Nữ quyền nhìn từ các quốc gia châu Phi - (Kỳ cuối): “Tiếng nói của tôi không thể bị đàn áp!”

(PLVN) - Các quốc gia châu Phi đang hàng ngày nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị... để theo kịp những lục địa còn lại. Là một phần quan trọng trong tiến trình đó, phụ nữ ở nhiều quốc gia châu Phi đã dần nhận thức được vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước. 
Alaa Salah - nhà hoạt động về nữ quyền nổi tiếng của Sudan diễn thuyết trước quần chúng.
Alaa Salah - nhà hoạt động về nữ quyền nổi tiếng của Sudan diễn thuyết trước quần chúng.

Bởi vậy, nhiều thập kỷ qua đã có không ít phụ nữ châu Phi đứng lên đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình và trở thành biểu tượng của nữ quyền tại lục địa đen. 

Từ châu Phi đến Hội đồng Bảo an

Cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh”. Tại phiên thảo luận này đã xuất hiện một cô gái trẻ 22 tuổi người Sudan là nhà báo Alaa Salah - được xem là biểu tượng nữ quyền mới ở Sudan. Cô chia sẻ, hành trình của cô và nhiều phụ nữ Sudan khác là đấu tranh vì hòa bình và công lý, vì tương lai của Sudan.

Alaa Salah chính là thành viên tiên phong của Hiệp hội chuyên gia Sudan (SPA) với nòng cốt là phong trào đấu tranh của phụ nữ, chiếm 70% tổng số người diễu hành đòi chấm dứt 30 năm cầm quyền của Tổng thống Omar Hassan al-Bashir (2018 – 2019). 

Luật pháp Sudan dưới thời ông al-Bashir kiểm soát khắt khe đối với người phụ nữ trên mọi phương diện, từ ăn mặc, hành vi, giáo dục cho tới đời sống cá nhân… Những bé gái thường xuyên bị ép buộc kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi hơn. Ngoài tảo hôn, bạo lực gia đình, quấy rối tình dục cũng là những mối đe dọa thường trực đối với phụ nữ Sudan. Chỉ tính riêng trong năm 2016 đã có tới 15.000 phụ nữ bị giam giữ, thậm chí bị đánh đập.

Không thể chịu đựng mãi được chế độ vô nhân đạo đó, từ tháng 12/2018, các cuộc diễu hành phản đối chính sách của chính quyền al-Bashir tăng cao. Cuộc đấu tranh của Salah và hàng nghìn phụ nữ khác được người dân Sudan gọi là “Kandaka” (theo tên một nữ hoàng Sudan cổ đại từng chiến đấu dũng cảm vì quyền lợi của phụ nữ và đất nước mình). Trong trang phục truyền thống của phụ nữ Sudan, Salah đứng phát biểu giữa biển người diễu hành.

Chân dung bà Alaa Salah - nhà hoạt động nữ quyền ở Sudan
Chân dung bà Alaa Salah - nhà hoạt động nữ quyền ở Sudan 

Salah đã dũng cảm trèo lên nóc ô tô để hát, để hô vang các khẩu hiệu nhằm truyền tải thông điệp của mình, đó là “Sudan cho tất cả”, chứ không phải Sudan là sở hữu riêng của bất kỳ gã độc tài nào. Khi hình ảnh của Salah được lan truyền, cô phải đối mặt nhiều lời đe dọa ám sát. Mặc dù vậy, Salah vẫn nói: “Tôi sẽ không khuất phục. Tiếng nói của tôi không thể bị đàn áp!”. 

Sự kiên cường của Salah và những người phụ nữ Sudan đã khiến thành viên nam của phong trào SPA khâm phục, còn lực lượng đàn áp dần chùn bước. Thậm chí chính những binh sĩ được lệnh trấn áp đã đứng ra bảo vệ đoàn người diễu hành. Nhiều sĩ quan quân đội cho rằng những người phụ nữ đã thay đổi suy nghĩ của họ về chế độ mà họ đang phục vụ. Sát cánh bên Salah còn nhiều phụ nữ tài giỏi khác là Safaa Ayoub, Huda Ali và Samah Jamous. Họ đều là những nhà hoạt động vì nữ quyền nổi tiếng tại Sudan và châu Phi. 

Salah mong muốn thành lập một chính phủ dân sự mới thúc đẩy lợi ích đất nước, đặc biệt là quyền bình đẳng cho phụ nữ, tăng tỷ lệ 25% phụ nữ tham gia các cơ quan lập pháp lên 50% thông qua đánh giá trình độ một cách công bằng và bình đẳng.Sudan hiện bước vào thời kỳ mới của quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự sau 30 năm cầm quyền của Tổng thống A.Bashir. Chính phủ mới của Thủ tướng A.Hamdok bao gồm 18 bộ trưởng, trong đó có 4 phụ nữ, có trách nhiệm điều hành đất nước Sudan trong thời gian chuyển tiếp 39 tháng.

Chính phủ mới đối mặt nhiều thách thức như khôi phục kinh tế và chấm dứt xung đột giữa các nhóm quyền lực và phiến quân ở các khu vực. Tân Thủ tướng cũng chỉ ra sự cần thiết phải cải cách thể chế nhà nước, chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền và minh bạch, phát triển đường lối đối ngoại ôn hòa và đảm bảo công bằng cho phụ nữ.

