Khám phá những câu chuyện lạnh gáy ở Lâu đài Bran

(PLVN) - Trào lưu “du lịch u ám” (dark tourism) ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, khi nhiều người mong muốn khám phá những địa điểm hoang vắng, bí ẩn và ma ám trên khắp thế giới. Lâu đài Bran ở vùng Transylvania, Romania, từ lâu đã trở điểm đến hấp dẫn dành cho những người thích “du lịch u ám”.
Lâu đài Bran nổi tiếng kinh dị vì liên quan đến truyền thuyết ma cà rồng.
Lâu đài Bran nổi tiếng kinh dị vì liên quan đến truyền thuyết ma cà rồng.

Lâu đài cổ kính

Đất nước Romania có đầy rẫy những công trình kiến trúc cổ kính với lịch sử lâu đời, Lâu đài Bran có thể được coi là một trong những công trình nổi tiếng nhất. Sự nổi tiếng của Lâu đài được gắn liền với Bá tước khét tiếng Dracula, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Dracula” của nhà văn thế kỷ 19 Bram Stocker.

Được coi là nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết kinh dị Dracula của nhà văn Bram Stoker, lâu đài Bran, hiện là Bảo tàng quốc gia của Romania, còn ẩn chứa nhiều câu chuyện kinh hãi khác. Sau khi được cải tạo bởi Nữ hoàng Marie của Romania vào những năm 1920 và được sử dụng như một bệnh viện trong Thế chiến thứ hai, lâu đài Bran trở thành một bảo tàng và điểm du lịch, với những câu chuyện về ma cà rồng và những kẻ giết người hàng loạt.

Tọa lạc ở vùng ranh giới hẻo lánh Transylvania và Wallachia của Romania, lâu đài huyền bí Bran, được mệnh danh là ‘Lâu đài của Bá tước ma cà rồng Dracula”. Lâu đài được xây dựng vào năm 1212 bởi một nhóm thương gia ở Bravos với mục đích bảo vệ cho những đoàn chuyên chở hàng hóa đi xuyên qua hẻm núi Rucar-Bran và đi ngang qua núi Carpathian.

Lâu đài Bran được xây trên khối đá nằm ở độ cao 760m trên mực nước biển với khoảng 60 phòng. Vị trí biệt lập bao xung quanh bởi những ngọn núi, khu rừng và thung lũng khiến Bran mang một dáng vẻ huyền bí ma mị rất đúng với tên gọi. Kiến trúc của Bran hầu như được giữ nguyên, mái ngói đỏ hồng, tường vôi trắng xám, những tòa tháp canh, lối đi lát đá hay chiếc giếng cổ với độ sâu 20m đào xuyên qua khối đá cứng vẫn được bảo tồn nguyên trạng.

Ảnh Nữ hoàng Marie trong Lâu đài Bá tước ma cà rồng Dracula.
Ảnh Nữ hoàng Marie trong Lâu đài Bá tước ma cà rồng Dracula. 

Năm 1920, tòa lâu đài được trao tặng cho Nữ hoàng Marie – nữ hoàng cuối cùng của Romania, để bày tỏ sự biết ơn đối với công lao to lớn của bà trong việc thống nhất đất nước. Nữ hoàng Marie  có một tình yêu đặc biệt và rất thường hay sử dụng lâu đài Bran làm nơi nghỉ dưỡng cá nhân. Sau đó, người sở hữu tòa lâu đài này vẫn là một trong những hậu duệ của Nữ hoàng Marie. Nhờ cuốn tiểu thuyết kia, nơi đây hiện trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút lượng lớn du khách đến tham quan mỗi năm. 

Tuy nhiên, vào năm 1948, Hoàng tộc đã bị trục xuất bởi quân đội Xô Viết. Lâu đài đã trở thành tài sản của chính phủ, và được mở cửa cho công chúng viếng thăm vào năm 1956, với một phần được chuyển đổi thành một bảo tàng nghệ thuật. Sau nhiều năm bị bỏ rơi bởi chính phủ, Lâu đài trở nên hoang tàn do vậy, vào giữa những năm 1987 và 1993, nó đã được trùng tu theo một dự án quy mô lớn.

Nhưng đến năm 2005, chính phủ Romania thông qua một đạo luật đặc biệt, cho phép lấy lại quyền sở hữu đối với những tài sản bị tịch thu trái phép trước đây. Lâu đài Bran đã chính thức trở về với Dominic von Habsburg, cháu trai của Nữ hoàng Marie. Dưới quyền sở hữu cá nhân hợp pháp của mình, Dominic von Habsburg tuyên bố sẽ mãi mãi gìn giữ Bran như những gì nó vốn có.

Nổi tiếng nhờ truyền thuyết về ma cà rồng

Lâu đài Bran bỗng trở nên nổi tiếng sau khi tác giả Bram Stocker viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông “Dracula”, trong đó nhân vật chính là Bá tước Dracula – Ma Cà Rồng của Transylvania. Sự thật là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của Stocker chưa bao giờ tồn tại, cả trong lịch sử Romania hay trong truyền thuyết.

Trên thực tế, nhiều người tin rằng Dracula được lấy cảm hứng từ nhân vật đen tối - Hoàng tử Vlad Tepes, người từng trị vì Vallachia, một phần của Romania ngày nay, trong suốt thế kỷ 15. Mặc dù chưa bao giờ bị buộc tội là kẻ hút máu, nhân vật này thực sự nổi tiếng là mờ ám.

