John Paul DeJoria: Từ đứa trẻ vô gia cư trở thành tỷ phú có khối gia sản khổng lồ

(PLVN) - Rất nhiều trong số những người giàu nhất thế giới từng có quá khứ nghèo khó, song tài năng, nỗ lực và cả sự may mắn đã giúp họ thay đổi cuộc đời mình và một trong số tỷ phú đó là tỷ phú John Paul DeJoria. 
Tỷ phú John Paul DeJoria.

Theo Forbes, vị tỷ phú 73 tuổi này hiện có tài sản ròng ước tính là 3,1 tỷ đô la. Một cú nhảy vọt khỏi sự nghèo khó của ông giống như một câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Charles Dickens.

Tuổi thơ khốn khó 

John Paul DeJoria sinh năm 1944 tại Los Angeles, bố là người Italy và mẹ là người Hy Lạp, đều là dân nhập cư Mỹ. Thời thơ ấu của DeJoria là chuỗi ngày nghèo khó. Gia đình ông di cư từ châu Âu sang Mỹ lập nghiệp, nhưng không thành công. Ký ức thuở nhỏ của ông gắn liền với những cuộc cãi vã liên miên không hồi kết của cha mẹ. Họ ly dị vào thời điểm cậu con trai út DeJoria đang lẫm chẫm tập đi. Chỉ còn bà mẹ một mình nuôi hai con giữa đất khách quê người

Mẹ DeJoria chật vật làm mướn mưu sinh để đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt, còn anh em ông cũng phải học kiếm tiền từ bé phụ giúp gia đình. Năm 9 tuổi, ông cùng anh trai đi khắp nơi bán thiệp Giáng sinh và báo để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, khi người mẹ không chứng minh được khả năng có thể nuôi hai đứa trẻ, hai anh em được đưa tới một nhà nuôi dưỡng ở miền Đông Los Angeles.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết nghĩ đến những người khác. Cho đến nay, DeJoria vẫn nhớ như in bài học sử dụng đồng tiền của mẹ. Ðã 70 năm trôi qua, nhưng mọi chuyện với ông vẫn như mới hôm qua. “Ngày đó tôi còn nhỏ xíu, chắc chỉ mới năm - sáu tuổi thôi, nhưng đó là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm với tiền bạc”, DeJoria kể.

“Thay vì cho tiền tiêu vặt, mẹ đưa anh em tôi đồng 10 xu và bảo cả hai đến quyên góp từ thiện. Ngày đó 10 xu là số tiền rất lớn, nhất là với một gia đình phải sống tằn tiện như chúng tôi. Nhưng vượt qua nghịch cảnh, mẹ vẫn cố gắng dạy chúng tôi hãy biết chia sẻ với những người nghèo khổ hơn mình”.

Gia đình hạnh phúc của John Paul DeJoria. 

Bây giờ DeJoria đã có rất nhiều tiền hơn đồng 10 xu ông từng nhận được từ mẹ trước đây. Với óc kinh doanh thiên bẩm, ông hiểu rõ hơn ai hết triết lý “dùng tiền để sản sinh ra nhiều tiền hơn nữa”. Nhưng “kiếm càng nhiều tiền cho bản thân mình càng tốt” chưa bao giờ là mục tiêu trong cuộc đời DeJoria.

Thứ làm cho DeJoria tự hào nhất về bản thân không phải khối tài sản đồ sộ, mà là hàng trăm nghìn người được ông giúp thoát khỏi cảnh đói khổ trên toàn thế giới. Năm 2008, khi cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela kêu gọi giúp đỡ trẻ em vùng Tây Sahara, ông đã giúp 17 nghìn trẻ mồ côi thoát khỏi cảnh chết đói. Cũng trong năm đó, ông hỗ trợ 400 nghìn suất ăn cho thiếu nhi tại châu Phi. DeJoria còn ủng hộ nhiều tổ chức thiện nguyện hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người nghèo khó, để không ai phải chịu cảnh lang thang như ông trước kia.

Thời thanh niên của DeJoria là những ngày lang thang vất vưởng hết nơi này đến nơi khác. Không có nhà, phải ngủ ngay trong một chiếc xe hơi cũ nát, ông mưu sinh bằng đủ loại công việc, kể cả những công việc bị coi là dưới đáy xã hội, như nhặt ve chai ở sân bóng, hay gõ cửa từng nhà rao bán từ điển. Thậm chí DeJoria từng tham gia một nhóm giang hồ đường phố nhưng quyết định thay đổi cuộc đời sau khi bị giáo viên phán là “không thể thành công dù làm gì đi nữa”.

