Huyền bí hóa thân tái sinh của Mật tông Tây Tạng

(PLVN) - “Sự tái sinh của hóa thân là hiện tượng đến từ sự tình nguyện của cá nhân, hoặc ít nhất là cũng qua sức mạnh của nghiệp duyên, phước báu và năng lực cầu nguyện”, theo trang Dalailama.com của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, khác với sự đầu thai chuyển kiếp thông thường, hóa thân tái sinh vẫn giữ được ký ức về đời sống lúc trước.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, pháp danh Tenzin Gyatso.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, pháp danh Tenzin Gyatso.

Ở Tây Tạng - đất nước Phật giáo đầy bí ẩn này, người ta truyền nhau những câu chuyện huyền bí về những vị Đạt Lai Lạt ma, là hiện thân lòng từ của chư Phật và Bồ Tát.

Vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên của Tây Tạng

Theo sử ký Tây Tạng, vào cuối thế kỷ 14, khi một gia đình du mục chăn cừu di cư từ miền đông Tây Tạng đến những cao nguyên bên miền Tây, đã tạm định cư trên một cánh đồng nhỏ ở Shabtod, nằm trong thung lũng Srad gần Shigatse và chùa Sakya.

Đúng vào ngày đứa con của hai vợ chồng trẻ chào đời, gia đình này bị truy lùng bởi bọn thổ phỉ nên phải bỏ trốn, để lại đứa bé quấn trong chăn ấm, đặt khuất sau những tảng đá. Sáng hôm sau, những người chăn cừu quay trở lại và vô cùng kinh ngạc khi thấy đứa bé vẫn bình yên vô sự.

Khi đó, có một con quạ to đang canh gác cho cậu bé khỏi sự đe dọa của những bầy quạ, kền kền và những con chó hoang dã khác. Các nhà tiên tri sau này cho rằng con quạ ấy chính là hiện thân của Mahakala - một dạng thần Hộ Pháp của đức Quan Thế Âm, có nhiệm vụ đi theo hộ trì cho cậu bé ấy suốt đời. 

Khi còn là một đứa trẻ, cậu bé đã có cách cư xử đặc biệt, ví như chạm khắc những câu mật chú và những lời cầu nguyện trên các tảng đá trong lúc đang chăn giữ gia súc. Vì thế, năm lên bảy, dù gia đình rất nghèo, sau khi cha mất, người mẹ vẫn đưa cậu bé đến Nartang - một ngôi chùa của phái Kadampa, để làm thị giả và học hành dưới sự giám hộ của người cậu tên là Geshe Chosey.

Ở đây, cậu bé được đặt tên mới là Padme Dorje (có nghĩ là hoa sen sấm sét). Sau một thời gian được dẫn dắt, chở che và truyền đạt giáo lý của Viện trưởng Drubpa Sherab - một đạo sư nổi tiếng, cậu bé được xuất gia với pháp danh là Gendun Drub hay còn gọi là Gendun Truppa (sự hoàn hảo của đức hạnh)  - chính là Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên của Tây Tạng, (1391 - 1475).

Trước năm hai mươi lăm tuổi, Gendun Truppa đã hoàn tất việc thọ giới và trở thành một vị tăng thực thụ và được học hành dưới sự hướng dẫn của gần năm mươi vị Lạt Ma. Tiểu sử bằng tiếng Tây Tạng đã nhấn mạnh về Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên với những phẩm chất của một tâm hồn bình thản, cách xử sự điềm đạm, khiêm nhường, và hoàn toàn không có tâm ganh tỵ hay tranh đua, không hề tự khen mình hay chê người.

Sau khi rời khỏi Nartang, Gedun Truppa đến trung tâm Tây Tạng để theo đuổi việc học hành cao hơn ở một số trường đại học Phật giáo khác. Trong suốt mười hai năm ở trung tâm Tây Tạng, Gedun Truppa đã nhập thất, thiền định và học hỏi không ngừng, cuối cùng đạt được chức vụ Viện trưởng ở Ganden, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của phái Gelupa.

