Khai sinh cho con thế nào khi mẹ bỏ đi?

(PLO) - Chỉ vì si mê anh quyết định sống chung với một cô gái và xem như vợ của mình. Còn cô gái, tưởng lợi dụng được gia tài giàu có của anh nên đồng ý. Nhưng khi tan giấc mộng, cô đã không ngần ngại gọi anh là “đồ hèn mọn” và bỏ đi, để lại đứa con cho anh…
Khai sinh cho con  thế nào khi mẹ bỏ đi?
Tan giấc mộng vàng
Sau ba năm theo học trường nghề, Hưng cũng cầm được tấm bằng tốt nghiệp và được bố tặng cho một chiếc xe tay ga đắt tiền làm phương tiện đi lại. Khi có việc làm, Hưng xin bố mẹ ra ở trọ. 
Cùng dãy trọ với Hưng là Ánh Điệp (quê miền Nam), có cửa hàng cắt tóc, gội đầu gần nơi Hưng làm việc. Dù Điệp hơn một tuổi nhưng Hưng vẫn say mê bởi giọng nói miền Nam ngọt ngào, ý nhị. Còn Điệp, tưởng Hưng nhà khá giả nên cũng gật đầu để “kiếm tí vốn”. Hưng dọn về ở với Điệp và bao nhiêu lương, thưởng đều đưa cho Điệp giữ. Một thời gian sau, Hưng đưa Điệp về ra mắt gia đình nhưng Điệp không gây được thiện cảm với cha mẹ người yêu. Nghe lời người yêu, Hưng thông báo Điệp đã có thai với mình, nhằm buộc cha mẹ phải đồng ý tổ chức hôn lễ cho cậu, nhưng cha mẹ Hưng vẫn không đồng ý và tuyên bố không bao giờ chấp nhận con dâu như Điệp.
Dù gia đình không chấp nhận nhưng họ vẫn sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Gần một năm sau thì Hưng được lên chức cha. Từ ngày sinh con, Điệp nghỉ hẳn ở nhà, mọi chi phí ăn ở và sinh hoạt đều dồn lên vai Hưng. Vì gia đình cắt mọi khoản viện trợ, Hưng phải bán chiếc xe tay ga để lấy tiền nuôi vợ con. Nhưng việc lo cho một thành viên mới ra đời đã tiêu tốn khoản tài chính ngoài sức tưởng tượng của Hưng, bởi vậy khoản tiền vài chục triệu từ việc bán xe cũng không thấm vào đâu. Không những vậy, Điệp còn đòi hỏi chồng phải bỏ ra gần chục triệu đồng mua kem dưỡng da loại tốt nhất để cô thoa bụng nhằm lấy lại làn da săn chắc; đòi lắp điều hòa, bình nóng lạnh…Những yêu cầu của vợ, Hưng chỉ đáp ứng được một nửa, chính vì vậy thay vì những lời nói ngọt ngào như trước, Điệp không ngần ngại gọi chồng là “đồ ăn hại, đồ hèn”.
Mọi níu kéo của Hưng không có tác dụng. Khi con trai được hơn bảy tháng thì Điệp bỏ đi không một lời nhắn gửi, Hưng đành ôm con về nhờ mẹ nuôi rồi đi tìm vợ nhưng không có kết quả.
Giận con nhưng thương cháu, mẹ Hưng dành hết tình thương yêu để bù đắp thiệt thòi cho đứa cháu nội bé bỏng. Đến nay, con trai Hưng đã hơn hai tuổi và được cho đi nhà trẻ, nhưng nhà trường yêu cầu phải có giấy khai sinh, mẹ Hưng mới hỏi con trai. Hưng không biết trả lời mẹ ra sao bởi cuộc hôn nhân của anh không đăng ký kết hôn nên cháu bé cũng chưa làm được giấy khai sinh. Anh không biết trong trường hợp của mình thì thủ tục làm giấy khai sinh cho con phải bắt đầu từ đâu?
Lúng túng của anh Hưng, Luật gia Hồng Hạnh (Tòa Dân sự TANDTC) cho biết: Theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình thì: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp tờ khai, giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu, cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trường hợp cán bộ tư pháp - hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. 
Đồng thời, Điểm a Mục 4 Phần II Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ, thì khi người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ. Khi đăng ký khai sinh, phần ghi về người mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo Giấy chứng sinh. Trường hợp không có Giấy chứng sinh, thì ghi theo lời khai của người cha; nếu người cha không khai về người mẹ, thì để trống”. 
Căn cứ các quy định trên, do anh Hưng không đăng ký kết hôn và mẹ cháu bé đã bỏ đi không xác định được địa chỉ, bởi vậy để đăng ký khai sinh cho con, trước hết anh Hưng phải làm thủ tục đăng ký nhận con tại UBND cấp xã nơi anh và con anh đang cư trú. Sau khi có quyết định công nhận việc nhận con thì anh Hưng mới làm thủ tục đăng ký khai sinh theo trường hợp không có giấy chứng sinh như quy định đã viện dẫn ở trên. Hy vọng anh sớm làm được thủ tục đăng ký khai sinh cho con.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm