Khoảnh khắc đau đớn trong đời Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ly

(PLO) - Câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Ly (91 tuổi, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), dù đã hơn 40 năm trôi qua, vẫn khiến nhiều người xúc động. 
 Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ly
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ly
Đàn con hi sinh vì cách mạng
Ngôi nhà nhỏ của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ly từ lâu chỉ còn hai bóng người khập khiễng đi ra đi vào. Căn nhà đơn sơ với hai chiếc giường nhỏ, vài vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của 2 mẹ con. Trên bàn thờ, bốn bằng Tổ quốc ghi công của những người con sắp xếp thứ tự từ lớn đến nhỏ. 
Bà chia sẻ: “Thằng Thành còn bị giặc giam thì đứa em nó xin đi bộ đội. Tụi nó bảo đi trả thù cho các anh và quê hương. Chúng được bổ sung vào du kích rồi cũng lần lượt hy sinh”. 
Những người con hy sinh, không có lấy tấm hình đặt lên bàn thờ. Mẹ bảo mình vẫn nhớ như in đặc điểm cùa từng đứa con, từ tiếng cười, giọng nói, tướng đi hàng ngày: “Anh Hai tụi nó, thằng Nhã đã hy sinh hồi phong trào Đồng khởi năm 1960. Lúc ấy thằng Nhã làm xã đội, cùng anh em du kích bám vô ấp thì bị lọt vào ổ phục kích của giặc. Thi thể nó, giặc đem bêu giữa chợ, không cho gia đình mang về”.
Nỗi đau chưa nguôi, người mẹ tiếp tục nhận được tin hy sinh của người con tiếp theo. Mùng 7 Tết, bà nhận được tin con trai bị đại bác Mĩ tại Ba Sòng (Bắc Củ Chi). 
Vừa nhận được giấy báo tử của người con này, bà Ly lại nghe tin anh Thành bị giặc bắt. Bà nhớ nhất câu chuyện này, vì lần đó bà đã dám gạt tình máu mủ qua một bên, thà để con hi sinh, chứ nhất quyết không khuyên con đầu hàng quân giặc.
Năm đó, trong một chuyến đột nhập ấp chiến lược Phú Hoà Đông để mang tài liệu, tổ đồng đồng chí Huỳnh Văn Điển (tức Tư Thành) đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng anh lại bị giặc bắn trọng thương vào chân, bắt đem về bốt. 
Ban đầu, chúng giở trò lừa bịp, chăm sóc điều trị vết thương nhằm để mua chuộc anh khai ra cơ sở cách mạng trong ấp chiến lược và những người giao thông bí mật của cụm tình báo. 
Tuy nhiên, dùng mọi cách chúng vẫn không dụ dỗ được chiến sĩ Giải phóng quân kiên trung. Giặc hết kiên nhẫn, quay sang dùng mọi cực hình tra tấn dã man như lấy dùi nung đỏ xoáy vào vết thương chưa lành hẳn, gí điện vào các chỗ hiểm trên cơ thể. 
Chúng cho người hất tung anh lên rồi cho rơi tự do như một đồ vật. Chịu nhục hình, đau đớn đến cùng cực nhưng người chiến sĩ vẫn không chịu khuất phục, không khai nửa lời. 
Tên quận trưởng đã nghĩ ra mưu kế độc ác. Chúng bắt mẹ Ly lên bốt thuyết phục con “bỏ hàng ngũ Việt Cộng, sang với chính nghĩa quốc gia”. 
Lính Mỹ trong một trận càn ở miền Nam
 Lính Mỹ trong một trận càn ở miền Nam
Mẹ Ly kể lại: “Nghe thằng Thành bị thương rồi giặc bắt, tôi chết điếng. Cái đêm đó tôi buồn đứt ruột, cứ ngồi chong đèn hột vịt lộn mà ăn trầu hết miếng này tới miếng khác. Cái giấy báo tử chưa kịp giấu mà lại nghe tin dữ. Còn ổng nhà tui thì nằm ngủ trên tấm phản. Nửa đêm ổng trở mình thức giấc cằn nhằn: “Sao bà chưa ngủ đi, ngồi đó hoài vậy”. 
Tôi bảo: “Để sáng mai còn liệu lên bốt gặp con thì nói cái gì với nó chớ”. Ổng nói: “Bà nói với nó, nếu khai thì đi theo giặc luôn đi, nhà này không chấp nhận đứa con bán nước”. Nghe vậy, tôi mừng vì ông ấy cùng suy nghĩ với tôi”. 
