Hội đồng Thành phố
Theo nghị định ký năm 1886, Hà Nội có một ủy ban gồm bốn công chức dân sự và tám người Pháp sinh sống tại Hà Nội (những người này do Tổng Trú sứ quyết định); sáu thân hào người Việt được bổ nhiệm bởi các cố vấn của các xã ở xung quanh Hà Nội, hai Hội trưởng Hội người Hoa sống tại Hà Nội. Chủ tịch của ủy ban này là một công chức người Pháp của Tòa Thống sứ Bắc Kỳ.
Ủy ban này được hỏi ý kiến đặc biệt về đường sá, về an ninh và về tất cả các vấn đề có liên quan đến vệ sinh của TP. Sau khi lấy biểu quyết, những ý kiến này sẽ được trình lên Thống sứ Bắc Kỳ, hoàn toàn để tư vấn, không có tính chất quyết định.
Chính vì vậy, thời gian đầu nó còn được gọi là Ủy ban tư vấn. Sự thành lập của ủy ban này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tổ chức hành chính bên trong của các xã xung quanh Hà Nội, cũng như đến quyền hạn của các thân hào hay các công chức người Việt.
Hai năm sau đó, tại Hà Nội và Hải Phòng, ủy ban này được thay thế bằng một Hội đồng, đứng đầu là một Đốc lý kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành phố và 16 ủy viên, trong đó có 12 người Pháp và bốn người Việt (trên 25 tuổi, có quyền công dân và chính trị, có thời gian cư trú ở Hà Nội ít nhất là 6 tháng). Các ủy viên đều do Tổng Trú sứ bổ nhiệm với nhiệm kỳ là ba năm.
Hội đồng họp thường kỳ mỗi năm bốn lần, vào đầu các tháng: Hai, Năm, Tám và Mười một, mỗi phiên họp kéo dài 10 ngày, các phiên họp bất thường sẽ được tổ chức nếu có sự đề nghị của ba ủy viên trở lên. Hội đồng được quyền đưa ra các ý kiến về các vấn đề có liên quan đến việc quy hoạch các đường lớn trong nội thành, việc sửa đổi giới hạn địa giới hành chính…
Trong các phiên họp, Hội đồng lấy biểu quyết về các vấn đề sau: Các khoản công trái do TP phát hành và cách thức thanh toán; Ngân sách TP và các khoản thu chi; Giá cả và quy định thu tất cả các khoản thu nhập riêng của TP; Việc mua bán, chuyển nhượng, trao đổi hoặc phân phối và nói chung là tất cả những gì liên quan đến bảo quản và cải tạo đất đai thuộc quyền sở hữu của TP; Những công trình xây dựng, sửa chữa, tất cả các công trình thầu; Việc xây dựng các phố, quảng trường công cộng và vạch tuyến đường trong TP… Việc bàn bạc và lấy biểu quyết về các vấn đề chính trị bị nghiêm cấm trong các phiên họp.
Nghị quyết của Hội đồng phải được ghi lại trong một cuốn sổ có đánh số, theo trật tự ngày tháng và phải được lấy chữ ký của tất cả các ủy viên. Sau mỗi phiên họp, chủ tọa phải gửi thẳng nghị quyết của Hội đồng lên Tổng Trú sứ.
Tòa Đốc lý Thành phố
Bên cạnh Hội đồng TP, còn có Tòa Đốc lý. Đứng đầu Tòa Đốc lý là một viên Đốc lý người Pháp và hai viên phó Đốc lý. Đốc lý là người quản lý hành chính cao cấp nhất của bộ máy chính quyền TP, chịu trách nhiệm trước Thống sứ Bắc Kỳ về mọi mặt hoạt động của TP, từ việc đảm bảo hệ thống an ninh, cảnh sát, quản lý công sản, thuế, xây dựng các công trình công cộng… đến việc ký các văn bản có tính chất quy định của TP. Đốc lý do Thống sứ Bắc Kỳ đề cử và do toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm.
Về mặt tổ chức, Tòa Đốc lý bao gồm: Văn phòng, Phòng Kế toán, Phòng Cảnh sát, Phòng Quản lý giao thông đường bộ, Phòng Địa chính…
Tháng 10/1905, nhằm mục đích “đáp ứng các yêu cầu cấp thiết” là “làm cho mối quan hệ giữa chính quyền thành phố với dân chúng người An Nam thêm phát triển”, Tòa Đốc lý đã được bổ sung thêm một đơn vị mới; Phòng quản lý các công việc liên quan đến người bản xứ.
Tổ chức của Tòa Đốc lý được quy định chính thức kể từ 1908, gồm: Văn phòng, Phòng Văn thư, Phòng Kế toán, Phòng Hộ tịch, Phòng phụ trách các công việc liên quan đến người bản xứ, Phòng kiểm tra các loại thuế.
Năm 1916, tổ chức của Tòa Đốc lý đã được sửa đổi và bổ sung thêm ba phòng mới là: Phòng Quản lý đường bộ, các công trình nước và chiếu sáng đô thị; Phòng quản lý cây trồng đô thị; Phòng Địa chính và Công thổ.
Riêng đối với Phòng phụ trách các công việc liên quan đến người bản xứ (bị xóa bỏ năm 1916), chính quyền đã phân chia các chức năng, nhiệm vụ của Phòng này sang cho hai đơn vị là Văn phòng và Phòng Hộ tịch và vệ sinh đảm nhiệm.
