Hung thủ vụ thảm án Yên Bái từng đặc biệt mê game online

(PLO) - Sau hơn hai tháng vụ án thảm án xảy ra, thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái) trở lại cuộc sống yên bình vốn có.
Xã Lâm Giang đang dần trở lại cuộc sống yên bình (Ảnh: Đ.Minh)
Xã Lâm Giang đang dần trở lại cuộc sống yên bình (Ảnh: Đ.Minh)

Chuyện ghi ở nơi “cái ác bột phát”

Xã Lâm Giang, (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) ít ngày nay trời nắng nhẹ. Đã hơn hai tháng kể từ sau vụ án chấn động xảy ra, vùng quê miền núi này trở lại vẻ yên ả vốn có. Huyện rộng nhất nhì tỉnh Yên Bái bỗng dưng “nổi tiếng”. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ xe ôm đến quán phở, thông tin vụ án “đều nằm lòng”.

Nhưng những chia sẻ của người dân nơi đây làm chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng. Ai cũng mong muốn vụ án sớm khép lại để mầm thiện vươn lên, người dân vui với cây sắn, cây ngô. Cái ác bị đầy lùi từ những suy nghĩ tích cực ấy.    

Chị Hương, xóm 18, thôn Cài kể: trước khi vụ án được đưa ra xét xử ít ngày, gia đình Hùng đã mời thầy cúng về làm lễ để “cầu cho Hùng không bị ma bắt đi sớm" (không bị xử án tử hình) nhưng thầy bảo tội này không thoát được.

“Dù Hùng gây tội ác tày trời, người dân cũng vẫn thông cảm cho gia đình anh ta. Làm cha mẹ mang nặng đẻ đau, ai chẳng xót con” - bà Thoa, xóm 5 bộc bạch.

Dưới ánh nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhại, anh Dũng, xóm 4 mang ra hai chai nước: “Nước mưa xịn đấy. Uống đi cho đỡ khát. Nhà báo viết sao để thanh niên trong xã em ra ngoài không bị tiếng là “ác thằng Hùng”.
Dũng chia sẻ, thanh niên ở đây không còn lạ Đặng Văn Hùng, bởi anh ta là người mê chơi game. Có mấy quán game gần ủy ban xã Hùng thường hay lui tới trước khi tội ác diễn ra. Người dân ở đây bảo, tội ác Hùng thực hiện có phần tác động từ trò chơi trực tuyến.

Rít điếu thuốc cháy lẹm trên tay, anh Kiên, xóm 18 kể, từ hôm xảy ra vụ án, thanh niên trong làng ít đến quán game hơn. Nhiều gia đình quản con chặt hơn để “không bị kích động mà gây tội ác như thằng Hùng”.

Theo người dân nơi đây, Lâm Giang vốn là xã thuần nông miền núi. Đa số các gia đình sống nhờ làm nương, trồng ngô, trồng sắn. Thanh niên ở đây sống hiền lành, chăm chỉ làm nương, hết vụ đi làm thuê.

Cách đây 4-5 tháng, con đường nối từ trung tâm thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đi qua xã Lâm Giang lên đất Bảo Hà (Lào Cai) được trải nhựa phẳng nhờ vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Nhật Bản, được đưa vào sử dụng nên dọc hai bên đường ngày càng tấp nập xe cộ, dân hồ hởi làm ăn.
Đường dẫn vào bản Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Ảnh: Đ.Minh)
Đường dẫn vào bản Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Ảnh: Đ.Minh) 

Trong bữa cơm nhạt với nhóm thợ sửa xe ở xóm 18, xã Lâm Giang, nhiều câu chuyện làm nhen nhóm trong đầu người viết suy nghĩ: trong cái vùng núi yên bình này, liệu có sự du nhập của lối sống xa hoa đô thị làm âm ỉ những mầm ác?

Tôi hỏi dò: “Rừng núi mênh mông thế này, buổi tối các thanh niên giải trí bằng cái gì”?. Nhóm thanh niên cười nhạt. Họ kể, đập đá, hút cỏ Mỹ, uống rượu là những trò chơi chính. “Các cậu nói khoác”. “Thằng này này, mới đốt hết hơn 50 triệu vào đá, trốn bố mẹ mấy hôm vừa mới về” - một thanh niên chỉ tay sang cậu bạn cởi trần, đầu tóc rối mù, nói như để minh chứng.

Như để lời nói của bạn mình thêm tin cậy, một thanh niên khác bảo, thu nhập của thanh niên ở xã không cao, chẳng lấy đâu tiền mà chơi. Nhưng khi đến vụ ngô, vụ sắn được thu hoạch là lúc các cậu lại rủng rỉnh tiền.

