Huyền thoại về những người đầu tiên mở mang bờ cõi ở đảo Long Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày nay sơn thủy hữu tình, dân cư đông đúc vốn là điểm du lịch hấp dẫn của địa phương và cả nước nhưng hơn trăm năm trước nhiều nơi còn là chốn hoang vắng không một bóng người bởi thiên nhiên quá khắc nghiệt, bốn bề là rừng ngập mặn, đầm lầy bao quanh, thú dữ rình rập…
Quần thể kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn tựa mình dưới chân núi Nứa,
Quần thể kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn tựa mình dưới chân núi Nứa,

Trăm năm trước tiền nhân vỡ đất

Nhìn từ xa, núi Nứa - có lý giải rằng gọi vậy bởi trước kia trên núi mọc rất nhiều tre nứa, trông nhấp nhô uốn lượn hình con rồng, có lẽ vì vậy nên còn có tên Long Sơn. Dãy núi nằm ở trung tâm xã đảo cùng tên – đảo Long Sơn, nơi được bao bọc bởi bốn bề sông nước với những rạch Bến Đá; rạch Rạng, sông Ba Nanh, sông Chà Và, Vịnh Gềnh Rái.

Đảo Long Sơn có diện tích hơn 90km2, chỉ cách TP Vũng Tàu hơn 3km theo đường chim bay. Thế nhưng vì ngăn cách, bao quanh đảo là các bãi bồi và sình lầy bị chia cắt bởi hàng trăm kênh rạch, việc đi lại giữa đảo và đất liền xưa kia vô cùng khó khăn, phương tiện duy nhất là ghe thuyền và phụ thuộc vào con nước.

Địa hình của đảo chia làm hai khu riêng biệt, khu vực đảo lớn và khu bãi bồi Gò Găng, ngăn cách nhau bởi con sông nước mặn rộng chừng 500m. Ngược dòng lịch sử, đảo Long Sơn không có vết tích di chỉ của người nguyên thủy, song ở một số khu vực có dấu tích của người Chà Và, người Khmer, vốn là những cư dân đầu tiên cư ngụ sinh sống ở đây trước người Việt.

Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, trên hành trình Nam tiến, những cư dân Việt đầu tiên đã đặt chân trên vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa bằng đường biển. Các chúa Nguyễn sau đó tổ chức nhiều đợt di dân nhằm mở mang bờ cõi, khai phá vùng đất mới này. Trong các khu vực của xứ Bà Rịa, Long Sơn được khai phá muộn hơn, bởi lẽ nhiều bất lợi địa lý, thiên nhiên như rừng thiêng đất dữ, nhiều dã thú cọp beo, nước ngọt hạn chế.

Làng bè nuôi hải sản ở đảo Long Sơn.

Làng bè nuôi hải sản ở đảo Long Sơn.

Dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), những người lính thú do triều đình phái tới để đóng đồn tại Bến Điệp ở phía Bắc hòn đảo – nơi gần cửa ngõ ra vào thành Gia Định và miền Đông Nam bộ. Ngoài nhiệm vụ tuần phòng, canh giữ, binh lính còn khai hoang vỡ đất, tăng gia sản xuất theo chính sách khuyến khích của triều đình.

Sau giải ngũ những người lính thú ở lại đây lập nghiệp, đưa vợ con họ hàng tới đây sinh sống, tạo nên cộng đồng dân cư. Đây là khu vực tương đối bằng phẳng rộng rãi, có nguồn nước ngọt, thuận lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt, làm muối và đánh bắt hải sản.

Khu vực phía Nam đảo vốn rừng rậm bao phủ và nhiều thú dữ, thiên nhiên khắc nghiệt, nguồn nước ngọt hạn chế. Cuối thế kỷ 19 đã có một số người đến đây khai hoang lập nghiệp, trong đó có bà Trao, ông Thiệu. Sau thêm nhiều người dân đến đây khẩn hoang dựng nhà, trồng trọt và đánh bắt hải sản. Tên bà Trao sau này được dùng đặt cho vùng đất này, tức ấp Bà Trao ngày nay.

Khi những vùng khác trên đảo đã có người tới vỡ hoang, hình thành cộng đồng dân cư thì tại vùng đất phía Đông, Đông Nam của đảo nằm dưới chân núi Nứa, vẫn hoang vu rậm rạp. Đến năm 1900, một người đàn ông kỳ lạ dẫn đầu một đoàn chừng hai chục người đi trên chiếc xuồng, tiến vào chốn hoang địa này.

Người đàn ông đó thường được gọi là Ông Trần, ngày nay người dân Long Sơn tôn kính gọi Ông Trần bằng độc nhất một chữ “Ông”. Không phải là người đầu tiên có mặt trên đảo Long Sơn, song chính ông được xem là nhà doanh điền đã lập nên xã đảo Long Sơn. Ông để lại nhiều di sản cho vùng đất này như Nhà lớn Long Sơn, đạo Ông Trần với những lẽ sống tốt đẹp ở đời, cùng nhiều tập tục vô cùng đặc biệt, kỳ lạ.

Chuyện về ông Trần

Ông Trần hay còn gọi Ông Nhà Lớn, tên thật là Lê Văn Mưu (1855-1935), người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Ông là con trai thứ hai trong số bảy người con, lớn lên trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động.