Hoàng tử này từng bị bắt làm con tin bởi Đế chế Ottoman, và phải sống những năm đầu đời trong nhà tù Istanbul. Sau đó anh ta trở thành Hoàng tử của Vallachia với vài sự ủng hộ đến từ hoàng tộc Hungary. Vlad Tepes nổi tiếng là một kẻ máu lạnh, sở thích của hắn là tra tấn rồi giết chết kẻ thù. Trong các cuộc xâm lược, Vlad Tepes không từ một thủ đoạn nào để giết chết đối thủ, từ đầu độc nguồn nước cho đến đốt cháy rừng cây.

 Trong khi câu chuyện về vị Hoàng tử giúp chúng ta giải thích nguồn gốc của nhân vật Dracula, mối liên hệ của anh ta với tòa Lâu đài vẫn còn rất mập mờ, bởi vì Vlad Tepes chưa bao giờ thực sự sống trong Lâu đài Bran.

Sinh năm 1431 tại pháo đài Sighisoara (Romania), là con của lãnh chúa Vlad II Basarab. Với biệt danh Con của Rồng (Dracul), Vlad cha đã truyền lại tên gọi này cho con trai thứ của mình và cái tên Dracula (có nghĩa là Con của Dracul) đã ra đời như vậy. Vào mùa Đông năm 1436-1437, Dracul cha trở thành hoàng thân xứ Wallachia và ở tại cung điện Tirgoviste.

Năm 1442, vì lý do chính trị, Dracula và em trai đã bị vua Murad II bắt giữ làm con tin tại Thổ Nhĩ Kỳ cho tới năm 1448. Chính cuộc sống cầm tù chính trị, trong thời gian này đã đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức của Dracula và cũng là thời kỳ hình thành cái nhìn bi quan về cuộc sống. Sau khi thông báo việc cha và anh trai bị Vladislav II ám hại năm 1447, Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho Dracula và giúp sức để ông ta giành được ngôi vị hoàng thân xứ Wallachia.

Việc đầu tiên Dracula làm là trả thù những kẻ đã giết cha và anh trai mình. Một ngày Chủ nhật đẹp trời năm 1459, Dracula cho bắt toàn bộ những người đã tham gia vào vụ ám sát cùng người thân và gia đình họ. Những người già bị đem đóng cọc xuyên người còn người trẻ bị bắt đi bộ từ Tirgoviste tới Poenari dài 50 dặm.

Sau đó Dracula bắt họ xây một pháo đài trên đống đổ nát của tiền đồn nhìn ra sông Arges. Rất nhiều người đã chết trong khi xây lâu đài và Dracula đã có được một pháo đài phòng vệ. Ngày nay, những gì còn lại của pháo đài này được gọi chung là Lâu đài Dracula. Việc đóng cọc xuyên người để trả mối thù cho cha và anh trai của Dracula đã bắt đầu một thời đại kinh hoàng và được sử sách lưu lại cho tới nay. Trong thời gian nắm quyền, hoàng tử Vlad III được cho là đã giết hơn 40.000 người. 

Một kẻ giết người hàng loạt khác mà du khách có thể tìm hiểu khi tham quan lâu đài Bran là nữ bá tước Elizabeth Bathory. Trong thời gian từ 1585 đến 1610, nữ ná tước Elizabeth Bathory đã tra tấn và giết hàng trăm cô gái trẻ tại lâu đài Csejte. Khi kết hôn lúc 15 tuổi, chồng của bá tước đã xây dựng một phòng tra tấn theo những yêu cầu của bà. Bá tước Elizabeth được cho là đóng đinh lên ngón tay của những người hầu gái, hay vẩy mật ong lên người họ trước khi đưa họ gần tổ ong và tổ kiến. Bà trở nên tàn bạo hơn khi người chồng qua đời vào những năm 1600.

Thành công của cuốn tiểu thuyết thu hút hàng triệu du thập phương kéo đến Romania để tìm ma cà rồng thật sự. Khoảng vài chục năm trước, rất nhiều độc giả tình cờ ghé thăm lâu đài Bran và vô cùng bất ngờ khi phát hiện lối vào của tòa lâu đài này rất giống với miêu tả của Bram Stoker trong tiểu thuyết Dracula dù rằng vị tác giả này chưa từng đặt chân đến Trung Âu. Cũng từ dạo đó, tòa lâu đài ở Transylvania được người ta gọi là “lâu đài Dracula”. 

Ngày nay, những ai đến Lâu đài Bran với sự mô tả ghê rợn của Stocker trong đầu óc họ sẽ khám phá ra rằng thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại: Bên trong, các căn phòng cổ kính được nối với nhau bằng cầu thang uốn lượn và lối đi bí mật. Nội thất của lâu đài khá tinh tế và độc đáo. Vào những ngày trời âm u hay lúc chạng vạng tối, lâu đài Bran toát lên vẻ trầm mặc, cổ kính, yên ả và là một điển hình của kiến trúc thời Trung Cổ.

Du khách sẽ thấy nó ẩn hiện đằng sau một khu vực núi non thanh bình với những đàn cừu chạy trên đồng cỏ, và bên trong được trang hoàng bởi những mẫu vải dệt tay tuyệt đẹp. Ước tính hàng năm có đến hơn 600.000 lượt du khách kéo đến đây để được tận mắt nhìn thấy “không gian sống” của loài sinh vật hút máu đáng sợ trong tiểu thuyết kinh dị. 

Đọc thêm