Con rể “cá biệt”
Chị Trâm Anh và anh Thành Hưng lấy nhau đã bốn năm, nhưng anh và chị vẫn chưa một ngày được đường đường chính chính cùng nhau về thăm nhà chị, dù nhà chị cách nơi họ đang sinh sống chỉ có 50 cây số. Lý do là hồi ấy, chị là giáo viên, xinh xắn, được cha mẹ kì vọng nhiều, muốn làm mai cho Trâm Anh con những người bạn là bác sĩ, giảng viên, kiến trúc sư… Nhưng chị lại yêu một anh thợ cơ khí, cái nghề mà theo cha mẹ chị là “không sang trọng”, đã vậy anh lại mồ côi cha mẹ.
Gia đình cấm, phản đối tới mức nhốt chị trong nhà, nhưng chị quyết liệt trốn nhà theo anh. Sau đó, thương con, họ đã tha thứ cho con, nhưng con rể thì không đời nào cho đặt chân vào nhà. Anh chị cũng chỉ tự mình tổ chức một cái đám cưới đơn sơ mà không có nhà trai nhà gái. Trái với dự đoán của gia đình là “chúng nó sẽ bỏ nhau nhanh vì vấp phải đời khắc nghiệt”, hai anh chị vẫn sống hạnh phúc với một mái ấm đơn sơ, rồi kinh tế cũng dần khá lên. Nhưng cha mẹ chị vẫn không chấp nhận sự thật.
Khao khát lớn nhất của chị là một lần được dẫn anh về nhà ra mắt cha mẹ nhưng đó mãi chỉ là mơ ước. Dịp gần Tết, nhân lúc anh vừa mở được một cửa hàng bán đồ cơ khí tại nhà, chị nghĩ có lẽ sự vững chãi tương đối về kinh tế của anh sẽ khiến cha mẹ hồi tâm, nên “đánh liều” dắt chồng về nhà ăn bữa cơm tất niên với gia đình.
Cha mẹ chị thấy anh đã vội sa sầm mặt xuống, nhưng vì con gái lâu mới về nhà nên cũng ráng “chịu đựng” con rể ăn cùng mâm. Thế nhưng, ngồi với nhau đến gần tàn tiệc, có rượu ngà ngà, thì ông bố và em trai chị bắt đầu giở giọng coi thường rể.
Ban đầu là so sánh anh với rể cả trong nhà, làm đến giám đốc công ty. Tiếp theo là chê anh chỉ là anh thợ cơ khí, có làm gì nữa thì cũng không thoát khỏi cái lốt “ít học”. Quá đáng hơn, họ chê anh mồ côi cha mẹ, không có người dạy dỗ nên không biết lễ nghĩa.
Đến lúc này thì anh hết chịu đựng nổi, đứng phắt dậy bỏ về. Cha vợ chửi anh hỗn hào, nhào theo định ném tô cơm vào người, không ngờ chị chạy đến đỡ, bị một cái tô sứ vào đầu, ngã vật xuống. Đến bệnh viện, người ta nói đứa con ba tháng trong bụng chị đã bị mất do chấn động mạnh.
Từ sự việc ấy, chị không muốn về nhà nữa, anh thì đâm ra thù ghét gia đình vợ, và mối quan hệ của vợ chồng họ cũng có chút gì rạn nứt. Miệng vẫn chửi con rể, nhưng thực tâm, gia đình chị cũng đã thấm thía rồi, những chẳng biết cứu vãn bằng cách nào…
Lấy vợ bé cho con…
Vợ chồng anh Trần Minh Tú và Lê Thị Diệu Thanh (quận 10, TP.HCM) có hai đứa con gái xinh xắn, đáng yêu mà anh chị thấy là quá đủ. Thế nhưng, mẹ chồng chị Diệu Thanh, với suy nghĩ của một người phụ nữ lạc hậu, cổ hủ thì cho rằng đó là “bất hạnh” của gia đình vì không có cháu đích tôn.
Lần nào đến, bà cũng dằn vặt, cắng đắng vợ chồng con trai đến mệt mỏi, tới mức chị Diệu Thanh nói thẳng với chồng là chẳng muốn mẹ chồng đến nhà nữa.
Nói thẳng không xong, bà quay qua tìm cách thuyết phục con trai. Cũng không xong, bà tính cách của riêng mình. Về quê, tìm được cô gái trẻ chưa chồng nom “mắn đẻ”, đi coi tướng hẳn hoi, nghe rằng cô này có khả năng sinh quý tử, bà thuyết phục, nhờ cô “câu” con trai mình để có cháu đích tôn. Nếu làm tốt, sinh con trai, bà sẽ thưởng cho hẳn một căn nhà.
Cô gái được đưa vào nhà con trai bà làm “bảo mẫu” cho hai đứa trẻ, với lời giới thiệu mang tính ép buộc của bà mẹ chồng, bảo đó là con người bạn thân của bà ở quê, bà đã hứa giúp cho có công ăn việc làm, thời gian chờ thì ở đây tạm.
Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, với một cô gái trẻ trung phơi phới, sống trong nhà, va chạm thường xuyên và cô gái ấy lại luôn tìm mọi cách để tiếp cận, quyến rũ thì chuyện đức ông chồng có thể “chính chuyên” mãi chỉ là chuyện… trong mơ. Một thời gian, cô bảo mẫu có bầu đúng như bà mẹ chồng mong muốn.
Và thế là gia đình êm ấm của anh chị cũng tan vỡ sau cơn bão tố ấy, dù anh đau khổ, van xin hết lời lẽ. Chị đem con về nhà mẹ đẻ sống, thời gian đầu còn cấm không cho anh qua thăm con. Mà rốt cục, đứa trẻ do cô gái mà bà mẹ chồng chọn cũng sinh… con gái, cái kết quả khiến bà ngã ngửa vì thất vọng. Thêm vào đó, con trai bà cũng nhất định không chịu lấy cô gái kia, cô gái cũng bỏ đi, để lại đứa trẻ đỏ hỏn cho bà nuôi.
Hai câu chuyện trên đây, chỉ là vài trong số các câu chuyện buồn vẫn xảy ra hằng ngày ở khắp mọi nơi, là bài học lớn cho những người làm cha làm mẹ giàu yêu thương nhưng thiếu khả năng thấu hiểu. Và yêu con, thương con theo cách ấy, thực ra cũng chỉ là biến tướng của tình yêu bản thân mình thái quá mà thôi…