Kết quả nửa vời

(PLVN) - Hội nghị cấp cao vừa rồi của Liên minh châu Âu (EU) kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Đức và cũng đánh dấu một năm EU bị thách thức ghê gớm chưa từng thấy kể từ khi thành lập. Thủ phạm khiến EU bị thất điên bát đảo và nước Đức không có được nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên thành công là dịch bệnh Covid-19 và sự ly tán trong nội bộ liên minh giữa các thành viên. 
Ảnh minh họa Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả nổi bật nhất của hội nghị cấp cao này là EU thông qua được kế hoạch ngân sách cho thời gian 7 năm tới và giải ngân kế hoạch tài chính trợ giúp các thành viên ứng phó dịch bệnh và khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng đối với EU và an ủi nước Đức.

Nhưng EU đã phải trả cái giá rất đắt cho sự nhất trí về hai nội dung nói trên bởi phải nhượng bộ trong những chuyện khác khiến EU chỉ trì hoãn được nhất thời chứ chưa thể giải quyết được những vấn đề cấp thiết khác đặt ra từ khá lâu nay. Những kết quả khác vì thế chỉ nửa vời và rất dễ dàng bị đổ vỡ trong thời gian tới.

Chuyện đàm phán với chính phủ Anh về khuôn khổ quan hệ song phương cho thời kỳ sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit) vẫn chưa thể kết thúc thành công cho dù thời gian không còn nhiều. Bóng ma của kịch bản Brexit mà không đạt được thỏa thuận nào giữa EU và Anh về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương trong tương lai hiện vẫn đang trùm phủ EU và Anh. 

Ba Lan và Hungari đã từ bỏ ý định dùng quyền của thành viên để phủ quyết việc thông qua kế hoạch ngân sách cho 7 năm tới và giải ngân gói tài chính cứu trợ các thành viên đối phó dịch bệnh. Nhưng bù lại, EU phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để nhượng bộ hai thành viên này khi phải từ bỏ việc gắn đòi hỏi Hungari và Ba Lan phải tuân thủ các tiêu chí chung của EU về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền với đồng ý cấp cho hai thành viên này khoản tài chính hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. 

Hay như trong thể hiện thái độ đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng thấy EU không có được sự đồng thuận quan điểm cần thiết giữa các thành viên. Hy Lạp và Síp muốn EU phải mạnh tay và cứng rắn hơn trong các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng EU vẫn dừng lại ở việc lên án và dự định trừng phạt một số cá nhân ở đất nước này. Chỉ như thế thôi thì chưa thể đủ để buộc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm chính sách và hành động.

Trong các chủ đề nội dung khác, EU cũng ở trong tình trạng tương tự như bảo vệ khí hậu trái đất, quan hệ với Nga hay định hướng hợp tác với Mỹ trong bối cảnh sắp có sự thay đổi tổng thống ở Mỹ. Ưu tiên của EU xem ra là dĩ hòa vi quý. Vì thế mà chẳng có vấn đề cấp thiết nào được ưu tiên giải quyết dứt điểm. Những kết quả kiểu nửa vời như thế cho thấy EU vẫn chưa thoát được ra khỏi tình cảnh bị chính một số thành viên sử dụng làm con tin cho lợi ích riêng của họ.

Đọc thêm