“Hồn bà Thảo, da bà Sa”
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải trao đổi với báo chí cho biết, vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa bị tố cáo sử dụng bằng cấp của chị gái để thăng tiến là có thật. Nguyên nhân là do mới đây, Tỉnh ủy nhận được đơn tố cáo về sự việc gian dối này và đã xác minh điều tra.
Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975, trú phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột). Bà Thảo chir học hết cấp 2, nhưng sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái (hiện là hộ lý ở BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để đi học trung cấp và liên thông lên đại học. Hiện bà Thảo đã học đến thạc sỹ.
Ngoài ra, trong hồ sơ lý lịch, nhà bà Thảo có 11 anh chị em nhưng chỉ khai có 4, tuy nhiên, trong lý lịch Đảng viên của bà Thảo lại khai đủ. Hiện nay bà này đã xin nghỉ việc. Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, sau khi kỷ luật đối với bà Thảo, sẽ có văn bản đề nghị xem xét trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan tại Lâm Đồng khi xác nhận hồ sơ của bà Thảo tại địa phương. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ có văn bản gửi các đơn vị, trường đại học để xem xét thu hồi các bằng cấp của bà Thảo.
Bản thân bà Sa, mà tên thật là bà Thảo, xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, sau đó “mượn” bằng tốt nghiệp PTTH của chị gái đi học lên kế toán. Theo nhiều nguồn thông tin thì bà Thảo là người có nhan sắc, ngoại hình khá.
Đó là toàn bộ sự việc liên quan đến lùm xùm của nữ trưởng phòng có xuất thân từ 1 hot girl làm nghề cắt tóc gội đầu đang gây xôn xao mạng xã hội. Bởi nhiều người liên tưởng đến vụ việc của hot girl Quỳnh Anh, trưởng phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, cũng được “nâng đỡ không trong sáng” mà thăng tiến vượt bậc.
Nhiều người chỉ trích bà Thảo, cho rằng bà là người gian dối, lừa cả tổ chức cao nhất của một địa phương để chui vào và lên đến chức trưởng phòng. Xong cũng có người bênh vực, cho rằng chẳng qua bà Thảo chỉ là do “hiếu học” quá mà thôi. Bà mượn bằng cấp của chị gái để được đi học, và đã học lên tận thạc sĩ, một trình độ mà nhiều người nếu không phấn đấu thì cũng không đạt tới được.
Dư luận cho rằng, hot girl trưởng phòng Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, khi bị phát hiện thì xin nghỉ việc và bỗng nhiên “mất tích”, không ai tìm thấy ở đâu. Còn “hot girl gội đầu” dùng bằng giả để làm đến chức trưởng phòng này, khi bị phát hiện thì cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc, vậy là xong? Vậy trách nhiệm của bà Thảo, bà Sa và “hai bản lý lịch” khác nhau có được làm tới cùng? Khi mà bà Sa ( tức Thảo) có tới 20 năm dùng bằng giả, trải qua nhiều đợt xác minh, kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện ra sự dối trá về bằng cấp, thân nhân gia đình và thăng tiến liên tục?
Bằng giả, quyền lực thật
Trở lại việc mua bán bằng cấp thông thường, chỉ cần thao tác đơn giản được gõ trên Google và Facebook “mua bằng đại học giá rẻ”, “mua chứng chỉ” là ngay lập tức có một danh sách không ít các trang mạng, địa chỉ, trang web… bán bằng cấp giả.
Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá một đường dây làm văn bằng giả, chứng chỉ cực lớn, thu giữ 1 tấn bằng giả, 1.200 con dấu của hàng nghìn trường đại học, cao đẳng, trung cấp.... trên cả nước. Thông tin dù không bất ngờ, nhưng vẫn khiến nhiều người phải giật mình.
Thủ đoạn buôn bằng giả của cái đối tượng chủ yếu là sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber để quảng cáo rao nhận làm các loại bằng cấp, chứng chỉ. Tình trạng mua bán bằng đại học giả, chứng chỉ giả đã diễn ra công khai rất nhiều năm qua. Không ít đối tượng đã sử dụng những tấm bằng giả này để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chứng minh trình độ học vấn… trót lọt, qua mắt được các cơ quan, tổ chức, nhà tuyển dụng.
Mặc dù việc sử dụng bằng giả có thể bị xử lý hình sự khi bị phát hiện (quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015), nhưng có không ít người vẫn sử dụng giấy tờ, con dấu giả khi đi xin việc.
Theo quy định của từng trường đại học phải mất ít nhất 4-5 năm để sở hữu cho mình một tấm bằng đại học, nhưng với công nghệ làm giả “cao thủ” hiện nay thì việc nhận bằng đại học cùng các loại chứng chỉ giấy tờ chỉ mất vài ngày, thậm chí là “thần tốc”.
