Cái bẫy ngọt ngào
Năm 1924, cụ Vương và người bạn làm thư ký ở Khám lớn Sài Gòn cùng thi đậu, được bổ nhiệm ngạch thư ký chính thức. Có sẵn tiền trong túi, cụ Vương đi đến Khám lớn rủ bạn đi khao. Đến cửa khám, một cô thiếu nữ người Hoa ăn mặc sang trọng, xinh đẹp, đứng gần một chiếc ô tô Delage bóng lộn, nhưng mặt mày ủ dột, vừa thấy cụ Vương bỗng rụt rè như muốn bày tỏ chuyện gì.
Cô cầm một gói đồ có bao tờ nhựt trình đưa cụ Vương dù chưa biết cụ là ai, nói tiếng Phắp cắt nghĩa muốn gởi gói ấy vô cho cha chồng nhưng chưa xin được giấy phép. Sắc đẹp của cô gái làm cụ Vương choáng váng và sa bẫy mà không hay.
Cụ Vương kể: “Lúc ấy tôi vừa háo thắng vừa có tật ưa nịnh đàn bà, cô lại xinh đẹp quá, nên tôi lãnh đại, vì chuyện chi chớ chuyện gánh bàn độc mướn, ai không biết, chớ tôi là số một.
Bữa ấy tôi mặc một bộ đồ tussor mới may và diện thật kẻng. Thấy bộ vó của tôi và nghe tôi trâm một câu tiếng Tây trong trẻo, muốn vào thăm thư ký Lạc làm việc nơi văn phòng ông chánh chúa ngục Agostini, viên đội Tây gác cửa lật đật mở cửa cho tôi vào, không xét không tra.
Nhưng đến chừng tôi bước qua khỏi ngạch, viên đội khoá cửa lại nghe cái rầm, khoá hai tua, tôi thấy cửa quá dày và cái chìa khoá to lớn khác thường, trong lòng thấy nao nao, định thối bộ lui gót thì viên đội dường như biết ý nhoẻn miệng cười và nói một câu pha lửng: “Không sao đâu. Anh vô đi rồi lát nữa tôi mở cửa cho mà về”.
Yên tâm rồi, việc làm đầu tiên khi gặp Lạc là tôi xin Lạc trao gói đồ tận tay người thừa lệnh. Để cho Lạc ân cần hơn, tôi nói dối đó là người thân bên vợ tương lai.
Lạc niềm nở bao nhiêu thì tôi lật đật bấy nhiêu vì lòng đi thăm bạn của tôi đã mất. Tôi chỉ nóng báo tin cho người đẹp rằng sứ mạng đã xong và tôi chỉ sợ người đẹp bỏ về.
Cô gái cám ơn líu lo bằng một câu tiếng Hoa, nhưng tôi nhớ mãi sau đó cô hỏi tôi địa chỉ bằng tiếng Pháp, giọng học sinh trường nữ Marie Curie. Khỏi nói, tôi đã đưa danh thiếp của tôi trong ấy có ghi rõ địa chỉ và số đường sở tôi làm”.
Bữa tiệc... tiên
Chuyện trao gói quà cho người tù chẳng qua cụ Vương muốn làm lấy le với người đẹp, không tính toán thiệt hơn nhưng lại dẫn đến kết quả bất ngờ. “Vài ngày sau, đang giờ làm việc một buổi chiều, có người mời tôi ra phòng khách trường máy. Đó là một bác tài xế vận âu phục chỉnh tề, trao tôi một bức thư chữ Pháp có ký tên là chủ nhân một đại dược phòng danh tiếng trong Chợ Lớn.
Trong thư cám ơn tôi đã giúp tận tình thân nhân y trong khám đường hôm trước và ân cần mời tôi thứ bảy tuần sau thế nào cũng đến dùng một bữa cơm Tàu thân mật tại đại tửu lầu Đức Lợi đường Quảng Đông (nay là đường Triệu Quang Phục).
