Kiếm hiệp Kim Dung: Đông Tà Hoàng Dược Sư, cao thủ hoàn mỹ nhất nhì trong thiên hạ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bộ Anh hùng xạ điêu, có một nhân vật luôn ở giữa ranh giới giữa chính và tà, ai cũng phải bái phục bởi trí tuệ, võ công của người này, đó chính là Đông Tà Hoàng Dược Sư, một trong những Thiên hạ ngũ tuyệt, đảo chủ đảo Đào Hoa. 
Nhân vật Đông Tà Hoàng Dược Sư là cao thủ hoàn mỹ nhất nhì trong thiên hạ.
Nhân vật Đông Tà Hoàng Dược Sư là cao thủ hoàn mỹ nhất nhì trong thiên hạ.

Đại trí, đại tuệ

Ngay từ khi xuất hiện trong bộ “Thần điêu đại hiệp”, Hoàng Dược Sư đã được giới thiệu là một người có trí tuệ thông minh đệ nhất thiên hạ, không ai sánh nổi.  Nói về Hoàng đảo chủ, có thể gói gọn lại trong 8 chữ “cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi”. Ông không chỉ giỏi về cầm, kỳ, thi, họa mà cả y bốc tinh tướng, toán số thao lược, ngũ hành kỳ môn đều là đệ nhất.

Kim Dung không để nhiều “đất diễn” cho Hoàng Dược Sư thể hiện trí tuệ của mình, nhưng sự thông tuệ của Hoàng Dung đã gián tiếp thể hiện điều đó bởi tất cả những gì nàng học được cũng từ cha mình. Ví như việc hồi còn bé, thi thoảng nàng được “nghe lỏm” cha nói chuyện văn thơ, bình luận về sách vở, thánh hiền. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để nàng “khua môi múa mép” trước bàn dân thiên hạ, khiến bao vị nho sinh “có sừng có mỏ” cũng phải bái phục. 

Chỉ được "nghe lỏm" cha bình sách, nói chuyện văn chương mà kiến thức của Hoàng Dung đã khiến Thừa tướng Đại Lý Chu Tử Liễu phải ngiêng mình thán phục. Chu Tử Liễu chính là một trạng nguyên, nổi tiếng về chữ nghĩa ở đất nước Đại Lý ở phương Nam. Cũng với trí thông minh siêu việt của mình, Hoàng Dung đã dùng mưu dẫn Quách Tĩnh vượt qua bốn cửa ải  Ngư - Tiều - Canh - Độc, là 4 đệ tử nổi danh của Nhất Đăng đại sư, khiến họ dẫu có tức nhưng không biết làm gì. 

Về “số học”, Hoàng Dung cũng được cha nàng, một người mà giang hồ gọi với ngoại hiệu “Thần toán tử”. Hoàng Dung có lần còn dạy cho Anh Cô một bài học về làm toán. Hoàng Dung đã như thế, Hoàng Dược Sư còn giỏi biết chừng nào. Một tài năng hiếm có nữa của Hoàng Dược Sư và được Kim Dung nhắc đến nhiều nhất đó là ngũ hành, bát quái. Đây được coi là tuyệt học của Hoàng Dược Sư.

Đông Tà Hoàng Dược Sư tại đảo Đào Hoa.
Đông Tà Hoàng Dược Sư tại đảo Đào Hoa. 

Đảo Đào Hoa của ông là một hòn đảo đẹp đẽ, chốn thần tiên trên đời, nhưng với môn tuyệt học của mình, ông đã biến nơi đây thành hiểm địa, cao nhân trong thiên hạ hay kẻ phàm tục cũng vậy, khi vào đảo rồi thì không thể ra được bởi cây cối, đường lối nơi đây được sắp xếp theo các trận pháp biến hóa. Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông võ công cao cường là vậy, nhưng vẫn bị Hoàng Dược Sư giam cầm trên đảo. Cách giam cầm của Hoàng Dược Sư tinh diệu đến mức ông giam cầm Chu Bá Thông với phương pháp… chẳng làm gì cả. Ông cứ để họ Chu ở trên đảo, 15 năm trôi qua, Chu Bá Thông cũng chẳng cách nào tìm được lối ra. 

Về các môn nghệ thuật, có vẻ trên đời cũng khó ai hơn được Hoàng Dược Sư. Ông là một thiên tài về âm nhạc, nổi tiếng với khúc “Bích hải triều sinh khúc”. Đây là khúc nhạc mà khi thổi lên, người nghe cảm nhận được biển cả mênh mông, vạn dặm êm đềm nhưng còn đó là sự ma mị, quỷ quái. Ngoài ra, khi vào đảo Đào Hoa, người ta cũng gặp rất nhiều tranh vẽ, câu đối đặc sắc, là những sáng tác của Hoàng đảo chủ.

Cuối cùng là về chữ “dược” trong cái tên Hoàng Dược Sư. Cái tên này không phải ngẫu nhiên mà có, mà là bởi sự tinh thông về y thuật của Hoàng đảo chủ. Ví như Cửu hoa ngọc lộ hoàn, do ông chế ra với các loại dược liệu đặc biệt của mình. Đây được coi là thánh dược, có khả năng cải tử hoàn sinh. Khi Nhất Đăng đại sư bị tổn thương nội lực trầm trọng vì chữa bệnh cho Hoàng Dung, chỉ nhìn thấy viên thuốc ấy ông đã mừng rỡ vì biết rằng chỉ cần một viên, thay vì 3 năm điều trị, thời gian được rút xuống còn 3 tháng. 

