Khánh Hòa: Mía chết vì công trình thủy lợi tiền tỷ xuống cấp

(PLO) -Trước đây, xã Ninh Tây - một xã miền núi của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô. Từ khi có mương chứa nước Ea Krong Rou bắt nguồn từ Nhà máy thủy điện Ea Krông Rou, nước tưới sản xuất đã được giải quyết phần nào. Thế nhưng, mấy năm gần đây, mương xuống cấp, nước chảy tràn lan khiến việc sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều héc-ta mía bị ũng ngập.    
“Thác mương” dồn dập tràn nước ra những ruộng mía của người dân.

Mía thất thu

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm đến khu vực mương chứa nước Ea Krông Rou. Đi dọc mương, nhiều đoạn đã nứt, có đoạn gãy đôi sập xuống, nước chảy tràn ra làm xói cả những vùng đất hai bên canh mương.

Ông Bùi Viết Hùng, trưởng thôn Xóm Mới (xã Ninh Tây) cho biết: Người dân ở đây chủ yếu đều trồng mía, khi canh mương mới làm, bà con ai cũng phấn khởi vì không lo thiếu nước vào mùa khô nữa, nhưng vui mừng chưa được bao lâu thì mương bị xuống cấp, nước tràn ra rẫy của người dân. Nhiều héc-ta mía bị “bức tử” vì nước ngập úng quá nhiều. Riêng gia đình tôi, 4 – 5 héc-ta mía từ năm 2013 đến nay bị ảnh hưởng không lên nổi, năng suất sụt giảm. 

Quá bức xúc trước tình trạng nước tràn ra nương, rẫy, người dân đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, Công ty TNHH một thành viên khai thác Công trình Thủy Lợi Bắc Khánh Hòa (gọi tắt là Cty Thủy Lợi Bắc Khánh Hòa) đề nghị sửa chữa mương chứa nước Ea Krông Rou nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. 

Ruộng mía ngập lênh láng nước không khác gì cánh đồng lúa ở vùng trung du.

Ông Bùi Ngọc Huyên, thôn Xóm Mới nói: Giờ đang là mùa khô nhưng nước chảy tràn lan, đường để dân đi lại, di chuyển mía ra ngoài trục đường chính đưa đi tiêu thụ cũng bị xói thành những con suối nhỏ. 

“Khi thu đất của dân thì nói làm cho dân hưởng, nhưng giờ ngược lại còn mang thiệt hại cho dân bởi canh mương giờ đã xuống cấp nặng nề, bà con chúng tôi rất bức xúc, rẫy trồng mía mà nước tràn ra như một cánh đồng lúa ở vùng trũng thế này thì cây mía nào sống được. Chúng tôi thấy đây không phải là mương chứa nước nữa mà là “thác mương”. Nhà máy thủy điện thì cứ xả, mà mương thì xuống cấp, nước chảy tràn lan, rồi người dân chịu chỉ biết “kêu trời” có ai giải quyết cho đâu”, ông Huyên bức xúc.

Cần sự vào cuộc của chính quyền

Trao đổi với chúng tôi, Ông Phạm Là- Giám đốc Cty Thủy Lợi Bắc Khánh Hòa cho biết, hệ thống tưới sau thủy điện EaKrong Rou do Ban QLDA các công trình giao thông và Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa làm Chủ đầu tư, Cty Thủy Lợi Bắc Khánh Hòa tiếp nhận bàn giao quản lý khai thác Hệ thống Kênh chính Bắc nhận bàn giao quản lý từ năm2010; Hệ thống Kênh chính Nam nhận bàn giao quản lý từ năm 2013; Hệ thống tưới Kênh BN7 nhận bàn giao quản lý năm 2015.

Mương đã hư hỏng nặng khiến việc lưu thông nước bị tắc nghẽn.

Do mưa lũ năm 2016, mặt khác, thiết kế công trình không phù hợp và chất lượng thi công chưa được đảm bảo nên các Kênh nhánh gồm Kênh NN3, Kênh NN4 thuộc Kênh chính Nam; Kênh BN3, Kênh BN4, Kênh BN5 thuộc Kênh chính Bắc nhanh hư hỏng, sụp gãy nhiều vị trí, do đó không thể đảm bảo dẫn nước tưới.

Để khắc phục tồn tại trên, hiện nay Cty Thủy lợi Bắc Khánh Hòa đã có văn bản trình UBND tỉnh Khánh Hòa xin kinh phí sửa chữa công trình thủy lợi năm 2017 để khắc phục những vị trí hư hỏng đảm bảo dẫn nước tưới, đồng thời lập hồ sơ thiết kế hoàn thiện Kênh nhánh và Kênh nội đồng, để công trình phát huy hiệu quả tưới gồm: Hệ thống Kênh nhánh và Kênh nội đồng thuộc Kênh chính Bắc 10 tuyến Kênh, tổng chiều dài 3.725 m; Hệ thống Kênh nhánh và Kênh nội đồng thuộc Kênh chính Nam 09 tuyến Kênh, tổng chiều dài 7.320 m. Tổng kinh phí đầu tư của 2 hệ thống 14.993.450.000 đồng.

Trên thực tế, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, hệ thống tưới sau thủy điện EaKrong Rou hầu như không phát huy được hiệu quả như nguồn vốn đã đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, công trình thủy lợi này đã trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng.

Mương đứt gãy nghiêm trọng nước làm xói mòn cả đường đi.

Trước tình hình đó, thiết nghĩ cần sự vào cuộc, sự quan tâm sát hơn của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sớm khắc phục tình trạng trên cho người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.

Đọc thêm