Khám phá ngôi đền cổ trăm tuổi thờ tổ nghề thợ bạc ở Nam bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ra đời hơn trăm năm trước, Lệ Châu hội quán ban đầu là đền thờ tổ nghề thợ bạc tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, (quận 5, TP HCM).
 Lệ Châu hội quán ngày nay ở phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Lệ Châu hội quán ngày nay ở phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Qua bao thăng trầm, ngày nay địa điểm này đã trở thành một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi hội ngộ và giao lưu kinh nghiệm của nhiều hội nhóm, nghiệp đoàn trong lĩnh vực kim hoàn.

Nhắc nhớ nguồn cội

Lệ Châu hội quán, nhà thờ tổ nghề thợ bạc tại Sài Gòn và cả Nam Bộ, tọa lạc trên một khu đất rộng 805m2, tại số 586 đường Trần Hưng Đạo B, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Với hơn 100 năm tuổi, đây là nhà thờ tổ nghề thợ bạc được xây dựng sớm nhất tại Sài Gòn và cả Nam bộ.

Vào những năm cuối thế kỷ 19, tại khu vực Chợ Lớn và lân cận, nghề kim hoàn, chế tác nữ trang khá phát triển. Xung quanh vùng Chợ Lớn bấy giờ đã có hơn 30 lò thợ bạc hành nghề. Khi đó, để ghi nhớ ơn tổ và thầy, một số chủ lò kim hoàn có uy tín đã vận động quyên góp từ các lò thợ bạc trong vùng và các tỉnh Nam Bộ, chung sức mua một mảnh đất ở đường Thủy Binh (Rue des Marins tức đường Trần Hưng Đạo B ngày nay).

Công trình được khởi công vào năm 1892, sau 4 năm xây dựng thì hoàn thành và có tên tạm là Nhà thờ tổ kim hoàn. Đến năm 1934, ngôi đền được đại trùng tu bằng cột gỗ lim, mái ngói âm dương, phía trước đền có bộ cửa sắt bao bọc, trên vòm cửa có thêm bốn chữ “Lệ Châu hội quán” bằng đồng. Dọc hai bên cửa sắt có câu đối: “Lệ thủy kim sinh cơ quốc thái. Châu đê ngân xuất nghiệp dân an”, nghĩa là: Sông Lệ sinh vàng nên quốc thái. Bờ Châu ra bạc nghiệp dân an.

Chánh điện với bức Hoành phi “Lệ Châu hội quán”.Chánh điện với bức Hoành phi “Lệ Châu hội quán”.

Có hai giả thuyết về cái tên Lệ Châu. Thứ nhất, có người cho rằng tên lấy từ câu: Kim trầm lệ thủy, ngân xuất châu đê, có nghĩa vàng chìm sông lệ, bạc xuất bờ châu. Do ngoài việc thờ các bậc tổ sư, nơi này còn là nơi quy tụ các tay thợ kim hoàn nên ngôi thờ được gọi Lệ Châu hội sở rồi đổi thành Lệ Châu hội quán.

Cũng có ý kiến cho là hội quán lập ra để nhớ ơn ba vị tổ sư họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đã vào vùng Sài Gòn - Chợ Lớn truyền dạy nghề kim hoàn. Sau một thời gian, các ông tiếp tục qua Campuchia, Lào, Thái Lan tiếp tục việc truyền dạy rồi không trở về nữa. Vì vậy, các thợ bạc Chợ Lớn lấy tên Lệ Châu, với nghĩa là nước mắt để chỉ nỗi thương nhớ những người thầy của mình.

Theo ông Trần Văn Tư (Phó Ban quản trị, Tổng thư ký Lệ Châu hội quán), nhà thờ tổ ban đầu là nơi dành để tưởng niệm ba vị tổ sư nghề kim hoàn là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền – ba anh em đã có công dạy nghề thợ bạc đầu tiên tại Chợ Lớn, cũng là tam vị tổ sư đời thứ hai của nghề kim hoàn Việt Nam. Trong đó, hai ông Trần Hòa, Trần Điện được đặt tên đường ở quận 5, TP HCM ngày nay.

Tương truyền, ba anh em họ Trần vốn là con của quan Thượng thư Bộ Lại Trần Minh thời vua Gia Long. Cảm phục tài năng và đức độ của tổ sư Cao Đình Hương (1773-1821) lúc bấy giờ đang phục vụ Cơ vệ Ngân tượng trong triều đình tại Huế, ông Trần Minh đã mời về dạy nghề cho cả ba người con và ba người cháu vợ họ Huỳnh, bao gồm Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo và Huỳnh Nhật.

Theo đó, nhị vị tổ sư họ Cao - Cao Đình Độ (1744-1810) và Cao Đình Hương, được sắc vua Khải Định phong “Dực bảo trung hưng linh phò bổn xứ” vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Ông Cao Đình Độ được phong là “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần” vào năm Bảo Đại thứ 13 (1937). Tuy nhiên, xoay quanh mối quan hệ thầy trò giữa các vị tổ sư và thời gian lịch sử vẫn còn nhiều ý kiến mâu thuẫn.

Sau khi thầy mất, ba anh em họ Trần đã về đất Thăng Long để lập nghiệp và truyền bá nghề thợ bạc phương Bắc, ba anh em họ Huỳnh vào Nam để phổ rộng nghề nghiệp. Không lâu sau đó, ba ngài họ Trần phải xuôi ngược về lại phương Nam, thực hiện di nguyện của thầy mà nhóm họ Huỳnh đã dở dang khi về đến đất Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Họ chọn đất Chợ Lớn làm nơi mở lò đúc bạc, thu nhận học trò. Sau khi truyền nghề ở thủ phủ Chợ Lớn, anh em họ Trần tiếp tục đi dạy nghề cho ở nhiều nơi trong Lục tỉnh Nam Kỳ, rồi sang tận Campuchia và Thái Lan. Cả ba ông sau đó đều mai danh ẩn tích cho đến lúc qua đời nên không ai rõ nơi ở và ngày mất.

