“Khu công nghiệp xanh”, mô hình nhân văn "cứu" đất khô cằn

Dự án “Doanh nghiệp phát triển thân thiện với môi trường” của Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Shinec đã khiến những mảnh đất tưởng như khô cằn trở nên giá trị hơn...

Dự án “Doanh nghiệp phát triển thân thiện với môi trường” của Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Shinec đã khiến những mảnh đất tưởng như khô cằn trở nên giá trị hơn...

Năm 2008, Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Shinec (Cty CNTT Shinec) thực hiện xây dựng KCN Nam cầu Kiền giai đoạn 1 rộng 268,32 ha trên địa bàn bốn xã Kiền Bái, Lâm Động, Hoàng Động, Thiên Hương thuộc huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.

Theo tính toán sơ bộ, khi KCN Nam Cầu Kiền được triển khai, vùng dự án có tới 10.779 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, có 4.993 lao động chưa thể bố trí được việc làm cùng hàng chục ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do hệ thống thủy lợi bị xáo trộn… Nhiều nông dân đã cho rằng, KCN đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của họ.

Để giải quyết bài toán lao động nông thôn, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất, Cty CNTT Shinec đã cùng các cấp chính quyền địa phương nghiên cứu các mô hình nông thôn mới có thể áp dụng vào tình hình thực tế của từng thôn, từng xã.

Theo đó, DN mời các chuyên gia nông nghiệp về nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu để quyết định giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với thực tiễn. Ban đầu, đã có 33 hộ gia đình bị thu hồi đất trên 4 xã được Cty CNTT Shinec chọn làm mô hình thí điểm, hỗ trợ về kỹ thuật.

Để khai thác có hiệu quả cao nhất 5 sào đất nông nghiệp còn lại trên xứ đồng bị ngập úng, các chuyên gia đã hướng dẫn gia đình ông Hoàng Minh Trọng ở xã Thiên Hương chuyển từ trồng lúa sang đào ao thả cá vàng, cá đỉnh hồng, diện tích còn lại được xây dựng chuồng trại nuôi gà, lợn. 3 sào vườn tạp còn lại của gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở xã Hoa Động được “quy hoạch” thành ao cá, trên là vườn chuối….  

Sau thời gian ngắn, mô hình kinh tế mới đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, trêm một sào đất, người dân đã thu nhập từ 35-50 triệu đồng, thậm chí có hộ nông dân có thu nhập lên tới 120 triệu đồng, mức thu nhập còn cao hơn trước khi những mảnh ruộng liền kề chưa bị thu hồi.

Thành công trong việc biến những thửa ruộng quanh KCN tưởng như bỏ đi thành những mảnh vườn cao sản, phủ xanh môi trường vốn đang bị các KCN bê tông hóa hàng ngày đã cho thấy tính khả thi, dễ triển khai trong hoàn cảnh thực tế mỗi gia đình, mỗi địa phương. Việc “xanh hóa” đồng ruộng với mô hình gia trại của Cty CNTT Shinec còn giảm bớt gánh nặng về công ăn việc làm cho người dân địa phương, mở ra hướng giải quyết mới về lao động cho các địa phương có nhiều đất bị thu hồi.

Theo ông Phạm Hồng Điệp – Tổng giám đốc Cty CNTT Shinec, Chủ đầu tư dự án Nam cầu Kiền, Dự án DN cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân phát triển mô hình gia trại không chỉ xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương sau khi thu hồi đất mà cũng xuất phát một phần từ nhu cầu thực tế của KCN.

Ông Điệp phân tích: Khi KCN Cầu Kiền được lấp đầy, tại đây sẽ thường xuyên sử dụng tới 20.000 lao động, một “thị trường” tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không nhỏ. Người dân quanh KCN phát triển mô hình gia trại sẽ hình thành mạng lưới thương mại, cung cấp thực phẩm cho các KCN, hỗ trợ trở lại cho các KCN.

Kinh tế hộ gia đình phát triển, vườn cây, ao cá… có thể là điểm đến lý tưởng sau những ngày lao động của công nhân trong KCN, mối quan hệ gữa nhà nông với người công nhân trở lên khăng khít, ruộng vườn có thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai không xa.

Xác định mục tiêu xây dựng KCN thân thiện môi trường, hệ thống xử lý nước thải KCN Nam Cầu Kiền được đầu tư hiện đại đồng bộ, nước thải trong KCN sau xử lý có thể tái cung cấp cho hộ gia đình làm nguồn nước tưới tiêu, phục vụ một phần nhu cầu sử dụng nước của người dân trong vùng. Ngoài ra, trong quy hoạch chung của KCN, chủ đầu tư đã dành diện tích thỏa đáng xây dựng các giải cây xanh, giúp cho việc điều hòa môi trường theo hướng tự nhiên.

Ồng Phạm Hồng Điệp cho biết: thành công bước đầu của việc giúp người nông dân quanh KCN từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi tập quán là tiền đề để tiến tới mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Để xây dựng mối liên kết bền vững, tới đây, Cty CNTT Shinec sẽ cùng người dân xây dựng mô hình công ty cổ phần. Trong đó, người nông dân sẽ là cổ đông chính. DN sẽ bảo trợ cung ứng vật tư, kiểm soát chất lượng, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Phạm Hằng

Đọc thêm