Khó mấy vẫn phải cố

(PLVN) - Cuộc gặp cấp cao năm nay giữa EU và Trung Quốc bị phủ bóng đen không phải chỉ có bởi những khúc mắc dai dẳng lâu nay giữa hai bên mà còn bởi chiến sự đang dai dẳng ở Ukraine.
Phái đoàn Nga, Ukraine tại cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Những khúc mắc lâu nay giữa hai bên đặc biệt nổi cộm là xung khắc thương mại song phương, là bất đồng quan điểm về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, là chuyện một số thành viên EU thúc đẩy quan hệ với Đài Loan khiến Trung Quốc không hài lòng đến mức áp dụng một số biện pháp chính sách trừng phạt.

Còn liên quan đến chiến sự ở Ukraine, EU và Trung Quốc có quan điểm khác nhau và vì thế thể hiện thái độ khác nhau đối với Nga. EU cùng với Mỹ, NATO và các đồng minh khác trong khối các nước phương Tây ủng hộ Ukraine và đối địch Nga quyết liệt, tìm mọi cách cô lập Nga về chính trị và làm cho Nga lụi bại về kinh tế, tài chính và thương mại để Nga không thể tiếp tục chiến sự ở Ukraine.

Phe này đã loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift, cấm vận một số ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước ở Nga để ngăn cản Nga tiếp cận và sử dụng các nguồn ngoại tệ, đồng thời hạn chế nhập khẩu dầu lửa, khí đốt và than đá của Nga để làm cạn kiệt một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga. Tại LHQ, phe này lên án Nga.

Trung Quốc không cùng quan điểm với EU về Nga tại LHQ và không tham gia chiến dịch trừng phạt Nga của phương Tây. Trung Quốc chia sẻ quan điểm của Nga về mối đe dọa an ninh từ NATO và khẳng định thúc đẩy mối quan hệ hợp tác rất tin cậy giữa Trung Quốc và Nga.

Cuộc gặp cấp cao này đương nhiên bàn thảo về quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc nhưng dưới tác động của chuyện chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu, chủ đề nội dung ấy chỉ đóng vai trò phụ. Mục đích chính của EU là vận động và thuyết phục Trung Quốc đứng về phía mình và NATO cùng đối phó Nga.

EU phải làm vậy vì việc Nga và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương có ý nghĩa và tác động đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình hiện tại. Nó có thể giúp Nga vô hiệu hóa tác dụng của không ít những biện pháp chính sách của Mỹ, EU, NATO và đồng minh trừng phạt Nga, chẳng hạn như thông qua cơ chế thanh toán giữa đồng rúp của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, hay thông qua việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu lửa, khí đốt và than đá của Nga.

Phương Tây còn vô cùng quan ngại về kịch bản Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự. Vì thế, dẫu khó đến mấy thì EU cũng vẫn phải cố vận động và thuyết phục Trung Quốc. Trung Quốc tránh để bị coi là đồng minh của Nga trong chiến sự hiện tại ở Ukraine nhưng cũng sẽ không vì quan hệ với EU hay với Mỹ hoặc với đồng minh nào đấy của họ mà hùa theo họ đối địch Nga.

Đọc thêm