Đến năm 1998, Ban quản lý Lệ Châu hội quán đã làm lễ rước linh vị và sắc phong triều Nguyễn của nhị vị tổ sư kim hoàn đời thứ nhất Cao Đình Độ và Cao Đình Hương từ Huế về Chợ Lớn phụng thờ, trở thành hai vị danh sư lớn nhất trong ngành kim hoàn được thờ ở ngôi “Tổ Sư”. Đồng thời, hội quán cũng cung thỉnh linh vị của ba vị tổ sư họ Huỳnh, những người có công truyền bá nghề kim hoàn tại Phan Thiết và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Nơi hội ngộ giới kim hoàn

Bàn thờ Tam vị tổ sư họ Trần -tam vị tổ sư đời thứ hai của nghề kim hoàn.Bàn thờ Tam vị tổ sư họ Trần -tam vị tổ sư đời thứ hai của nghề kim hoàn.

Lệ Châu hội quán được cho là mang đậm kiến trúc nghệ thuật của triều đình Huế, gần gũi với truyền thống thẩm mỹ người Hoa vùng Chợ Lớn.Công trình được nhiều lần trùng tu vào các năm 1920, 1934, 1946, trong đó lần trùng tu lớn cuối cùng là 1968 với việc dựng lại toàn bộ nghĩa từ và sửa chữa chánh điện bị hư hại trong chiến tranh. Chánh điện được xây theo kết cấu ba gian dọc, có hai hàng cột chạy dài từ ngoài vào trong, tường gạch tô, mái lợp ngói âm dương.

Chánh điện bài trí đơn giản với ba khám thờ được trang trí bằng những bao lam chạm trổ rồng, phụng, hoa, điểu… sắc nét công phu. Chính giữa là khám thờ lớn ở trong đặt các đồ thờ tự và bài vị với hai chữ “Tổ Sư” được viết theo lối đại tự và được sơn son thếp vàng. Hai bên là hai khám thờ nhỏ, khám thờ bên phải đề hai chữ “Tiền Hiền”, khám thờ bên trái đề hai chữ “Hậu Hiền”.

Từ ngoài vào trong dọc theo các hàng cột có 6 cặp câu đối và 9 bức hoành phi với nội dung tập trung vào chủ đề nhớ ơn tổ nghiệp, ca ngợi sự phát triển thịnh đạt của nghề thợ bạc. Tất cả các hoành phi, câu đối, bao lam… đều được sơn son thếp vàng với chất lượng giấy qui có độ tuổi vàng cao nên vẫn rõ nét dù niên đại khá lâu.

Đền thờ tổ còn lưu giữ được một số hiện vật khá độc đáo, như một cái trống lớn có chiều cao 1,10m, đường kính 0,60m, tang trống là một cây gỗ tròn lớn khoét rỗng.Một quả chuông cao 1m, đường kính 0,50m, trên chuông để niên đại năm Ất Mùi (1895) do thợ Hà Nội chế tác và ghi rõ họ tên 14 người trong nghề thợ bạc phụng cúng để tỏ lòng thành kính tổ sư.

Đặc biệt là 4 tấm bia đá đặt đối nhau ở hai bức vách chánh điện. Có tấm có niên đại 1895, có tấm để năm 1916, 1920. Trên các tấm bia khắc tên họ, tên hiệu, địa phương, số tiền đóng góp để xây dựng nhà thờ tổ của rất nhiều đệ tử nghề thợ bạc khắp Nam kỳ lục tỉnh, gồm cả người Hoa lẫn người Việt. Mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, Lệ Châu hội quán được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật 1998.

Nhắc đến vẻ đẹp và hoạt động tín ngưỡng tại Lệ Châu hội quán, trong “Sài Gòn năm xưa” tác giả Vương Hồng Sển có viết: “Đường Nguyễn Trãi đi một đoạn khỏi đường Tổng Đốc Phương gặp chùa Lệ Châu. Đây là “chùa tổ” thờ tổ sư của nhóm thợ và chủ lò kim hoàn. Sau những người Hoa kiều đồng nghề cũng nhập với đồng nghiệp Việt Nam nên mỗi năm cúng tổ long trọng và oai nghi lắm”.

Hàng năm, lễ giỗ tổ kim hoàn tại Lệ Châu hội quán được tổ chức trong ba ngày từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 2 (âm lịch), với ngày chính tế mùng 7 tháng 2 là ngày mất của tổ sư Cao Đình Hương,quy tụ rất đông các đệ tử của nghề thợ bạc khắp các tỉnh Nam bộ. Giới nghề kim hoàn Nam bộ có quy ước rằng sau khi đền Lệ Châu giỗ tổ xong thì các nơi khác mới tiến hành giỗ tổ. Vì thế, lễ hội giỗ tổ ở Lệ Châu hội quán là một cuộc hành hương lớn của thợ kim hoàn ở toàn Nam bộ.

Đã hơn trăm năm mưa nắng, nhà thờ tổ vẫn được các đệ tử nghề thợ bạc coi sóc giữ gìn. Đây không chỉ là nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng với nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của những người hành nghề kim hoàn mà còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc về lịch sử hình thành, phát triển của vùng Sài Gòn và Nam Bộ xưa.

Đọc thêm