Một trong những tiểu sử của Tây Tạng về Gedun Truppa đã chép rằng: “Đại sư đã thể hiện chính mình là một tăng sĩ mẫu mực: trước hết là học hành, nghiên cứu bằng quá trình văn - tư - tu của mình để đạt được sự giác ngộ và sau đó cống hiến cả cuộc đời cho sự truyền bá đạo pháp, để lại những tác phẩm giá trị và xây dựng các trung tâm tâm linh cho hậu thế”.

Chuyện tái sinh kỳ lạ

Người ta kể lại rằng, Gedun Truppa viên tịch vào năm 1475, khi ở độ tuổi 84. Sau khi truyền cho các đệ tử những lời huấn thị cuối cùng về giáo lý Phật đà, vị Lạt Ma đã nhập mật định bằng phương pháp “Yoga trong giai đoạn hoàn tất”. Truyền thuyết kể lại rằng: “Thân thể của Ngài bắt đầu chuyển dạng từ một người già nua trở nên trẻ trung và phát hào quang rực rỡ. Ngài giữ nguyên trạng thái như thế trong vòng 49 ngày, không thở và tim cũng không đập.

Các tài khoản mạng xã hội của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Các tài khoản mạng xã hội của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Ngài ngồi trong tư thế tukdam, một trạng thái huyền bí giữa sống và chết, ý thức dần dần rời khỏi tim và cơ thể được duy trì nguyên vẹn nhờ năng lực của thiền định”. Các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng còn truyền rằng, vị Lạt Ma này sẽ hóa thân trở lại trần gian, đầu thai qua các vị Đạt Lai Lạt Ma để cứu độ chúng sinh và hoàn tất những việc mình chưa làm xong.

Để các đệ tử biết được mình sẽ hóa thân vào người nào, đại sư Gedun Truppa đã chỉ rõ một vài thứ đồ dùng hàng ngày của mình và viết một bài kệ đặc biệt đề ngày sau cứ theo đó mà suy đoán. Suốt 2 năm sau đó, các đệ tử liên tục tìm kiếm và cuối cùng đã xác định được hóa thân tái sinh của Gendun Truppa là một cậu bé 2 tuổi sống tại vùng Tsang, miền trung Tây Tạng.

Tương truyền, khi vừa bập bẹ biết nói, cậu bé đã nói với cha mẹ rằng tên mình là Pema Dorjee (tục danh của Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên). Sau đó, các đệ tử của đại sư đã tìm đến tiếp xúc và  hỏi cậu bé nhiều câu hỏi về tiền kiếp, đứa bé trả lời rất trôi chảy. Sau đó là thử thách, những di vật của đại sư Gedun Truppa được đặt lẫn lộn với nhiều đồ vật của những vị sư khác trong tu viện trước mặt cậu bé, rồi hỏi những thứ nào người đã thường dùng ngày xưa?

Cậu bé nhìn tất cả các thứ, rồi lựa những di vật của đại sư Gedun Truppa để riêng ra một bên và nói: “Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước”.  Sau đó, một người liền đưa bài kệ khi xưa cho cậu bé đọc thử. Cậu bé không những đọc được cả bài kệ mà còn giải thích được những đoạn khó hiểu cho mọi người nghe. Cậu bé đó trở thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 với pháp danh Gendun Gyatso (1475 - 1542).

Cứ thế, mỗi đời Đạt Lai Lạt Ma trước khi viên tịch đều để lại một số di vật như tràng hạt, bình bát... cùng một bài kệ để phục vụ việc tìm kiếm. Ngoài ra, các bậc cao tăng được cho là sẽ nhận báo mộng cũng như một số dấu hiệu khác.

