Khi bà cô bên chồng than khổ vì chị dâu

Ông bà ta có câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Phải chăng, xếp sau mẹ chồng thì bà cô bên chồng cũng đã trở thành một thương hiệu cho sự đành hanh, chua ngoa và là nỗi ám ảnh của các cô dâu Việt. Nhưng có ai hiểu, bên chồng cũng có năm bảy loại bà cô và không phải loại bà cô nào cũng là “giặc”.
Lắm lúc, tôi thấy mình như một bà cô kiêm luôn bà mẹ chồng.
Lắm lúc, tôi thấy mình như một bà cô kiêm luôn bà mẹ chồng.
Tôi là một bà cô bên chồng. Một bà cô có hai chị dâu. Người ta bảo, có chị dâu, bà cô bên chồng như tôi sẽ sung sướng lắm, chẳng phải làm việc nhà, chẳng phải nấu cơm, rửa chén, giặt quần áo, sẽ được hách dịch, này nọ. Ấy vậy mà tôi chẳng sung cũng không thèm sướng, thế mới buồn cười. 
Hai ông anh lấy vợ, tôi được mẹ giao cho nhiệm vụ cao cả là truyền đạt lại gia quy cho các chị (vì mẹ tôi ngại tiếng mẹ chồng nàng dâu) bằng cách là không sách vở, không lí thuyết, không lời. Tôi phải làm việc nhà nhiều hơn bình thường, nấu ăn thêm cho hai người, chưa kể là còn phải xử lí những món cháy đen, cháy sém- sản phẩm của hai bà chị.
Ngày xưa, tôi vừa làm việc vừa nghe nhạc. Bây giờ tôi vừa làm việc, vừa nói, chỉ cái này, dẫn cái kia, cái nào các chị chưa hiểu thì phải nói lại cho các chị hiểu. Lắm lúc, tôi thấy mình như một bà bảo mẫu, à không là một bà cô kiêm luôn bà mẹ chồng. Tôi không dám chê mấy bà chị dâu sai cái này, hư cái nọ, hay nhiều chuyện, hay ngại ngùng, hay e thẹn... Vì mỗi gia đình đều có những lối sống riêng, những cách hành xử riêng nên chuyện giải thích cho các chị là điều hiển nhiên. 
Mẹ tôi bảo, “mày phải làm cho quen, các chị chưa hiểu thì chỉ cho các chị, sau này mày cũng phải lấy chồng, cũng phải biết nghe con”. Và tôi cứ như thế, khoa chân múa mép suốt hơn một tháng. Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi. Ai nấy đều biết việc của mình để làm, tôi có thể thoải mái tập trung vào việc học. Thế nhưng...
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Chị dâu tôi không phải là người lười biếng. Tôi biết điều đó, mỗi tội, cái gì chị làm cũng chậm chạp, kỹ lưỡng như sợ mọi thứ mình làm sai sót một tí ti thì sẽ hỏng bét hết. Đôi khi tôi chỉ muốn làm lẹ cho xong, nhìn chị làm từng thứ một, tôi chỉ muốn ngáp dài mà nằm ngủ. Thật là nhẹ nhàng và thật là chậm... 
Tôi bắt đầu chán ngán với mọi thứ. Nhưng tôi không dám nói, vì tôi không muốn tôi và anh tôi bất hòa vì những chuyện không đâu. Thỉnh thoảng, tôi có góp ý với chị, góp ý chân thành và cũng nhẹ nhàng nốt... nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Tôi không phải là đứa nhiều chuyện , nói chính xác hơn, tôi sống nội tâm và tình cảm, ít để ý đến chuyện người khác. Nhưng chị tôi thì ngược lại. Chuyện nhà hàng xóm cãi nhau, chửi nhau thế này, gọi nhau thế kia, bà kia ăn vụng cái này, ông đó uống rượu, đánh vợ... Thường là, sau một buổi chợ, chị tôi khuân về nhà bao nhiêu là câu chuyện và thường kể với tôi. 
Lắm lúc tôi cũng ừ hử cho qua, đôi lúc nghe chị nói chuyện tôi cứ liên tưởng đến cái đài thông tấn xóm, sáng, trưa chiều tối hoạt động liên tục. Thành ra, ban đầu tôi cũng hời hợt, nhưng lâu dần thành quen, không có tiếng nói của chị, trong nhà buồn hẳn.
Thỉnh thoảng, anh chị giận hờn nhau, tôi phải thủ thỉ với anh, an ủi chị, bữa cơm trong gia đình đôi khi trở nên u ám, tôi sợ cha mẹ buồn, và tôi cũng buồn, nhưng không thể làm gì hơn.
Tôi quyết định đi trốn. À không, là tôi đăng ký thi đại học xa nhà. Những năm tháng trọ học ở Sài Gòn, phải xoay xở với cơm áo gạo tiền, học hành, thi cử. Đôi khi tôi cũng thầm cảm ơn hai bà chị dâu vì những dòng tin nhắn động viên, an ủi những lúc tôi nhớ nhà, những khi tôi khó khăn. Và một điều nữa, mẹ tôi bảo, không có tôi, chị dâu tôi đảm đang và chăm lo gia đình chu đáo lắm.
Cái giá của sự chạy trốn thật ngọt ngào.

Đọc thêm