Năm 19 tuổi (1874), ông Mưu lấy vợ người ở Châu Đốc, về sau sinh ra ba người con, gồm 2 trai và 1 gái. Có tài liệu cho rằng, khoảng năm 1885, Lê Văn Mưu khi ấy chừng 30 tuổi, đã tìm đến làng An Ðịnh, nơi chân núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để xin làm đệ tử Đức Bổn sư Ngô Lợi (1831?–1890, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) và tham gia phong trào kháng Pháp cũng do ông này lãnh đạo.

Người dân Long Sơn vẫn giữ nghề truyền thống làm diêm muối.

Người dân Long Sơn vẫn giữ nghề truyền thống làm diêm muối.

Năm 1887, quân Pháp ở Châu Đốc kéo quân vào An Định, bị quân kháng chiến kháng cự dữ dội ở núi Trà Sư. Khi quân Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn... Năm 1890, Đức Bổn sư Ngô Lợi mất, cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo cũng dần tàn lụi. Lê Văn Mưu khi đó phải về quê ở ẩn.

Để tránh quân Pháp truy lùng, Lê Văn Mưu dự định đi đến miền Đông Nam bộ để lánh nạn và phát triển mối đạo, nhưng vì vợ ông không muốn rời quê nên khi vợ qua đời, ông mới tiến hành. Năm 1891, Lê Văn Mưu cùng gia quyến và khoảng 20 đồng đạo xuống 5 chiếc ghe lớn, từ Hà Tiên vượt biển đến định cư tại Vùng Vằng (vùng biển ở phía Đông Bắc thành phố Bà Rịa ngày nay).

Ở vùng đất mới, ông hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, làm muối để bán tại chỗ và đi ghe về miền Tây hoặc sang tận Campuchia để bán hay đổi lấy lúa gạo. Nhiều người đến ông xin thuốc, xin được theo ông làm ăn sinh sống ngày càng đông. Ở đây chừng 8 năm, phần vì bị truy thu thuế phần sợ nhà cầm quyền Pháp để ý, ông đã đưa cả gia đình lánh sang ấp Rạch Dừa (nay thuộc phường 10, TP Vũng Tàu). Tuy nhiên ông chỉ ở đây thời gian ngắn trước khi dời đến đảo Long Sơn.

Khu vực Đông Nam đảo Long Sơn lúc bấy giờ còn hoang vu với rừng sác rậm rịt, xú vẹt, nhiều thú dữ, rắn độc, thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, thiếu nguồn nước ngọt, đất bằng thì sình lầy nhiễm mặn, đất núi thì sỏi đá khô cằn. Thế nhưng ông Lê Văn Mưu vẫn quyết định chọn nơi này để lập nghiệp, bởi nơi này vắng vẻ yên tĩnh, phần ông tin rằng với ý chí sắt đá, ông và đồng đạo sẽ chinh phục được vùng rừng hoang đất hiểm.

Khoảng năm 1900, ông Mưu cùng với đoàn người đi theo đã dùng ghe tiến vào đảo Long Sơn, tài sản của họ khi đó được cho là không có gì khác ngoài cuốn truyện thơ “Lục Vân Tiên” và một túi gạo. Hoàn toàn bằng sức người, họ bắt đầu hành trình khai phá vùng đất này. Ông Mưu khi đó là thủ lĩnh nhưng suốt ngày cởi trần búi tóc quần quật mở đất, biến rừng rậm đầm lầy thành ruộng muối, ruộng lúa.

Thấy công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ai nấy đều khấm khá, để tính chuyện an cư lâu dài, ông Mưu xin phép được qui dân lập ấp. Được nhà cầm quyền chấp thuận, ông đứng ra qui tập dân ở các nơi, nhất là miền Tây Nam Bộ đến khai phá đất đai, khuếch trương nghề nghiệp... dần hình thành nên ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn), thuộc làng Núi Nứa.

Năm Giáp Thìn (1904), một trận bão lụt lớn khủng khiếp, sau người Nam Bộ có câu “Năm Thìn bão lụt”, gây thiệt hại rất nặng cho miền Tây Nam Bộ. Nghe tin dân đói khổ, ông Trần đã mở kho gạo cho người mang về Gò Công, Cai Lậy, Mỹ Tho… cứu dân. Sau sự kiện này, phần thì cảm mến ông, phần thì thấy đảo Long Sơn là nơi yên ổn, dễ làm ăn, nên rất nhiều người đã rủ nhau đến lập nghiệp, khiến nơi này thêm đông đúc.

Vừa cảm phục, vừa thấy ông Mưu thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân không gọi tên thật mà gọi ông là Ông Trần, cách gọi lưu truyền đến ngày nay. Ngoài ra, việc đi chân trần, để đầu trần xưa kia còn mang ý nghĩa “đầu đội trời, chân đạp đất” của bậc anh hùng ngày xa xưa. Cho đến giờ, người dân Long Sơn vẫn tôn kính gọi Ông Trần bằng độc nhất một chữ “Ông”.

Ngày nay, du khách đến với Long Sơn sẽ được nghe kể những câu chuyện lạ lùng không kém Rô-bin-sơn trên hoang đảo, được lưu truyền trăm năm qua trên vùng đất này. Đó câu chuyện về người đàn ông lực lưỡng Lê Văn Mưu, mình trần, tóc búi cầm dáo đuổi theo những con báo trên rừng núi Long Sơn. Và đó cũng chỉ là mở đầu cho rất nhiều chuyện ly kỳ gắn liền với Ông Trần trên vùng đất này…

Đọc thêm