Kiếm hiệp Kim Dung - (Kỳ 12): Hư Trúc, nhân vật gieo nhân thiện gặt quả lành

(PLVN) - Nhân vật Hư Trúc trong bộ Thiên Long bát bộ có lẽ là một trong những “vai chính” đặc biệt nhất trong các tác phẩm của nhà văn Kim Dung. Một người tầm thường, chẳng có gì ngoài lòng từ bi nhưng cuối cùng lại có được tất cả. Chàng là tiêu biểu cho quy luật “gieo nhân nào, gặt quả đấy” mà Kim Dung muốn gửi gắm. 
Nhân vật Hư Trúc (bìa phải) trong phim Thiên Long bát bộ.


* Kỳ 11: Kiếm hiệp Kim Dung: Bí ẩn Kiếm ma “Độc Cô cầu bại”

* Kỳ 10: Kiếm hiệp Kim Dung: Vì sao giai nhân Quách Tương cứ dần mờ nhạt trên núi Nga My?

Con người của kỳ duyên

Các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung đều gắn với những cơ duyên nào đó để trở thành cao thủ võ công. Dương Quá vô tình gặp thần điêu, Lệnh Hồ Xung gặp được Phong Thanh Dương, Trương Vô Kỵ tìm được bộ Cửu dương chân kinh…

Tuy vậy, nếu xét tất cả các bộ võ hiệp, không ai có nhiều cơ duyên như nhân vật Hư Trúc trong Thiên long bát bộ. Từ một hòa thượng tầm thường, cả về võ công lẫn địa vị trong chùa Thiếu Lâm, vậy mà trên chặng đường phiêu lưu của mình, những kỳ duyên liên tiếp đến với chàng, thậm chí chàng còn miễn cưỡng nhận lấy. Hư Trúc trở thành nhân vật không chỉ có võ công thượng thừa, thuộc hạng nhất, nhì thiên hạ mà còn nắm giữ rất nhiều quyền lực, thậm chí trở thành phò mã của một cường quốc. 

Nhân vật Hư Trúc xuất hiện từ đầu vô cùng mờ nhạt, thậm chí độc giả có thể quên ngay nhà sư này chỉ sau một vài lần xuất hiện. Chưa kể, đây chỉ là một vị hòa thượng thật thà, hơi có phần ngốc nghếch, lại thiếu sự trải đời. Võ công thì quá đỗi tầm thường, chỉ đi theo giúp việc các sư thúc, sư bá như Huyền Khổ, huyền Nạn…

So với các đồng môn, Hư Trúc cũng chẳng có gì nổi bật, cùng lắm thì là ngoại hình thô kệch, xấu xí của mình. Tựu chung lại, Hư Trúc xuất hiện một cách thầm thường, thậm chí dưới mức trung bình, khác hẳn sự xuất hiện của những Đoàn Dự (vương tử), Kiều Phong (Bang chủ Cái bang)… Điểm nổi bật của Kim Dung là lòng nhân từ, và cũng vì điều đó mà cơ duyên đầu tiên đến với chàng. Đi một nước cờ vu vơ cốt chỉ để cứu tên đại ác Đoàn Diên Khánh, Hư Trúc tình cờ giải được thế cờ Trân Lung mà 30 năm nay chưa ai giải nổi. 

Hư Trúc là Chưởng môn phái Tiêu Dao. 

Ở trên núi Đoàn Dự, Mộ Dung Phục hay Cưu Ma Trí, những người trí tuệ hơn Hư Trúc rất nhiều cũng phải chịu bó tay. Từ đó, Hư Trúc có cơ duyên thứ hai, trở thành Chưởng môn phái Tiêu Dao, được Vô Nhai Tử (người nghĩ ra thế cờ Trân Lung) truyền cho nội công 70 năm ông tu luyện. Hư Trúc từ một kẻ yếu ớt, bỗng chốc trở thành người có công lực mạnh nhất nhì thiên hạ. 

Những chặng đường phiêu lưu tiếp theo, cơ duyên lại nối tiếp cơ duyên. Vì lòng nhân từ, Hư Trúc cứu cô bé bị 36 động chủ và 72 đảo chủ toan giết, ai ngờ đó là Thiên Sơn đồng mỗ khét tiếng tàn ác. Sau đó, chàng được (chính xác là bị ép) Thiên Sơn đồng mỗ dạy võ công thượng thừa như kinh công, Tiêu vô tướng công hay Thiên Sơn chiết mai thủ… Sau khi bị Thiên Sơn đồng mỗ mang đến hầm băng ở dưới hoàng cung nước Tây Hạ, chàng bị ép chung chăn gối với một cô gái không rõ mặt, không rõ lại lịch mà chàng gọi là “mộng cô”.

