Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra khiến cho hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa các quốc gia trên thế giới trở nên hiếm hoi. Cũng trong thời gian ông Biden cầm quyền ở Mỹ đến nay mới chỉ có Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được ông Biden đón tiếp ở Nhà Trắng. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên được ông Biden chọn đến châu Âu, không thăm chính thức nước nào mà chỉ để tham dự những cuộc gặp gỡ cấp cao.
Ông Biden đến Anh, tuy có hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson và hội kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II nhưng không phải thăm chính thức Anh mà chỉ tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 do Anh tổ chức trên cương vị Chủ tịch luân phiên của khuôn khổ diễn đàn này. Cuộc gặp cấp cao này cũng còn là lần đầu tiên được tiến hành trực tiếp kể từ khi bùng phát dịch bệnh.
Sau đấy, ông Biden sang Bỉ để dự cuộc gặp cấp cao thường niên của NATO và gặp giới chức lãnh đạo EU. Chặng cuối cùng trong chuyến công du này của ông Biden là thành phố Geneve của Thuỵ Sỹ. Tại đây, ông Biden sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thời còn là Thượng nghị sỹ và Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden đã nhiều lần gặp ông Putin nhưng sắp tới mới là lần đầu tiên hai người cùng trên cương vị đứng đầu nhà nước.
Hoạt động ngoại giao này của ông Putin thu hút sự quan tâm để ý của cả thế giới, trong đó đương nhiên là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin. Đối với các đồng minh quân sự truyền thống trong NATO và các đối tác trong G7 và EU, ông Biden dùng chuyến công du nước ngoài đầu tiên này để khẳng định và thể hiện chủ ý đưa “nước Mỹ trở lại thế giới” mà trước hết là làm sống lại quan hệ với đồng minh và đối tác, lại coi trọng đồng minh và đối tác cũng như đề cao các cơ chế, khuôn khổ diễn đàn tiếp xúc, đối thoại và tham vấn với các đồng minh và đối tác.
Ông Biden muốn dùng chuyến công đi châu Âu này cũng những hoạt động với G7, NATO và EU để khôi phục lòng tin vào vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ, tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong G7 và NATO cũng như giữa Mỹ và EU. Ông Biden cũng không giấu giếm chủ ý tranh thủ và vận động các đồng minh và đối tác này cùng tham gia liên thủ đối phó Trung Quốc, Nga. Những cuộc trao đổi của ông Biden ở Anh và Bỉ cũng còn phục vụ trực tiếp cho cuộc gặp của ông Biden với ông Putin.
Nếu như với chuyến đi châu Âu này, ông Biden có thể tạo ra bước chuyển tích cực mới trong mối quan hệ với các đồng minh và đối tác là thành viên của G7, NATO và EU thì cuộc gặp của ông Biden với ông Putin lại không phải nhằm để khởi động trở lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.
Lý do ở chỗ bất đồng quan điểm giữa hai bên sâu sắc và khó khắc phục đến mức việc tạo dựng sự khởi đầu mới cho quan hệ song phương hiện nay thật sự bất khả thi, đặc biệt về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, về vấn đề Ukraine và liên quan đến những cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ thông qua tấn công mạng.
Khúc mắc giữa Mỹ và Nga có phần tương đồng nhưng cũng còn khác biệt rất cơ bản so với khúc mắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ tuy làm găng với Nga nhưng trên thực tế vẫn cần hợp tác với Nga để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược lâu dài như giải trừ vũ khí hạt nhân, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, vấn đề Ukraine và an ninh ở châu Âu, vấn đề tương lai an ninh và ổn định chính trị xã hội tới đây ở Afghanistan và Syria. Vì lợi ích trong những vấn đề này mà Mỹ cần tạo dựng mối quan hệ ổn định và ít biến động bất ngờ với Nga.
Ông Biden không đánh giá cao cá nhân ông Putin như người tiền nhiệm nhưng ý thức được rằng dẫu đối địch Nga đến mức độ nào thì cũng vẫn phải duy trì hợp tác với Nga. Cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Nga tới đây ở Thuỵ Sỹ sẽ không đưa lại kết quả là quan hệ song phương được cải thiện, nhưng sẽ cho thấy giới hạn của đối đầu giữa hai nước này.