Sống chung với ô nhiễm
Đi dọc sông Cầu Bây, từ khu vực Ngọc Thụy (Long Biên), qua nhiều xã của huyện Gia Lâm không ai không phải bịt mũi hoặc đeo khẩu trang vì mùi hôi thối bốc lên từ con sông này quá nồng nặc, khó chịu. Theo ghi nhận của PV, gần như toàn bộ con sông đã bị ô nhiễm một cách trầm trọng, nước chuyển màu đen kịt, dưới lòng sông ngập tràn rác thải công nghiệp độc hại.
Người dân 2 bên bờ sông cho biết họ đã phải sống khổ sống sở trong ô nhiễm như thế này từ hơn chục năm nay. “Ngửi nhiều thành quen rồi. Mũi tôi sinh ra ngoài việc để thở và ngửi mùi nước sông ra thì chẳng còn dùng cho việc gì nữa”, ông Nguyễn Anh Tuấn (xã Đa Tốn, Gia Lâm) hài hước. Hàng vạn hộ dân sống trải dọc qua 5 xã, 12km sông của huyện Gia Lâm cũng chẳng khác gì ông Tuấn, “sống chung với hôi thối” là sự lựa chọn duy nhất vì họ sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống vốn chẳng dư giả gì để tìm cho mình một nơi ở mới, trong khi đất của họ muốn bán rẻ cũng chẳng ai dám mua.
“Chỉ mới hơn 10 năm trước, khi khu công nghiệp Sài Đồng B chưa được xây dựng khang trang, hoành tráng như bây giờ, sông Cầu Bây còn có cá tôm sinh sống. Người dân chiều chiều lại ý ới gọi nhau xuống sông tắm. Thế rồi nguồn nước bị ô nhiễm dần, cho đến nay mùi hôi thối đã lên đến cực điểm. Chúng tôi như sống trong địa ngục mà không biết làm cách nào để thoát ra được. Những hôm trời nắng hoặc nước xả thải từ phía trên chảy về thì chúng tôi ngoại trừ có việc quan trọng, còn lại cũng chẳng ai dám ra khỏi nhà. Thậm chí việc mở hé cửa cũng chẳng thể làm được” – ông Trương Văn Huy (phố Cầu Bây, Gia Lâm) cho biết.
Chịu mùi hôi thối đến mức thành… quen, nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất mà người dân sống gần sông Cầu Bây phải gánh chịu. Nhiều hộ dân cho biết nước sông Cầu Bây đã ô nhiễm đến cực điểm, nhưng nguồn nước này vẫn đang tiếp tục cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu. Thậm chí không ít gia đình ở xã Đa Tốn hiện nay vẫn đang dùng nguồn nước ngầm gần con sông ô nhiễm này để phục vụ sinh hoạt.
“Ban đầu, dùng nước sông để tưới tiêu, chúng tôi phải đưa nước lên, dùng một số biện pháp thủ công xử lý nước cho đỡ ô nhiễm. Nhưng đến bây giờ, nước sông đã không có cách nào khắc phục được. Chính quyền xã vận động người dân đào giếng khoan để phục vụ cho việc tưới tiêu, nhưng cũng chẳng được bao lâu vì nguồn nước ngầm cũng đã bị ô nhiễm. Nhiều vụ lúa, người nông dân đã bị thất thu nặng nề vì không có hạt. Cây trồng thì còi cọc. Ảnh hưởng nghiêm trọng là thế nhưng nhiều năm qua vẫn không đơn vị nào có hành động gì thiết thực để “cứu” người nông dân cả”. – bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Đa Tốn) bức xúc nói.
Người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ô nhiễm sông Cầu Bây có lẽ là anh Nguyễn Văn Đông (thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn). Là người có nghề nuôi cá “gia truyền”, nhưng anh Đông vẫn không có cách nào để cứu được đầm cá rộng hàng ngàn mét vuông của mình. Đầm cá của anh Đông nằm cách sông Cầu Bây khoảng vài trăm mét. Ban đầu, chỉ là vài con cá bị chết, theo thời gian, cá trong đầm của anh Đông theo nhau bị bệnh, chết dần chết mòn.
Từ mấy tháng nay, công việc của anh Đông chỉ là dậy vớt cá chết trên đầm vào mỗi buổi sáng sớm. Hoàn toàn bất lực trước đầm cá gián tiếp bị ô nhiễm từ sông Cầu Bây, anh Đông đang tính tìm cho mình một nghề mới để làm. Nghề nuôi cá vốn tạo thu nhập dư giả cho gia đình anh bây giờ “hết cửa” phát triển ở đất Đa Tốn.
