Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn: Giữ gìn “hồn cốt của người dân tộc”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn (Tuyên Quang), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã bày tỏ cùng bà con cần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đặc biệt “giữ gìn hồn cốt của người dân tộc là trung thực, thật thà, tốt bụng, chịu thương, chịu khó”.
Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng Ban Tổ chức cắt băng khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng tặng đồng bào Pà Thẻn ( Tuyên Quang). (Ảnh: Đăng Hải)
Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng Ban Tổ chức cắt băng khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng tặng đồng bào Pà Thẻn ( Tuyên Quang). (Ảnh: Đăng Hải)

“Những bước chân vì cộng đồng”

Chiều 23/12, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã triển khai Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào đi bộ, chạy bộ, nâng cao thể chất, rèn luyện sức khoẻ trong đoàn viên, hội viên, thanh niên, đồng thời với mỗi km đi bộ, chạy bộ tương ứng 1.000 đồng.

Đến nay chương trình đã triển khai được 14 chặng “Những bước chân vì cộng đồng”, với đông đảo hội viên, thanh niên tham gia và đạt hơn 9 triệu km đi bộ, chạy bộ (tương đương hơn 9 tỉ đồng). Đã có 7 nhà văn hóa cộng đồng dành tặng cho 7 đồng bào dân tộc rất ít người được khánh thành, đưa vào sử dụng, bao gồm Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt (tỉnh Quảng Bình), dân tộc La Ha (tỉnh Sơn La), dân tộc Mảng, Lự (tỉnh Lai Châu), dân tộc Lô Lô (tỉnh Cao Bằng), dân tộc Pà Thẻn (tỉnh Tuyên Quang), Bố Y (tỉnh Lào Cai). Các Nhà văn hoá còn lại đang được triển khai và dự kiến đến trước tháng 10/2024, 16 Nhà văn hóa cộng đồng cho nhóm 16 dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam sẽ được khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Năm 2022, Trung ương Hội LHTN Việt Nam chọn tỉnh Tuyên Quang để tổ chức Lễ phát động chặng 5 - Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” nhằm gây quỹ xây nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc ít người; trong đó có đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn được khởi công xây dựng từ tháng 7/2023 có tổng diện tích 3.222m2, thiết kế mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam triển khai với sự đồng hành của Ngân hàng Sacombank và UBND huyện Lâm Bình với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Công trình nhằm tạo lập không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nơi đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Tại Lễ khánh thành, 6 hộ gia đình dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang đã trao tặng kỷ vật để trưng bày trong nhà truyền thống.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao và biểu dương Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, vận động xã hội hóa để trao tặng nhà văn hóa cho 16 dân tộc có dưới 10 ngàn người. Đây là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống.

Khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho 300 người dân dân tộc Pà Thẻn. (Ảnh: Đăng Hải)

Khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho 300 người dân dân tộc Pà Thẻn. (Ảnh: Đăng Hải)

Xây dựng đại đoàn kết dân tộc

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cấp ủy, chính quyền và bà con Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí; tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để cao cảnh giác cách mạng. Đồng thời bà con không nghe theo lời kẻ xấu, tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội để xây dựng cuộc sống ấm no, an ninh, an toàn; Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình như tiếng nói, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt là giữ gìn hồn cốt của người dân tộc là trung thực, thật thà, tốt bụng, chịu thương, chịu khó...

Ông Chiến cho biết, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao thực chất đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập so với vùng phát triển.

Cũng theo ông Chiến, trong nhiều năm qua, tại Tuyên Quang, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Đồng thuận xã hội cao, lòng dân an yên, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, năm 2024 là năm Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau vượt khó vươn lên, phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển giàu đẹp, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong khuôn khổ buổi lễ khánh thành, Ban Tổ chức đã trao tặng 20 suất quà, 500 áo ấm cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và 50 túi quà an sinh cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín, người dân có hoàn cảnh khó khăn huyện Lâm Bình. Ban Tổ chức cũng trao biển tượng trưng hỗ trợ xây dựng 5 công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, 1 công trình “Cầu hạnh phúc” và 1 “Phòng tin học cho em” với tổng trị giá hơn 850 triệu đồng. Ban Tổ chức đã triển khai các hoạt động khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho 300 người dân dân tộc Pà Thẻn; Biểu diễn văn hóa truyền thống của người dân tộc Pà Thẻn.

Đọc thêm