Thà chết chứ không phản bội đất nước
Đêm đó, mẹ Ly không chợp mắt tí nào, thức cho tới khi gà gáy. Không phải vì suy nghĩ xem sẽ nói gì với con, mà mẹ kể, vì thương con đến cồn cào ruột gan không tài nào nhắm được mắt. 
Mẹ Ly kể tiếp: “Chừng nghe tiếng chim bìm bịp kêu, tôi giật mình mới biết trời sáng. Tôi lay chồng dậy rồi rửa mặt, ăn vội vài hột cơm nguội để chuẩn bị lên bốt. Chồng tôi vác cuốc đi ngang lu nước, còn quay đầu nói: “Coi chừng rồi không dám nhìn mặt ai, bà liệu đó mà nói thằng Thành”. Ổng nói cộc lộc nhưng tôi hiểu ý, thấy ấm lòng”. 
Mẹ Ly mặc bộ bà ba màu đen, quấn chiếc khăn rằn lên đầu rồi bước đi. Thấy bà vừa bước vào phòng, giặc đã niềm nở săn đón, giả bộ xởi lởi, ngon ngọt, rót nước mời bà uống.
Giặc đưa mẹ Ly sang phòng điều tra gặp con. Trước mặt bà là một cái giường sắt, trên đó anh Thành nằm bất tỉnh. Phía sau là tên cai tù đứng chống nạnh, mặt hầm hầm sát khí. Trên tường chi chít những dây điện, kềm, roi… và những dụng cụ tra tấn khác. 
Hé mắt thấy mẹ, anh Thành mặt sưng húp, ráng ngồi dậy nhưng không đủ sức. Người mẹ hớt hải, lật đật chạy đến đỡ con. Hai tay run run, bà lật tấm vải đắp ra, chết điếng thấy toàn cơ thể con bị tra tấn bầm tím, những vết thương chưa lành hẳn lở loét.
“Một tên tay sai của giặc giục giã: “Nói đi thím Ba. Chỉ cần khai ra một người làm việc với nó trong ấp chiến lược này, rồi chúng tôi sẽ băng bó tử tế cho nó về nhà ngay với thím”. 
“Dù đau đớn, nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng, tỏ vẻ mặt bình thản nhất, rồi nói với con: “Anh em, bà con lối xóm gửi lời hỏi thăm con, con ráng lên…”. 
Tên tay sai nổi giận đùng đùng, giang tay đánh tôi một bạt tai rồi xô mạnh vào cửa, cho người lôi tôi ra. Tôi ráng ngoái lại nhìn con lần cuối. Thằng Thành chồm dậy nói lớn: “Má nói mọi người cứ yên tâm””, người mẹ nhớ lại.
Mẹ Ly kể câu chuyện đến đây, bỗng có tiếng xe Honda từ cổng tiến vào nhà. Hoá ra đó là người con trong câu chuyện mẹ Ly đang kể. Ông Tư Thành bước khập khiễng vào nhà chào khách.
Người mẹ đưa mắt trìu mến nhìn con, rồi tiếp lời: “Hôm ấy về tôi buồn bã bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày liền. Hễ nhắm mắt lại là thấy con mình trong phòng tra tấn, mình mẩy bầm tím, tứa máu lằn roi vọt. Đau lắm, nhưng cũng đành cắn răng chịu, không nhỏ giọt nước mắt nào. Con mình sống mà hại đất nước, hai nhân dân; thì thà để cho nó hi sinh vẻ vang”.
Ngày gặp lại con, mẹ Ly vỡ oà trong niềm hạnh phúc. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở không nói được lời nào. Hai tay run run, người mẹ xoa khắp khuôn mặt con, nhìn từ đầu xuống chân. Bốn người con của mẹ đã hy sinh, chỉ còn duy nhất anh Thành. 
Dù biết rằng đàn con hi sinh vì Tổ quốc, nhưng mấy chục năm trôi qua, mẹ Ly vẫn chưa nguôi được nỗi buồn. Mỗi lần gia đình có tiệc tùng, hay mỗi dịp Tết nhất, mẹ lại tặc lưỡi: “Chà, mấy đứa mà còn thì vui biết mấy”.

Đọc thêm