Người đứng đầu các tổ chức Care, iSEE, CSAGA chia sẻ tại lễ khởi động dự án “Brave – Vì bạn được tin” |
Ngày 15/1/2019, báo cáo nghiên cứu “Phía sau ngôn từ” (Phân tích diễn ngôn về bạo lực giới và đổ lỗi cho nạn nhân) đã công bố tại buổi lễ khởi động dự án “Brave – Vì bạn được tin” tại khách sạn Lake Side, 23 Ngọc Khánh, Hà Nội.
Theo đó, nhóm nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân khiến các nạn nhân không lên tiếng là do “đổ lỗi cho nạn nhân” (hiện tượng người bị hại phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với họ). Trong số 31.5% nạn nhân trực tiếp đổ lỗi cho mình như nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực gới có 14.6% nạn nhân đổ lỗi cho các thuộc tính cá nhân như “quá tin tưởng”, mình cũng "ngu"… mình không ý thức được nên cũng làm theo…; 3,9% nạn nhân đổ lỗi cho các hành vi của mình, như “không ngăn chặn từ đầu”, “mình đã không nói gì mà cứ để chú ta sờ như thế vì mình nghĩ đó là chuyện bình thường”.
Đáng lo ngại, điều khiến hàng rào ngăn cản nạn nhân lên tiếng chính là từ phía gia đình. Nhiều gia đình giáo dục con cái rằng con gái sở hữu một tài sản vô cùng quý giá là “sự trinh tiết” mà quyết định bởi “màng trinh”. Một người con gái không giữ được trinh tiết được coi là “gái hư”, làm ảnh hưởng đến danh dự của bản thân và gia đình. Do đó, hầu hết các nạn nhân và gia đình chọn cách im lặng vì sợ “xấu hổ”, “không còn mặt mũi nào”. Dựa vào tâm lý này, thủ phạm càng có lí do để đe dọa và tiếp tục xâm hại nạn nhân.
Góc trưng bày “Tại sao họ im lặng” về các câu chuyện của nạn nhân xâm hại tình dục |
Nghiên cứu “Phía sau ngôn từ” nằm trong khuôn khổ dự án “Brave - Vì bạn được tin” do Chính phủ Úc tài trợ, ba tổ chức Care, iSEE và CSAGA cùng thực hiện.
Điểm nhấn của dự án là góp phần giải quyết bạo lực, xâm hại tình dục bằng cách chung tay thay đổi văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân; tiếp cận hỗ trợ hành trình thay đổi từ “nạn nhân” thành “người dám vượt qua”, và “những người tiên phong” để truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Câu chuyện của một số nạn nhân được kể bởi các nghệ sĩ múa đương đại thu hút người xem |
Dự án kéo dài 3 năm với nhiều hoạt động khác nhau nhằm tìm ra những căn nguyên của vấn đề, thay đổi cách công chúng, báo chí nói về nạn nhân, người gây ra bạo lực, nguyên nhân dẫn đến bạo lực, xâm hại tình dục và chỉ ra những cách ứng xử phù hợp cho những người được nạn nhân chia sẻ về sự việc.