, 2 người Syria, 2 người Lebanon và 1 người Jordan cũng đã bị truy tố về các tội danh vận chuyển và buôn lậu ma túy, hoạt động băng đảng và hỗ trợ tài chính cho hoạt động phạm pháp.
Hai năm sau ngày bị bắt giữ, ngày 5/10/2017, phiên tòa xét xử vị hoàng tử nói trên về cáo buộc âm mưu buôn lậu 2 tấn Captagons đã được mở ra tại Lebanon. Tại tòa, Mohsen khăng khăng nói rằng ông ta không biết trong số hành lý của mình chứa những gì và một mực đổ lỗi cho Yehya al Shamri - một trong những vệ sĩ của ông ta cũng đã bị bắt trong vụ việc mới là thủ phạm. Phiên tòa sau đó đã bị hoãn lại do luật sư của một số bị cáo không có mặt.
Trong lúc việc xét xử vẫn chưa đi đến hồi kết, tháng 12/2018, đài truyền hình Aljadeed TV đã công bố một đoạn video gây sốc, theo đó cho biết cuộc sống trong tù của vị hoàng tử trên vẫn thoải mái chẳng kém gì ở ngoài. Trong đoạn video đó, ông Mohsen được nhìn thấy vẫn đang vui vẻ tổ chức tiệc sinh nhật cùng với bạn. Dù bị giam trong tù nhưng ông ta vẫn ung dung ngồi nghe nhạc trong ánh đèn và nến lung linh.
Tiệc sinh nhật nói trên được tổ chức ngay trong phòng giam của Hoàng tử Mohsen ở nhà tù Hobeish tại Lebanon. Những hình ảnh được công bố cũng cho thấy toàn bộ phòng giam được trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho vị hoàng thân này.
Đoạn video sau khi được công bố đã gây sự tức giận trong dư luận và một lần nữa dấy lên những chỉ trích tham nhũng trong các nhà tù ở Lebanon. Phải đến năm 2019, dưới áp lực của dư luận, tòa án Lebanon đã buộc vị hoàng tử Ả-rập Xê-út về tội buôn bán và tàng trữ ma túy. Với tội danh này, Mohsen và một tùy tùng của ông ta đã bị kết án 10 năm tù, lao động công ích. Tuy nhiên, bản án sau đó đã được giảm xuống còn 6 năm tù. Ngoài ra, vị hoàng tử còn bị phạt số tiền tương ứng 15.000 USD.
Các vụ việc như vụ việc nói trên đã cho thấy rõ những đặc quyền mà các hoàng thân Ả-rập Xê-út được hưởng. Ở trong nước, họ được quyền miễn trừ đối với những luật lệ nghiêm khắc mà nếu những người dân thường hay thậm chí người nước ngoài phạm phải có thể bị trừng phạt nặng nề. Vụ việc của Hoàng tử Mohsen không phải là lần đầu tiên hay duy nhất các thành viên của hoàng tộc cầm quyền ở Ả-rập Xê-út dính phải những rắc rối pháp lý tại các nước khác.
Chỉ vài tuần trước vụ việc nói trên, một “hoàng tử bé” khác là Majed bin Abdullah cũng đã bị bắt giữ tại Los Angeles sau khi bị một phụ nữ tố cáo đã ép cô phải quan hệ tình dục trong căn biệt thự rộng 2.000 m2 có giá khoảng 37 triệu USD tại Beverly Hills mà ông ta đang lưu trú. Trước nữa, hồi năm 1999, Hoàng tử Nayef Al Shaalan cũng bị giới chức Pháp cáo buộc sử dụng vỏ bọc ngoại giao để vận chuyển 2 tấn cocaine bằng trực thăng cá nhân từ Venezuela tới Pháp nhưng sau đó vẫn ung dung tự tại.