Nguy hiểm hơn, bằng cấp giả đồng nghĩa với trình độ kiến thức hiểu biết giả nhưng lại được ngồi vào “cái ghế” thật nắm quyền lực, mà quyền đẻ ra tiền, tất sẽ phát sinh nhiều cái giả khác, như đạo đức giả, học vị giả, tri thức giả, thành tích giả,...
Còn bao nhiêu tấm bằng giả đang lưu hành trong giới cán bộ, công chức? Không ai biết chính xác câu trả lời. Nhưng hãy xem lời mời chào trên mạng làm bằng giả từ phổ thông lên tới tiến sĩ thì cũng đủ mường tượng ra nhu cầu tấm bằng trong xã hội Việt Nam hiện lớn như thế nào.
Theo nhà giáo Lê Vinh, bằng cấp và kiến thức lẽ ra là một nhưng ở Việt Nam lại không phải vậy. Việc học giả, bằng thật cũng không phải là hiếm, lỗi đó do đâu? Từ bằng tiến sĩ tới bằng cử nhân không hiếm trường hợp những người có bằng chỉ là thứ thùng rỗng thích kêu to mà thôi.
Thời nay, nhiều quan chức có bằng bổ túc trung học, có bằng cử nhân tại chức, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhờ người học thuê và làm thuê luận án, luận văn giờ có bằng thật nên hãnh tiến với đời. Khi có chức, để tỏ rõ oai quyền của mình, họ bắt cấp dưới cũng phải có bằng này bằng kia để khoe mẽ với thiên hạ rằng dưới trướng của mình toàn là người nhiều chữ. Họ yêu cầu công chức, viên chức dưới quyền cấp nào có bằng cử nhân, cấp nào có bằng thạc sĩ, có bằng tiến sĩ mà không yêu cầu phải có kiến thức.
Bởi vậy các trung tâm giáo dục thường xuyên, những Harvad địa phương, liên kết với các trường đại học thành những chiếc máy in phát bằng cử nhân, bằng thạc sĩ kể cả do nước ngoài cấp. Trọng bằng cấp, không trọng kiến thức đang là vấn nạn hủy hoại xã hội, làm tha hoá một bộ phận không nhỏ những người làm giáo dục, kể cả người quản lý lẫn các thày cô.
Cái câu “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” không phải là đúng với tất cả nhưng chắc chắn là đúng với rất nhiều các cử nhân tại chức, nhất là những người nhận tấm bằng này khoảng 20 năm trở lại đây. Bây giờ, khi luật giáo dục mới có hiệu lực, không còn khái niệm bằng chính quy hay bằng tại chức, cái “ngu” đã được giấu nhẹm, người học tại chức được quyền nhận bằng cử nhân như học sinh chính quy. Quy định này là hình thức trộn lẫn hàng thật và hàng giả, hàng có chất lượng và hàng nhái bởi vậy người sử dụng nhân lực cần phải là những người tiêu dùng thông thái.
Tất nhiên, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân từ trước tới nay tuyển dụng nhân viên theo phương thức “Anh, chị làm được những gì?”, ít ảnh hưởng tới quy định một loại bằng khi luật có hiệu lực.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cơ chế tuyển dụng là nguyên nhân gây ra vấn nạn bằng giả. Chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp chứ không mấy khi đề cao thực hành. Đây là nguyên nhân khó kiểm soát chất lượng của các loại bằng cấp hệ lụy của có thể dẫn tới nhiều người sẽ sử dụng bằng giả để đạt được mục đích của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, chừng nào còn những “con voi chui lọt lỗ kim” như vụ việc hy hữu bà Sa (tức Thảo) thì nó cũng là nguyên nhân khiến cho một loạt điều trái ngang phát sinh, một loạt điều nghịch lý nối đuôi nảy nở theo hiệu ứng “đôminô”.
Có lẽ nỗi ám ảnh về sự nghèo hèn, thiếu thốn, khát vọng thay đổi cuộc đời bằng đường quan lộc… khiến người Việt luôn quá chú trọng đến danh phận, chức tước, địa vị và xem đó như một tiêu chí đánh giá, một thước đo về sự thành đạt và giá trị con người. Trong khi, giá trị thực sự của một con người là ở chính nhân cách, nhận thức và những đóng góp của họ đối với cộng đồng, chứ không phải ở chỗ “kiếm được” bao nhiêu, giàu cỡ nào và ngồi “chiếu” nào?
Thế nhưng, nỗi ám ảnh ấy vẫn nặng nề và lớn đến mức khiến các thế hệ sau không biết lấy gì để lấp đầy được những tham vọng ấy? Chẳng thế, mới dẫn tới những hệ lụy cả gia đình, dòng họ lo chạy điểm cho con như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Và câu chuyện dường như khó có hồi kết…