Ông tốt nghiệp trung học vào năm 1962. Năm 22 tuổi, vợ DeJoria rời bỏ và để lại cho ông hai đứa con trai. Bà còn bí mật lấy hết tiền thuê nhà mấy tháng và chiếc xe duy nhất mà họ có. Hai ngày sau đó, DeJoria và hai đứa trẻ bị đuổi khỏi nhà, phải sống lang thang trên đường phố.

Ít ai biết rằng tỷ phú John Paul DeJoria xuất thân từ nghèo khó.  

Năm 1980, DeJoria dành gần hết số tiền tiết kiệm của bản thân để hùn vốn làm ăn cùng một nhà tạo mẫu tóc. Cái giá của thương vụ kinh doanh này là ông phải tiếp tục sống trong cảnh ngủ bờ, ngủ bụi, không có nhà cửa tử tế. Bù lại, ông nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ đối tác. Ai lại không động lòng khi thấy một người chấp nhận sống tằn tiện hết mức để giao tiền cho mình kinh doanh?

John Paul DeJoria – từng là nhân viên bán hàng dầu gội và sách giáo khoa đến từng nhà, đã cùng hợp tác với Paul Mitchell vào năm 1980 và hai người đã biến 700 đô la Mỹ khi ấy trở thành một trong những công ty chăm sóc tóc có lợi nhuận nhất trên thế giới hiện nay. Không lâu sau khi công ty của họ bắt đầu hoạt động, Mitchell qua đời do ung thư và DeJoria đã hoàn toàn tiếp quản. Hiện nay, doanh thu hàng năm của công ty là 1 tỷ đô la. 

Ngoài ra ở thời điểm đó, không chỉ đầu tư vào công ty chăm sóc tóc, khi có thêm tiền, ông tiếp tục tiên phong đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ. Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông đã có phần hùn lớn trong một công ty chuyên sản xuất điện thoại di động - thứ phải 10 năm sau mới bắt đầu phổ biến ở các nước Âu - Mỹ.

DeJoria còn mở một chuỗi các tiệm chăm sóc tóc cho... chó, mèo, vì thấy người chủ thường tốn hàng giờ liền chải lông cho thú cưng mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Vào năm 1989 ông cùng Martin Crowley mua lại cổ phần của công ty sản xuất rượu Tequila và phát triển doanh số đến nay hơn 800 triệu USD. Giờ đây, công ty sản xuất rượu của ông cũng quá đỗi thành công. Có hơn 2 triệu chai được bán mỗi năm.

Thành công là phải biết chia sẻ

Không có khởi đầu suôn sẻ nhưng người đàn ông mang hai dòng máu Italy và Hy Lạp luôn nuôi dưỡng giấc mơ thoát nghèo và thành công. Lời khuyên của tỷ phú cho thế hệ trẻ là hãy vượt qua những rào cản, thúc đẩy bản thân sau những khoảng thời gian khó khăn và tìm kiếm thành công. DeJoria nói đó là tất cả những gì ông học được khi bắt đầu cuộc mạo hiểm đầu tiên với John Paul Mitchell Systems.

Tuy nhiên, DeJoria không đánh giá thành công của ông dựa trên đồng tiền. Ông cho biết, “Tôi đã quá vất vả trong cuộc đời, tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi được ban phước về tài chính và có thể chia sẻ với mọi người. Ngoài tiền, tôi còn nhận được niềm vui to lớn và sự phấn khởi tột độ”.

27 năm trước, DeJoria là một người vô gia cư, nhưng giờ đang sống ở mảnh đất trị giá 50 triệu USD ở Malibu với tất cả những món đồ chơi mà một người đàn ông có thể mong đợi: xe phân khối lớn, xe hơi và máy bay riêng. Hiện ở tuổi 77 nhưng vị tỷ phú này vẫn không có ý định nghỉ hưu. Ông vừa điều hành hoạt động kinh doanh của công ty vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. 

Cụ thể, doanh nhân hy vọng sẽ mang đến ít nhất 700 công việc toàn thời gian cho người dân nơi đây và hứa với mỗi món đồ được bán ra, 1% giá trị sẽ ở trong túi của người địa phương. Ông cũng cùng nam tài tử Brad Pitt giúp đỡ những người vô gia cư, cứu lấy động vật và môi trường thông qua các tổ chức như Sea Shepherd. Với công ty rượu, ông tuyển dụng hơn 1.000 người địa phương ở Mexico. Công ty hỗ trợ nền kinh tế tại quốc gia này bằng nhiều cách, bao gồm cả giáo dục và nhà ở cho trẻ mồ côi… 

Đọc thêm