Vai trò của phụ nữ châu Phi

Lý thuyết nữ quyền xuất hiện lần đầu vào năm 1794 trong quyển Vì quyền của nữ giới (A Vindication of the Rights of Women) của nhà văn, nhà tư tưởng Anh Mary Wollstonecraft. Tác phẩm này được coi là bản tuyên ngôn nữ quyền đầu tiên. Trong khi đó, thuật ngữ Nữ quyền - Féminisme xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết Đàn ông- Đàn bà của nhà văn Pháp Alexandre Dumas con, xuất bản năm 1872. 

Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh cho bình đẳng quyền lợi giữa nữ giới và nam giới mới ra đời tại các nước phương Tây. Sinh ra từ hơn 100 năm nay, phong trào nữ quyền đã lan tỏa trên khắp thế giới, tới mọi châu lục, trong mỗi quốc gia, tôn giáo và châu Phi không nằm ngoài vòng quay đó. Giờ đây, ở nhiều quốc gia châu Phi hàng loạt phụ nữ đã đứng lên dũng cảm đấu tranh cho quyền lợi của mình. Bởi họ nhận thức rõ ràng được vai trò của mình trong việc phát triển đất nước và lục địa nơi họ sinh sống. 

Lelemba Chitembo Phiri (38 tuổi, người Zambia) đã vượt qua những rào cản, định kiến ở châu Phi để vươn lên để thành lập công ty riêng Girl Effect.
Lelemba Chitembo Phiri (38 tuổi, người Zambia) đã vượt qua những rào cản, định kiến ở châu Phi để vươn lên để thành lập công ty riêng Girl Effect.

Cuối năm 2010, Liên minh châu Phi (AU) đã đưa ra chương trình hành động, theo đó coi giai đoạn 2010-2020 là “Thập kỷ của phụ nữ châu Phi”. Lộ trình nhằm tiến tới đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở châu Phi được xây dựng, trong đó ưu tiên giáo dục và tiếp cận thông tin của phụ nữ, bảo vệ quyền phụ nữ, khuyến khích các nữ doanh nhân, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính phủ và lĩnh vực công. 

Trong chương trình hành động khẩn cấp, các nước châu Phi đã ưu tiên các lĩnh vực để nâng cao quyền lợi và vai trò của phụ nữ. Theo đó, những bé gái châu Phi được đi học và học tập đủ thời gian để có thể trang bị những kỹ năng cần thiết, tiến tới thành công; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế. Phụ nữ được tiếp cận các công cụ sản xuất. Theo một nghiên cứu, nếu phụ nữ và nam giới cùng được tiếp cận các công cụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng ở các trang trại của phụ nữ có thể tăng 10% đến 30%. Với những phụ nữ châu Phi tham gia hoạt động kinh doanh, họ cần được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với tỷ lệ lãi suất thấp trong thời hạn dài hơn.

Với những chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong những thập kỷ gần đây, hình ảnh phụ nữ châu Phi đã dần thay đổi. Giám đốc điều hành thứ nhất về phụ nữ của Liên Hợp quốc, cựu Tổng thống Chile đã nhận xét, thế kỷ 20 chứng kiến một trong những tiến bộ của phụ nữ khi họ sử dụng tiếng nói của mình để làm nên sự thay đổi. Tỷ lệ các nữ doanh nhân ở châu Phi cao hơn các nơi khác trên thế giới. Tỷ lệ trẻ em nữ so với trẻ em nam được tới trường cũng tăng từ 84/100 năm 1991 lên 91/100 năm 2009.

Nghiên cứu của Báo cáo kinh doanh quốc tế Grant Thornton chỉ ra rằng, phụ nữ Nam Phi chiếm 27% các chức vụ quản lý cao cấp năm 2009, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 20%. Kết quả này nhờ chính phủ nước này quan tâm bình đẳng giới và vấn đề việc làm. Liberia đã có nữ Tổng thống, bà E.G. Xơ-líp. Tại Ai Cập và Tunisia, phụ nữ tham gia công tác và giữ các vị trí quan trọng. 

Phần lớn phụ nữ châu Phi truyền thống thường làm trong những lĩnh vực không đòi hỏi tay nghề cao. Tuy nhiên, gần đây, thế hệ phụ nữ châu Phi mới đã chứng tỏ được khả năng của mình trong các lĩnh vực. Tại nhiều nước châu Phi như Togo, Sénégal, Cộng hòa Conggo… nhiều công ty tư nhân được điều hành bởi phụ nữ. Phụ nữ châu Phi giữ chức Giám đốc điều hành ở 500 công ty.

Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, sự phát triển kinh tế và vai trò của phụ nữ châu Phi trong xã hội là những yếu tố quan trọng để thực hiện các cam kết của châu lục này. Vì vậy, châu Phi phải đi đầu chương trình hành động về giới, trong đó khuyến khích phụ nữ được tiếp cận đất đai, công cụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và các dịch vụ tài chính. 

Đọc thêm