Cũng chung hoàn cảnh như anh Đông, rất nhiều hộ dân ở 2 bên bờ sông Cầu Bây đã phải tính tìm cho mình một công việc khác để làm vì với tình hình hiện tại, việc phát triển nông nghiệp là điều bất khả thi.
|
Một góc sông Cầu Bây ô nhiễm. |
Chính quyền đá bóng trách nhiệm?
Sông Cầu Bây có dấu hiệu trở thành con sông Tô Lịch thứ 2 của Hà Nội khi việc ô nhiễm đã lâu và gần như cũng bị bỏ mặc. Dù nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu Bây chính từ Khu công nghiệp Sài Đồng B, là điều mà các cấp các ngành không ai không biết. Khu công nghiệp này đi vào sử dụng từ năm 1998, tính đến nay đã hơn 16 năm, nhưng điều kỳ lạ là ở đây vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn để phục vụ cho hàng chục cơ sở sản xuất. Và cứ như thế, nước thải được đổ trực tiếp xuống sông Cầu Bây, và hậu quả thì chỉ có người dân 2 bên sông phải gánh chịu.
Nguyên nhân “gây bệnh” rõ mồn một, nhưng “bệnh” mãi vẫn không thể chữa được, khi trách nhiệm “chữa bệnh” luôn được chuyển giao từ cơ quan này sang cơ quan khác. Ông Trần Đức Điền (Chủ tịch UBND xã Đa Tốn) cho biết: “Người dân cũng đã có nhiều phản ánh và gửi đơn lên cho chính quyền. Vấn đề này chúng tôi không thể tự xử lý được mà phải báo cáo với cấp trên. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy là việc xử lý ô nhiễm ở sông Cầu Bây là rất khó”.
|
Ông Nguyễn Văn Hợi (Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Gia Lâm) cho rằng mặc dù huyện Gia Lâm là nơi chịu hậu quả nặng nề nhưng nguồn cơn của sự ô nhiễm là Khu công nghiệp Sài Đồng B lại nằm ở quận Long Biên nên chính quyền huyện này không thể tự giải quyết được. Điều đó đã tạo khó khăn cho việc xử lý ô nhiễm.
Hiện tại, chỉ có vài cách xử lý tạm thời, trong thời gian vừa qua Sở NN& PTNT Hà Nội đã cho tiến hành nạo vét hơn 7km sông Cầu Bây chảy trên địa bàn huyện Gia Lâm để khơi thông dòng chảy. Cách giải quyết này hiệu quả không cao vì chỉ hạn chế được phần nào lượng nước thải công nghiệp xả ra sông từ Khu công nghiệp Sài Đồng B.
Việc xử ô nhiễm nghiêm trọng sông Cầu Bây đã được Sở TN&MT Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý các KCN & Chế xuất Hà Nội chủ trì. Qua đó, đơn vị này sẽ phối hợp với các đơn vị, các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đầu tư, xây dựng và lặp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Sài Đồng B.
Đề nghị trên đã có từ năm 2012, tạo niềm hi vọng cho hàng vạn hộ dân sống dọc theo 2 bờ sông Cầu Bây. Tuy nhiên, cuối cùng, tất cả cũng chỉ nằm trên giấy, có chăng những hành động cũng rất đơn lẻ, không tạo ra hiệu quả gì. Hệ quả là sông Cầu Bây ngày càng bị Khu công nghiệp Sài Đồng B gây ô nhiễm trầm trọng thêm.
Một tín hiệu khá “lạc quan” là cuối cùng, năm 2013, tức là sau gần 15 năm, cuối cùng những công ty gây ô nhiễm sông Cầu Bây chủ yếu nằm trong Khu công nghiệp Sài Đồng B cũng đã bị xử lý. Thông tin từ Thanh tra Sở TN&MT cho thấy có tất cả 33 công ty bị “sờ gáy”, 16 doanh nghiệp bị lập biên bản với số tiền phạt là 600 triệu đồng. Tức là trung bình mỗi doanh nghiệp đóng chưa đến 40 triệu tiền phạt, cho rất nhiều năm gây ô nhiễm.
Được biết, UBND TP Hà Nội hiện đã đồng ý chủ trương giao Công ty đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội triển khai nghiên cứu lập dự án cải tạo sông Cầu Bây. UBNDhuyện Gia Lâm cũng đang lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm cải thiện dòng sông này.
Liệu sông Cầu Bây có biến thành một con sông Tô Lịch khác, khi chính quyền các cấp vẫn chưa thực sự “động tay”, và quả bóng trách nhiệm vẫn bị đá qua đá lại qua nhiều đơn vị. Có lẽ rất lâu nữa mới có câu trả lời, vì theo quan sát, con mương nhỏ chảy quanh khu công nghiệp này ô nhiễm đã lâu, người dân cũng đã phản ánh nhiều nhưng còn chưa giải quyết nổi, huống chi là cả một dòng sông?