Đến 1941, chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban thuộc Tòa Đốc lý được quy định lại và bổ sung hai phòng: Phòng Tài chính (bao gồm các Phòng Kế toán, Phòng Quản lý thuế đô thị và quản lý chợ và lò mổ, Phòng từ thiện, Phòng Quản lý các hiệu cầm đồ) và Phòng Quản lý vệ sinh đô thị.
Năm 1945, sau thời gian đảo chính Pháp, người Nhật từng bước “trao trả nền độc lập” cho Việt Nam. Đến ngày 21/7, Bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc lý, một chức vụ được quy định chỉ dành riêng cho người Pháp, do Thống sứ Bắc Kỳ đề cử và do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Song chính quyền mới này chỉ tồn tại chưa đầy một tháng thì cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã bùng nổ ở Hà Nội.
Vai trò trong quản lý phát triển đô thị
Cơ cấu trên cho thấy, để hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý hành chính cao cấp nhất trong bộ máy chính quyền TP và là người chịu trách nhiệm trước Thống sứ Bắc Kỳ về mọi mặt hoạt động của TP, ngoài hai viên phó ra, Đốc lý còn có hai tổ chức giúp việc là Hội đồng TP và Tòa Đốc lý.
Hội đồng TP đóng vai trò cố vấn cho Đốc lý trong việc hoạch định những công việc có tính chất chiến lược của TP, định hướng phát triển TP và quản lý TP về mọi mặt. Người ta thấy rõ vai trò chính của tổ chức này là giúp Đốc lý ban hành các văn bản quản lý hành chính trên tất cả các lĩnh vực của TP. Ví dụ: Xác định địa giới hành chính; Quy hoạch và đô thị hóa…
Hội đồng TP còn tư vấn cho Đốc lý ra những văn bản quy định có tính chất pháp lý thực hiện trong phạm vi TP về những vấn đề thuộc các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, tài chính, thuế…
Về Tòa Đốc lý, vừa đóng vai trò của một cơ quan tổng hợp, lại vừa đóng vai trò của một cơ quan hành pháp của Đốc lý. Có thể hình dung Tòa Đốc lý như một cơ quan tổng hợp bởi vì nó phụ trách rất nhiều công việc mang tính tổng hợp của TP như: Các công việc bầu cử, kể cả bầu cử các trưởng phố; Phụ trách các công việc thuộc về hộ tịch của người Âu và người Pháp…
Bên cạnh những công việc nêu trên, Tòa Đốc lý còn phụ trách những công việc mang tính chất của một cơ quan hành pháp của Đốc lý như: Phụ trách các công việc liên quan đến người bản xứ (nhận và kiểm tra các đơn từ, hộ tịch người bản xứ, giám sát và kiểm tra; Xác nhận căn cước và đạo đức người bản xứ…)… Phụ trách các công việc có liên quan đến việc thực hiện các cuộc đấu thầu các công trình xây dựng; Phụ trách các công việc nghiên cứu và kiểm tra mọi vấn đề có liên quan đến các loại thuế…
Năm 1888, phần lớn đất đai của huyện Thọ Xương đã bị sáp nhập vào Hà Nội. Vì thế, bên cạnh Hội đồng TP và Tòa Đốc lý là hai cơ quan quản lý hành chính của chính quyền thuộc địa còn có một cơ quan chính quyền người bản xứ là Nha huyện Thọ Xương tồn tại ngay trong phạm vi TP. Nha huyện Thọ Xương tiếp tục hoạt động cho đến ngày 6/10/1896 thì bị bãi bỏ theo Quyết định của Kinh lược Hoàng Cao Khải.
Thay thế Nha huyện Thọ Xương là Nha Hiệp Lý được thành lập theo Quyết định của Hoàng Cao Khải với chức năng chính là giải quyết các vấn đề về tư pháp của người bản xứ sống tại Hà Nội. Nhưng Nha Hiệp lý (đứng đầu là một viên quan người bản xứ mang chức danh Hiệp Lý) cũng chỉ tồn tại đến năm 1897 thì bị xóa bỏ.
Lý do chính, theo đề nghị của Công sứ - Đốc lý Thành phố, “Sắc lệnh ngày 15/9/1896 đã mở rộng quyền hạn xét xử người bản xứ cho các tòa án của Hà Nội và Hải Phòng nên viên quan người bản xứ Hiệp lý chỉ đặc biệt phụ trách việc giải quyết các việc án giữa những người An Nam sống trong thành phố không có lý do gì để tồn tại nữa”.
Việc bãi bỏ Nha Hiệp lý đã gây ra cho chính quyền thuộc địa ở Hà Nội một số khó khăn về quản lý các công việc của người bản xứ nên ngày 2/2/1904, Nha Hiệp lý lại được tái thành lập. Nhưng chỉ hơn một năm sau, đến tháng 10/1905, lấy lý do “hoạt động không có hiệu quả”, chính quyền thuộc địa một lần nữa lại xóa bỏ Nha Hiệp lý.
Đây là lần thay đổi cuối cùng và lần này, cơ quan của chính quyền người bản xứ ở Hà Nội đã vĩnh viễn bị xóa bỏ.