Khai mạc lễ hội Đền Trần - Thái Bình năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình đã khai mạc vào 20 giờ ngày 22/2 tại Di tích quốc gia đặc biệt, nằm trong khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Sự kiện này đã mở đầu cho chuỗi hoạt động của lễ hội đền Trần năm 2024.

Tối ngày 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức chương trình khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình với chủ đề “Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm”.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh dự khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh dự khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình

Đến dự tham dự lễ hội có ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Lương Quốc Đoàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lễ hội còn có sự hiện diện của ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh...

Ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư thực hiện nghi thức đánh trống khai hội lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024.

Ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư thực hiện nghi thức đánh trống khai hội lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024.

Lễ hội Đền Trần Thái Bình từ lâu đã trở thành biểu tượng của tình cảm thiêng liêng và văn hóa tinh thần sâu sắc của người dân Thái Bình, tôn vinh đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, vào năm 2014, lễ hội này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được nâng cấp thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ khai mạc diễn ra tại sân khấu có diện tích hơn 1.000m2, tại Sân tòa Tiền tế, Trung tế và Đền Vua, với một loạt các hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Các phân cảnh sông nước, cầu tre, thuyền nan... đã thể hiện sự đặc sắc văn hóa của đất và con người Thái Bình cũng như khu vực Long Hưng - Hưng Hà.

Một điểm đặc biệt trong lễ khai mạc là màn trình diễn Múa lân sư, vở diễn bán thực cảnh với 3 chương, 9 hồi, kết hợp công nghệ trình chiếu 3D Mapping để tái hiện câu chuyện về triều đại vàng son nhà Trần, mang chủ đề "Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm".

Chương trình đã được phát sóng trực tiếp, bao gồm màn nghệ thuật mở màn, vinh danh và trao chứng nhận cho các nhà tài trợ; cùng với các phần trình diễn trực tiếp từ 20 giờ 10 phút, như màn trống hội "Long Hưng - Tôn miếu triều Trần", vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D mapping "Hùng oanh một cõi trời Nam" với 4 chương, lễ bái yết, và phóng sự về Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần "Hưng Hà - vùng đất thiêng lịch sử".

Năm nay, lễ hội Đền Trần tiếp tục được tổ chức quy mô cấp tỉnh bao gồm phần lễ được cử hành trang trọng, uy nghi và tôn kính như lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về Đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục nghi lễ xưa các vua Trần thường làm lễ bái yết tổ tiên mỗi khi có sự kiện trọng đại...

Các đại biểu dự lễ bái yết và dâng hương tại sân tòa trung tế đền Vua

Các đại biểu dự lễ bái yết và dâng hương tại sân tòa trung tế đền Vua

Các hoạt động của lễ hội kéo dài từ ngày 22/02/24 đến ngày 26/02/24 (tức từ ngày 13-17 tháng giêng năm Giáp Thìn), với một loạt các sự kiện phong phú như triển lãm mỹ thuật tỉnh, trưng bày các sản phẩm OCOP, tổ chức các cuộc thi truyền thống và văn hóa như thi cỗ cá, thi têm trầu cánh phượng, thi gói bánh chưng, thi pháo đất, thi kéo lửa nấu cơm cần, tổ chức các cuộc thi văn nghệ và thể thao như giải kéo co, thi viết Thư pháp, giải cờ tướng (cờ biển)...

Tổ chức lễ hội đền Trần không chỉ là một sự kiện đặc biệt mà còn là cơ hội để địa phương quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa của đền Trần tới cộng đồng trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động lễ hội, việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, và khuyến khích ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cũng như thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội, cũng như quảng bá phát triển du lịch của tỉnh.

Đọc thêm