“Chuyện đến đây thôi. Đi làm” - Dũng, chưa đầy 30 tuổi, chủ gara ô tô ngắt câu chuyện. Không ai bảo ai, các thanh niên mỗi người một việc răm rắp. “Chơi gì không biết, nhưng phải lao động mới là vinh quang”. Dũng ngoái lại nhìn tôi vẻ thanh minh.

Sau dư âm vụ án, ở Lâm Giang bây giờ có hàng trăm câu chuyện xung quanh cái thói hư, tật xấu đang rình rập đám thanh niên vùng miền núi này. Mỗi người một chuyện. Mỗi chuyện một khác. Có điều, trong ánh mắt của người dân nơi đây, tín hiệu vui khiến chúng tôi quên đi mệt nhọc đường xá, chính là sự lành lặn, chân tình. Chúng tôi tin “cái ác là bột phát”.
Trời miền núi Yên Bình hoen nắng, gặp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang, giọng trầm buồn: gia đình Hùng là hộ khó khăn, bố là người dân tộc ít người. Bản thân gia đình lao động cần cù, song thu nhập hạn chế, cả nhà làm nương rẫy với cây sắn, cây ngô.

“So với các vùng khác trong xã, nhận thức pháp luật của người dân trong vùng cũng như bản thân Hùng còn hạn chế, Hùng cũng chưa có tiền án tiền sự, chỉ vì mâu thuẫn trong làm nương rẫy mà có hành động tội ác bột phát” - ông Sơn nói.

Mầm thiện đang sinh sôi

Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang bảo, ít năm trở lại đây, địa bàn xã mọc lên một số quán internet, thu hút thanh niên đến chơi. Vì nhận thức luật pháp còn thấp, dễ sinh thói hư tật xấu. Đây là điều chính quyền nơi đây trăn trở.

Để hạn chế cái xấu, cái ác bột phát trong thanh niên, trước khi vụ án xảy ra, xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhận thức pháp luật cho người dân trong vùng và cả nơi Hùng sinh sống.

“Ngay khi bắt được nghi phạm, huyện đã cùng với xã tổ chức ngay một buổi thông tin, giải thích cho người dân. Từ đó đến nay người dân ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, đưa cuộc sống trở lại bình thường” - ông Sơn thông tin.
Mầm thiện đang sinh sôi tại nơi xảy ra vụ thảm án (Ảnh: Đ.Minh)
Mầm thiện đang sinh sôi tại nơi xảy ra vụ thảm án (Ảnh: Đ.Minh) 

Vị Bí thư cho hay, 5/18 thôn bản ở đây là người dân tộc thiểu số, dư cư từ huyện Bát Xát (Lào Cai) đến sinh sống từ sau năm 1979 với nghề chính là trồng cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi. Cái khó là địa bàn, tập tục sinh hoạt người dân không cố định. Để pháp luật đến với người dân, xã phải linh hoạt thời gian và lựa chọn nội dung phù hợp tập tục.

Đại diện Đảng ủy xã Lâm Giang trăn trở: “Trước kia xã có 3 quán game, nay có 6 quán. Sự đi lên của đời sống không nhất thiết phải đi cùng với trò chơi điện tử, thanh niên tham gia dễ nảy sinh nhiều hệ lụy khó kiểm soát. Còn nếu là thể thao thì khuyến khích, hiện 18/18 thôn đã có sân bóng chuyền”.
Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang: "Cuộc sống người dân đã trở lại bình thường" (Ảnh: Đ.Minh)
Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang: "Cuộc sống người dân đã trở lại bình thường" (Ảnh: Đ.Minh) 

“Làm sao để đẩy lùi cái ác nhem nhóm trong thanh niên ở đây”?, ông Sơn bộc bạch: “Căn cơ là nhà nước tập trung đầu tư nhà máy, trang trại phát triển chăn nuôi, làm nông sản, tạo việc làm tại chỗ. Để cái ác đi xuống, cái thiện nhân lên cần tuyên truyền phổ biến pháp luật; nắm chắc di biến động nhân hộ khẩu; biểu dương kịp thời các gia đình tiên tiến, vươn lên trong làm ăn; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản”.

Thoạt nghĩ, chia sẻ của ông Bí thư Đảng ủy xã khôn khan, có phần sách vở. Nhưng ngẫm kỹ, sâu xa cội gốc vấn đề, có lẽ đây là điều không thể khác để cái thiện nhân lên, đè bẹp cái ác nơi miền rừng rậm, núi cao thăm thẳm này.

Đọc thêm