Không có cơ sở cho phép “mở thêm lối đi chung”!

(PLO) - Trong cuộc sống hàng ngày, không ít trường hợp chỉ vì xích mích, mâu thuẫn nhỏ về lối đi chung đã làm mất đi tình làng nghĩa xóm và hậu quả cũng thật khó lường. Trường hợp ông Nguyễn Văn Khánh (Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ.
Ảnh minh họa
Theo ông Khánh, ngày 18/11/2014, vợ chồng ông mua căn nhà của ông Phạm Thắng tại địa chỉ số 16 ngõ 221 Tôn Đức Thắng, diện tích 77,9m2. Gia đình ông đã nhận bàn giao nhà, đất và được ông Thắng chỉ rõ hiện trạng, tình trạng sử dụng nhà, đất của gia đình ông từ trước đến nay. 
Theo đó, phần lối đi sau nhà (bên phía nhà ông Truyền - hiện có cổng khóa) là lối đi của gia đình ông đã sử dụng ổn định từ năm 1963 đến nay và thực tế chỉ gia đình ông được sử dụng; hộ gia đình số nhà 12 và 14 không được quyền sử dụng lối đi này. Khi vợ chồng ông nhận bàn giao nhà thì cửa bên phía nhà ông Truyền, bà Lân đã khóa kín và được chèn chắc chắn. 
Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao nhà, đất, do điều kiện vợ chồng ông chưa chuyển đến sử dụng ngay được nên đã bị gia đình ông Truyền, bà Lân là hộ ở số nhà 12, 14 liền kề tự ý mở lối đi sang lối đi của gia đình ông, trong khi họ đã có lối đi bên ngoài rất thuận lợi. Băn khoăn về tình huống này, ông Khánh đã đề nghị Toà soạn giải đáp.
Vấn đề của ông Khánh, Luật gia Nguyễn Chấn cho biết như sau:
 I. Sau khi nhận chuyển giao nhà, đất từ ông Thắng, gia đình ông Khánh hoàn toàn có quyền như gia đình người chủ cũ sở hữu nhà đối với các lợi ích mà gia đình ông được hưởng. Tại Khoản 2 Điều 274 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Trong trường hợp quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đã được xác lập cho chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất thì người được chuyển giao nhà, quyền sử dụng đất cũng được hưởng quyền đó”.
Phần lối đi sau nhà (bên phía nhà ông Truyền) là lối đi của gia đình ông Thắng sử dụng ổn định từ năm 1963 đến nay đã trên 50 năm và chỉ gia đình ông sử dụng chứng tỏ trên thực tế, “quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề” đã được xác lập cho chủ sở hữu nhà (ông Thắng), dù đến thời điểm này có xuất hiện tranh chấp. 
II. BLDS quy định: Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định “theo thỏa thuận của các chủ sở hữu” hoặc “theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điều 265). Nhưng, theo ông Khánh, năm 2007 việc thỏa thuận không thành do “ông Thắng không nhất trí” và “sau đó ông Truyền, bà Lân không yêu cầu mở lối đi này nữa”; cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không có cơ sở để “can thiệp”. Nay, ông Khánh nhận bàn giao nhà, đất từ gia đình ông Thắng thì ông Truyền lại tự ý mở lối đi sang lối đi của gia đình ông Khánh; ông Khánh không đồng ý, có nghĩa là thỏa thuận không thành. 
III. “Việc dân sự cốt ở đôi bên”. Pháp luật khuyến khích sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ dân sự; nếu không thỏa thuận được thì mới phải cần đến sự “can thiệp” của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự, chỉ trong trường hợp “bất khả kháng” hoặc thật sự “cấp bách” thì Nhà nước mới “can thiệp”. Đặc biệt, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi “can thiệp” vào quan hệ dân sự, đều phải có căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch. 
Nhưng, ở tình huống này, không có căn cứ pháp lý để cơ quan nhà nước quyết định cho phép gia đình ông Truyền, bà Lân “đã có lối đi bên ngoài rất thuận lợi” nay lại muốn có thêm một lối đi nữa qua bất động sản liền kề (trong khi lối đi này đã được xác lập trên thực tế 50 năm qua cho gia đình khác sử dụng). Vì sao? Vì nhà ở của gia đình ông Truyền, bà Lân không thuộc trường hợp bất khả kháng “bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra” theo quy định tại Điều 275 BLDS buộc Nhà nước phải can thiệp (trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận).
Như vậy, nếu người chủ nhà ở mới (ông Khánh) không chấp nhận để  ông Truyền, bà Lân đi chung ngõ thì “quyền sử dụng hạn chế” phần đất này vẫn buộc phải tiếp tục như trước và sau thời điểm thỏa thuận không thành giữa hộ gia đình ông Thắng với hộ ông Truyền, bà Lân vào năm 2007.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm