Học phí, viện phí sang cơ chế giá: Không bất lợi đối với người nghèo

(PLO) - Một trong những điểm mới của Dự án Luật Phí và Lệ phí dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này là chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá. Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tác động của việc chuyển đổi này đối với đời sống xã hội. 
Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định đảm bảo quyền lợi của người nghèo và vùng sâu, vùng xa khi chuyển viện phí sang cơ chế giá
Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định đảm bảo quyền lợi của người nghèo và vùng sâu, vùng xa khi chuyển viện phí sang cơ chế giá
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) trả lời PLVN về vấn đề này. 
Đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật
Thưa ông, tại Dự thảo mới nhất trình Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu như thế nào ý kiến của các đại biểu về việc chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá?
- Thực ra đây là vấn đề không mới. Theo quy định tại Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, Luật Giáo dục và Luật Giá thì dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. 
Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế... Theo đó, đã quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. 
Đồng thời, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.
Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật không có tên 2 loại phí này.
Giữ lại phí lòng đường, hè phố 
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến về phí lòng đường, hè phố, phí đường bộ đối với xe máy..., Dự thảo lần này tiếp thu như thế nào, thưa ông?
- Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô, xe máy... đang là nhu cầu phát sinh từ cuộc sống và được nhiều nước trên thế giới thực hiện để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. 
Ở nước ta, những năm gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, nhất là tại các thành phố lớn nhằm phục vụ nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô ngày càng tăng, trong khi ở các thành phố lớn, các bãi trông giữ xe công cộng còn hạn chế. Sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác đã được Luật Giao thông đường bộ quy định rõ. 
Theo đó, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp và phải đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Người được sử dụng lòng, hè đường phải nộp phí là đảm bảo công bằng trong việc sử dụng lòng đường, hè phố; tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. 
Do vậy, dự kiến giữ lại khoản phí này trong Danh mục và yêu cầu các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cần tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thu, sử dụng không đúng với quy định của pháp luật. 
Về phí sử dụng đường bộ, đây là một loại phí thu thuộc lĩnh vực giao thông nằm trong Danh mục kèm Dự thảo luật, áp dụng cho nhiều loại phương tiện tham gia lưu hành nhằm mục đích tạo nguồn thu phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ. Trong Dự thảo Luật Phí và Lệ phí không quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này. 
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể. Thực tế là tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2015 của Chính phủ đã thống nhất dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy kể từ ngày 1/1/2016…
Thưa ông, Dự thảo Luật có quy định rõ đối tượng được miễn giảm phí, lệ phí? 
- Việc quy định rõ nguyên tắc miễn, giảm ngay trong Luật để thực hiện được rõ ràng, minh bạch là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mỗi loại phí, lệ phí có tính chất, nội dung và định mức kinh tế kỹ thuật, mức thu và đối tượng nộp rất khác nhau. Do vậy, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung về miễn, giảm phí, lệ phí. Để bảo đảm bao quát đầy đủ đối tượng được miễn, giảm phí và lệ phí, Dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. 
Đối với người bị nhiễm chất độc da cam, thương binh, người không có khả năng lao động đều đã thuộc các đối tượng chính sách đã có trong Dự thảo Luật. Đồng thời, phân cấp cho Chính phủ và HĐND thực hiện quy định miễn, giảm từng loại phí cho từng đối tượng cụ thể. Nội dung này đã được thể hiện tại Điều 10 của Dự thảo luật... 
Cảm ơn ông! 
Chuyển sang giá 43 khoản phí
“Danh mục chi tiết phí, lệ phí dự kiến ban hành kèm theo Luật, gồm: 318 khoản phí, lệ phí (209 khoản phí và 109 khoản lệ phí). Trong đó quy định cụ thể thẩm quyền của các cơ quan đối với từng khoản phí, lệ phí: Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh. So với Danh mục kèm Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí, đã bãi bỏ 86 khoản phí, lệ phí (26 khoản phí và 60 khoản lệ phí); chuyển sang giá 43 khoản phí (trong đó, có 30 khoản Nhà nước quản lý giá, 13 khoản theo giá thị trường)”.

Đọc thêm