Võ công cao cường

Sinh thời, người trong thiên hạ không ưa Hoàng Dược Sư, gắn tên ông bởi chữ “Tà”. Ông có tính cách vô cùng quái dị, ghét nói chuyện nhân nghĩa, ghét khuôn phép, lề lối, coi thường những kẻ chữ nghĩa mà hành xử theo kiểu “ta thích làm thì làm”. Bởi vậy, mọi giới hạn, khuôn phép đều bị ông vượt qua không thương tiếc.

Thậm chí khi bị đặt điều, vu oan ông cũng chẳng thèm quan tâm, phân bua vì trong mắt ông, chẳng ai ra gì. Ông kiêu ngạo, ngông cuồng như vậy không phải bởi trí tuệ siêu phàm của mình, mà bởi võ công của ông cũng là đệ nhất thiên hạ, chẳng ai dám làm gì ông cả. 

Ở cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất để phân tranh ngôi vị võ lâm đệ nhất thiên hạ, Hoàng Dược Sư là một trong 5 người được mời dự. Sau cuộc luận kiếm này, cái danh xưng Thiên hạ ngũ tuyệt xuất hiện, Hoàng Dược Sư là một trong 5 người đó. Mặc dù Trung Thần Thông Vương Trùng Dương mới được coi là đệ nhất, nhưng Giáo chủ Toàn Chân giáo cũng phải nể Đông Tà một phần.

Thật ra mà nói, với Vương Trùng Dương có Tiên thiên công, Bắc Cái Hồng Thất Công có Hàng long thập bát chưởng, Tây Độc Âu Dương Phong có Cáp mô công, Nam đế Đoàn Trí Hưng (sau này đổi là Nhất Đăng đại sư) có Nhất dương chỉ thì Đông Tà Hoàng Dược Sư chẳng có môn võ công nào được xếp vào hàng tuyệt kỹ trong thiên hạ. Nhưng những người kia được các bậc tiền bối truyền thụ, hoặc võ công gia truyền, còn môn võ Đàn Chỉ thần thông, Lạc Anh kiếm pháp… thì đều do Hoàng Dược Sư sáng tạo ra.

Đây cũng là những môn tuyệt kỹ mà chẳng ai dám xem thường. Ví như Đàn Chỉ thần thông – một môn võ công vô cùng đẹp mắt, đòi hỏi sự tinh tế ở người sử dụng.  Khi búng một viên đá đi nhưng nó lại hàm chứa rất nhiều tinh túy. Người luyện phải tập trung nội lực vào ngón tay, không quá nhiều làm viên đá vỡ nát và cũng không quá ít mà làm trượt mục tiêu. Cái tài của Hoàng Dược Sư là vậy, khác với những người khác và cũng chẳng ngoa khi xếp ông đứng cạnh các cao nhân khai môn lập phái bởi ở họ có một điểm chung là đều tự nghĩ ra một môn tuyệt học cho riêng mình. Đó không chỉ là năng khiếu, là căn cơ của người học võ, mà còn là một sức sáng tạo khôn lường. 

Ở các cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3, khi “sóng sau đè sóng trước”, trong thiên hạ xuất hiện nhiều cao thủ võ lâm thì Hoàng Dược Sư vẫn có chỗ đứng trong Thiên hạ ngũ tuyệt dù đã cao tuổi. Sau này, có thêm Chu Bá Thông cũng là người sáng chế ra 2 bộ Không minh quyền và Song thủ hỗ bác, nhưng để thuộc hàng đệ nhất, họ Chu vẫn phải nhờ vào Cửu âm chân kinh mà mình luyện được. Trong khi đó Hoàng Dược Sư vẫn chỉ trung thành với các tuyệt học của ông. 

Trong các cuộc tỉ võ, Hoàng Dược Sư nổi tiếng với việc đấu ngang ngửa với Toàn chân thất tử, là nhóm 7 đồ đệ của Vương Trùng Dương. 7 người kia đều võ công cái thế, nhưng cũng chỉ đấu ngang ngửa với Hoàng Dược Sư. Ngoài con gái Hoàng Dung, sau này trở thành Bang chủ Cái bang, Hoàng Dược Sư cũng đã truyền thụ cho nhiều đệ tử. Dù thời gian truyền thụ không phải là quá dài, nhưng các đệ tử của Hoàng Dược

Sư đều khiến võ lâm phải khiếp sợ với trình độ võ công cao cường. Như cặp đồ đệ Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong, chỉ mới học được võ ngoài võ công sư môn nhưng đã hoành hành thiên hạ, được giang hồ gọi với ngoại hiệu “Hắc phong song sát”. Các đệ tử như Lục Thừa Phong, Khúc Linh Phong cũng làm rạng danh võ công Đào Hoa đảo dù hai chân đã bị sư phụ đánh gãy, trở nên tàn phế. Trong những năm tháng cuối cùng, Hoàng Dược Sư dạy dỗ con gái Khúc Linh Phong.

Đây là cô gái ngớ ngẩn, tâm trí chậm chạp, chỉ như đứa trẻ lên 3, nhưng Hoàng Dược Sư vẫn biết cách truyền thụ để cô gái này có thể đấu ngang ngửa với không ít cao thủ võ lâm. 

Đọc thêm