Trong thư nhấn mạnh và gạch một hàng chữ “mời tất cả quý quyến cùng đến dự” nguyên văn chữ Pháp “avec toute votre famille”.
|
Đường Triệu Quang Phục, nơi xảy ra “bữa tiệc đau tim” |
Cụ Vương hào sảng vô tư mời bạn bè đồng nghiệp cùng với cụ là 12 người đi dự tiệc. Khi đi rất xôm tụ nhưng: “Đến nơi chưa chi tôi đánh lô tô trong bụng vì nghe tiếng kèn song hỷ và tiếng trống Bắc cấu từ trong khách lầu xổ giòn điếc tai. Đến tầng lầu nhứt, thấy cách dọn dẹp sang trọng quá, bàn ghế trải ngăn nắp trắng tinh, tôi đếm sơ có trên mười cỗ bàn dọn kiểu bát tiên (bàn tám người), tôi đâm ra sợ khan.
Vừa nghi đó là chỗ dành đại quan viên tiệc cưới hay tiệc tân quan khánh bạ nào đó; vừa sợ trong bụng nếu ăn nơi đây, sang trọng như vậy, ắt tổn phí tính nhiều, chi bằng kéo cả lũ lên từng lầu ba là hạng bình dân, may ra hai trăm đồng của mình cũng còn lại chút ít lây lất đến cuối tháng”.
Vừa tới đầu thang thì có một người lễ phép hỏi đi đâu, cụ Vương rút thiệp mời chìa ra. Người này mời xuống tầng lầu chỗ có treo cây cờ lớn nơi bàn tiệc sang trọng.
Nhóm cụ Vương ngồi vào bàn chờ chủ tiệc tới nhưng chờ hoài không thấy. Cụ Vương bối rối sợ chủ tiệc không tới, mình không đủ tiền trả chi quán nên thầm lo: “Tám giờ gõ, kiến cắn bụng từ lâu, anh em đòi ăn như giặc, vì mấy đĩa đậu phộng rang và hột dưa đỏ đã hết sạch. Tôi giả lờ làm tỉnh kêu “mì” cho đỡ tốn.
Nghe có tiếng dạ ran, giây lát thầu xáng bưng lên mười hai tô mì, mỗi tô đều có gân nai vi cá và giò heo Bắc thảo. Tôi húp mì mà sợ cho hai trăm đồng bạc của tôi sẽ bay theo mười hai tô nầy, nên nuốt không vô.
Tôi thầm trách thầu xáng (người phục vụ), hễ kêu mì thì đem thứ mì đoàn thể công cộng, một tô xộn xên (lớn) tiết kiệm cho người ta nhờ, ai cầu vẽ viên cách vật, mỗi người mỗi tô cho thêm tốn tiền”.
Càng về khuya nỗi lo càng tăng, ông chủ vẫn không tới, khách mời lại đói bụng đòi ăn. Cụ Vương muốn lên cơn đau tim vì hoàn cảnh trớ trêu: “Đến 9h cũng chưa thấy ông chủ đại dược phòng đến. Mẹ ôi! Nếu ông không đến, tức ông khinh rẻ mình. Có nên giận chăng? Thầm vái giây lát ông đến thì mọi việc êm xuôi, chuyện gì mà khổ tâm vô ích.
Đồng hồ gõ 9h15’, Anh em thúc: “Ăn bậy cái gì rồi về, khuya rồi”. Chuyến nầy tôi kêu rành rẽ hai đĩa cơm rang Dương châu hay Cantonnais gì đó, thứ này ăn mau no và chắc không quá số tiền hai trăm đồng mình có.”
Sáng kiến kêu món rẻ tiền cho khách ăn no bụng và sẵn sàng móc tiền túi ra trả của cụ Vương tưởng đâu là diệu kế nhưng bỗng dưng tình thế thay đổi 180 độ. “Cơm đem lên ăn vừa được nửa chừng, bỗng ông chủ cao lâu (nhà hàng) đi chơi về, ghé chào khách quý ăn tiệc phòng sang. Ông ngạc nhiên vì đã dọn đến 10 bàn dự trù 80 người nhưng chỉ có mười hai khách hàng nam.
Ông niềm nở bắt tay từng người và hỏi sao bữa tiệc kém hào hứng, có phải vì thức ăn kém ngon chăng? Cụ Vương nói thật và tỏ ý phiền vì người chủ mời mà không có mặt khiến khách mất vui.