Trong cuốn sách The Search Team Arrives của 2 tác giả Anne F.Thurston và Gyalo Thondup (anh ruột Đạt Lai Lạt Ma thứ 14) đã ghi lại: “Sau khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 Thubten Gyatso qua đời năm 1933, di thể được ướp đang quay mặt về hướng đông nam đã tự quay đầu về hướng đông bắc”. Dựa theo dấu chỉ này, đoàn tìm kiếm tới làng Taktser, nay thuộc tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) để gặp cậu bé Lhamo Thondup.

Cậu bé Lhamo Thondup cũng nhanh chóng vượt qua các bài kiểm tra theo truyền thống, chọn đúng những vật dụng của hóa thân đời trước và trở thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cho tới nay, với pháp danh Tenzin Gyatso. Theo kể lại, khi đứa trẻ này vừa ra đời, thường thấy một cặp quạ bay đến đậu trên mái nhà, tương tự các đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 1, 7, 8 và 12.

Truyền thống hóa thân

Nếu các Đạt Lai Lạt Ma được xem là hóa thân của Quán Thế âm Bồ tát thì Ban Thiền Lạt Ma được cho là hóa thân của Phật A Di Đà. Danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma đầu tiên do Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso trao cho thầy mình là đại sư Khedrub Je (1385 - 1438).

Từ đó về sau, các vị Ban Thiền Lạt Ma tiếp nối truyền thống hóa thân tái sinh và được xem là có vị thế thứ hai về giáo quyền lẫn thế quyền sau Đạt Lai Lạt Ma. Cũng từ đây, Ban Thiền Lạt Ma đóng vai trò lãnh đạo quá trình tìm kiếm, tuyên nhận hóa thân tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma và ngược lại.

Đức Đạt Lai Lạt Ma chụp cùng người trẻ Tây Tạng từ Châu Âu, Châu Mỹ và Ấn Độ, tại Đền Tây Tạng ở Dharamsala (Ấn Độ) vào tháng 6/2019.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chụp cùng người trẻ Tây Tạng từ Châu Âu, Châu Mỹ và  Ấn Độ, tại  Đền Tây Tạng ở Dharamsala (Ấn Độ) vào tháng 6/2019.

Không chỉ riêng Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma mới tái sinh mà có rất nhiều dòng tái sinh trong cả 4 phái của Mật tông Tây Tạng. Trong đó, dòng tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma được thế giới bên ngoài biết đến nhiều nhất. Truyền thống hóa thân tái sinh là một trong những đặc điểm huyền bí nhất của Phật giáo Mật tông Tây Tạng.

Theo trang Dalailama.com của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, có thể hiểu hóa thân là sự thị hiện của chư Phật, bồ tát và các vị đạo sư giác ngộ trên trần thế để giáo hóa và cứu độ. Khi hóa thân chết đi, những bậc này có thể lựa chọn tái sinh để tiếp tục công cuộc hoằng hóa còn dang dở.

Năm 2010, ở tuổi 75, Đức Đạt Lai Lạt ma thứ 14, Tenzin Gyatso từng trả lời về kiếp sau của mình trong một cuộc phỏng vấn  tại một trụ sở lưu vong ở  Dharamsala thuộc miền Bắc Ấn Độ: “Nếu tôi qua đời như một người tị nạn và tình trạng Tây Tạng vẫn tiếp tục như hiện nay, thì sự tái sinh của tôi sẽ xảy ra trong một quốc gia tự do; bởi vì mục tiêu chính của việc tái sinh là tiếp tục những việc làm đã được bắt đầu trong tiền kiếp.

Và sẽ có một sự tiếp nối, cống hiến, hoàn thành với công việc đã bắt đầu trong kiếp trước của tôi. Đấy là một sự tái sinh chân thật”. Đức Lạt Ma cũng nói, nếu người tái sinh không thể tiếp tục những việc đã được thực hiện trong tiền kiếp thì “hiện thực không phải là sự tái sinh”, đấy là “sự tái sinh giả mạo”. 

Đọc thêm