Nghề hốt bạc triệu mỗi ngày
Mùa khô hạn kéo dài ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên khiến nguồn nước trở nên khan hiếm. Điều này khiến nhu cầu đào giếng, khơi nước của người dân đột ngột tăng nhanh. Với những thợ lâu năm trong nghề, mỗi ngày họ có thể kiếm được 1 – 2 triệu từ tiền công đào giếng.
Hàng ngày, anh Lê Văn Nghĩa, (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cùng 2 người anh em là Trung và Hoàng thường cất công dậy từ 5 giờ sáng, vác xuổng (dụng cụ chuyên đào, khoét đất – PV) đi khắp thị trấn để hành nghề đào giếng, khơi nước cho các hộ gia đình.
Trung chia sẻ: “Thường người dân chỉ có nhu cầu vào ngày đầu mùa hè, cũng là lúc thời điểm khô hạn bắt đầu. Trong mùa khô năm nay, đội của tôi đã bắt đầu công việc được hơn một tháng. Trung bình mỗi tuần khơi nước thành công một giếng nông. Thù lao đem lại sau mỗi công trình từ 5 – 10 triệu đồng”.
Theo đó, công đoạn xác định điểm mạch nước ngầm với người thợ là quan trọng nhất. Những người có thâm niên trong nghề làm nhanh hơn do họ biết xác định nơi có địa hình đất xốp dễ đào, tránh được khu vực có đá ngầm. Đội của Trung thường mất từ 5 – 7 ngày để tìm và khơi thành công mạch nước ngầm mới.
Bên cạnh việc có thể “kiếm đậm” từ khơi giếng mới, công việc nạo vét bùn, thông mạch giếng cũ cũng được xem là nhàn hạ và hái ra tiền của cánh thợ đào giếng.
Nói về việc thông mạch nước, cải tạo giếng cũ anh Hoàng hồ hởi: “Nạo vét bùn và thông mạch giếng cũ chỉ mất một ngày, lâu nhất là hai ngày nhưng thù lao cho mỗi lần làm là 1 – 2 triệu đồng, bao ăn uống cả ngày. So với việc đào giếng mới, công việc khơi thông mạch nước cũ nhẹ nhàng và dễ kiếm tiền hơn nhiều”.
Đào giếng là nghề thời vụ, luôn rình rập nguy hiểm. |
Khu vực Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nhu cầu đào giếng, khơi nước nơi đây khá cao so với các địa phương khác. Trung bình, mỗi gia đình thường thuê đào từ 2 – 3 giếng để khơi nước, tưới tiêu cho cây.
“Người dân sẽ tiết kiệm được khoản tiền lớn nếu họ đào giếng thay vì trông chờ vào nguồn nước máy, họ cũng không phải lo chuyện thiếu nước trong giờ cao điểm. Việc đào giếng giúp người dân sử dụng nguồn nước trong mát miễn phí gần như vĩnh viễn, nhưng nếu họ trông chờ vào nguồn nước máy thì họ phải mất thêm một khoản tiền lớn hàng tháng để chi trả cho hóa đơn thanh toán tiền điện nước” – anh Nghĩa cho hay.
Tiết lộ mánh khóe của dân trong nghề
Sau lần theo chân thực tế những người thợ “xông đất” âm phủ, chúng tôi biết thêm một số mánh khóe “móc túi” người dân của họ. Theo đó, trước mỗi lần đi khảo sát nền đất để tìm đúng nơi có mạch nước ngầm, địa tầng ổn định để tiến hành đào giếng những người thợ thường kêu khó về địa chính với gia chủ để tăng thêm tiền công.
Theo chân Trung đến khảo sát nền đất để đào giếng tại một gia đình thuộc (xã Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), sau một hồi đào đất để khảo sát nền địa tầng, Trung đột ngột dừng tất cả rồi nói với chủ nhà nền đất quá mềm, xốp khiến người đào giếng dễ gặp nguy hiểm.
Dĩ nhiên, nếu tiền công tăng thêm 300.000 – 500.000 đồng (nghĩa là tăng từ 2 triệu đồng lên 3 triệu đồng - PV) thì mọi chuyện đều ổn cả.
Trong quá trình thực nghiệm cùng đội xây, anh Tình, một thợ lành nghề chia sẻ thêm: “Trong trường hợp không tăng được giá thêm họ sẽ kéo dài thời gian đào giếng để tăng tiền công. Riêng việc kéo dài thời gian đào giếng, khơi nước hai ngày cũng sẽ kiếm thêm được ít nhất 200.000 đồng”.
Bên cạnh những “mánh” trên, những người thợ thường đào chệch mạch nước ngầm đôi chút để... than khó với gia chủ. Sau đó họ buộc gia chủ phải trả thêm tiền công đào giếng. Với việc khơi mạch giếng cũ, những người thợ thường lấy lý do nguồn nước trong mạch bị “tịt” nên phải làm nhiều ngày mới có thể khai thông.
Hoặc, cũng với lý do mạch nước đã quá cũ, nước ăn không đảm bảo, không thể khai thác thêm để ép chủ nhà đào giếng mới.
Theo anh Trung, khu vực Đắk Lắk giá cao hơn do khó tìm mạch nước ngầm, khi đào đất rất hay vướng nhiều tảng đá lớn, nguồn nước ngầm ở sâu dưới lòng đất nên tốn rất nhiều công sức.
Sau khi đào đến độ sâu khoảng 4 mét, nếu người thuê có nhu cầu đào sâu thêm mạch nước thì phải trả tiền triệu mỗi mét đất./.