Ông chủ tiệm nghe chưa dứt câu vụt cười xoà, sai thầu xáng mau mau dẹp hai đĩa cơm rang và cắt nghĩa: “Theo phong tục Tàu, nó (tức chủ nhân đại dược phòng, người đứng ra mời khách) không đến đâu, đừng chờ nó mất công. Nếu nó đến, sợ có mặt nó, mấy ông ăn uống không tận tình.
Nó không đến là nó có ý kính trọng khách đó. Ăn nhiều thêm nữa đi! Ăn chết cha nó đi! Kêu thêm đồ ăn ngon, ăn nhiều nhiều đi! Ăn ít như vầy, tôi lỗ vốn, hề hề, chết đi còn gì. Ăn nữa đi mà. Các chú (người Hoa) đãi khách là vậy đó mà!”.
Ông chủ cao lâu gọi thầu xáng sai lấy nước nóng có ướp dầu eau de Cologne cho khách rửa mặt, sai gọi gấp hai tên tẩm quách đấm lưng và bóp vai vuốt ngực o bế mười hai con gà đá chồng độ khác! Thiếu một điều nói xin lỗi. Ông muốn chúng tôi chọc ọe trả hết mì cơm, để cho bao tử mệt làm việc lại như lúc chưa ăn.
Chủ tiệm lắc đầu than lỗ như bộng. Rồi ông sai bưng lên hai mâm đèn (hút thuốc phiện, thời đó là một thú ăn chơi) đặt trên hai bộ ván thứ gọi là sập ba thành dành cho tiên ông đi mây về gió, ông gọi hai á múi đến làm thuốc và mời mọc: “Hút chơi ít điếu cho mau tiêu”.
Mười hai giờ, nhóm cụ Vương kéo nhau xuống lầu. Chủ tiệm cầm nán lại, lấy bàn toán ra gõ lắc các tính tiền rồi lắc đầu, đưa tay mời trở lên phòng như cũ. Ông sai dọn lại bàn mới, triệt hết ly chén, lấy trà thơm chén sứ ra dâng khăn nóng lau mặt lại nữa, rồi lấy hai ống sành mỗi ống có để sẵn một mớ thẻ tre giẹp giẹp mỏng mỏng y như thẻ xin xâm các chùa Tàu. Ông chủ cắt nghĩa đây là cách mời “hoa khôi biết nói” vì các cô quá đông nên phải bày ra cách này để tránh tiếng vị tư vị.
Cụ Vương rút thăm trúng bốn cô như có tên rất đẹp: Cúi Ên (Quế Anh), Dục Nụi (Ngọc Nữ), Á Ngò (Cô Nga) và Hồng Hứ (Hồng Ngư) dưới tuổi hai mươi, hai cô tay ôm mỗi người một cây hồ điệp cầm (một loại đàn của người Hoa) và ca hát phục vụ khách.
Cụ Vương kể trong tiếc nuối: “Nhưng bữa tiệc dẫu vui đến đâu cũng không thể kéo dài được mãi. Đến hai giờ khuya, mòn mỏi quá chúng tôi xin về. Ông chủ quán phen nầy lắc bàn toán, cười cười cho hay bữa tiệc giá bảy trăm sáu chục đồng, nên chi ông tặng mỗi đứa chúng tôi một chai eau de Cologne hay ai thích thì một hộp xì gà Corona, để tính chẵn tám trăm với ông chủ đại dược phòng.
Một tuần sau tôi mới được biết mặt ông chủ nhà thuốc. Ông thú thật trong gói tôi đưa vô khám có chứa một bức thư quan trọng, ơn tôi giá đáng ngàn vàng. Tôi nghe mà hết hồn cho việc làm tắc trách hôm trước, giỡn với lửa mà không ngờ. Bây giờ mới biết chuyện vô khám thăm bạn học cũ, tôi đã phạm hai tội: Một tội đem thư kín còn tội kia xin cho tôi tự bào chữa đây là lộc trời dành một cảnh du nhập Thiên Thai tân thời, tiếc thay tôi và các bạn tôi không có số để tận hưởng."