Không ngờ, cô gái đó chính là công chúa nước Tây Hạ. Chàng được (lại bị ép) trở thành chủ nhân Linh Thứu Cung, lại thu nạp nội lực cả đời của hai cao thủ hạng nhất là tỉ muội đồng môn Thiên Sơn đồng mỗ và Lý Thu Thủy. Nhờ giải được Sinh Tử phù, Hư Trúc cứu mạng cả thảy 108 vị động chủ, đảo chủ và được họ tôn lên làm chủ nhân. Cuối cùng, chàng học thêm được nhiều võ công trong Linh Thứu cung. Như vậy, chàng trở thành người có tất cả mọi thứ, từ địa vị, danh vọng cho đến gia thất. 

Luật nhân – quả

Thật ra, Hư Trúc là người có nhiều kỳ duyên. Nhưng theo một cách rất lo-gic, căn nguyên của những kỳ duyên đó đến từ cái tâm lương thiện của chàng. Là đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, được chùa Thiếu Lâm nuôi dưỡng, vì thế từ nhỏ Hư Trúc đã được nuôi dưỡng trong một môi trường luôn hướng con người đến điều thiện. Tuy nhiên, môi trường là chưa đủ, bởi một phần còn do bản tính con người. Thí như đại pháp sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí đó thôi, cũng là người nhà Phật, thường xuyên đăng đàn thuyết pháp nhưng lại không thoát khỏi những sân, si của chốn hồng trần. 

Với Hư Trúc lại khác. Chàng luôn quên mình để cứu người. Không kể đến hậu hoạn để cứu Đoàn Diên Khánh. Đoàn Diên Khánh có chết cũng chưa hết tội, mọi người đều hiểu điều đó. Nhưng Hư Trúc vẫn cứu, bởi với chàng, việc cứu người mới là quan trọng, bất kể đó là ai. Rồi cứu Thiên Sơn đồng mỗ, Lý Thu Thủy, các đảo chủ, động chủ… cũng vậy, hoàn toàn từ cái tâm mà có so đo, tính toán. Đến việc uống nước, chàng cũng phải khấn nguyện vì chàng được biết trong nước có những con vi trùng vô tội. Cái tâm đó là cái tâm của người hướng thiện.

 

Hư Trúc cũng đã phá giới, không chỉ là một giới mà nhiều giới của Phật gia. Chàng uống rượu, ăn mặn và thậm chí là phạm cả “dục giới”. Nhưng ở đó, ai trách được Hư Trúc khi chàng luôn có ý thức giữ mình và bị ép buộc một cách quá đáng, chính bản thân chàng muốn vùng cũng không thể vùng ra được.

Chuyện với “mộng cô”, đó là bản năng tự nhiên của một người đàn ông, cũng khó trách, nhất là khi Hư Trúc đang trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê. Chàng là vàng đấy, nhưng thất bại trong việc thử lửa, bởi vàng vẫn còn non, chưa được tôi luyện, trong khi lửa thì quá lớn. Cũng khó mà trách được, một tăng nhân 18, đôi mươi chưa từng rời khỏi chùa, nay lại phải đối mặt với quá nhiều chướng ngại trên chốn giang hồ. Và ngay bản thân Hư Trúc cũng vô cùng dằn vặt, khổ tâm về việc phạm giới của mình, thậm chí tìm đến cái chết nhưng nhưng không thành.

Những lần quên mình cứu người, cái tâm thiện lương và những kỳ duyên là tổng hòa các yếu tố biến một tăng nhân thiếu lâm tầm thường thành người có võ công đệ nhất thiên hạ, quyền lực vô song. Chữ “Hư” trong cái tên của chàng có lẽ cũng là một triết lý mà Kim Dung gửi gắm. Hư, là hư, là không. Tại bàn cờ Trân Lung, khi mọi người chơi đều có kỳ nghệ xuất chúng trong thiên hạ, và trong đầu cũng có quá nhiều ý niệm, tham vọng.

Các tham vọng đó đã khiến họ bị mê hoặc trong thế cờ khó lường, biến ảo. Hư Trúc đặt quân cờ mà không hề có một chút tính toán, cũng chẳng biết tí gì về cờ. Con cờ đó là con cờ đặt vào hư không, nhưng lại đúng vị trí. Và trong tâm trí của chàng khi đặt quân cờ vào bàn, cũng là hư, là không, chẳng có một ý niệm gì cả, chỉ là phản xạ cứu người của một người tốt. Là “hư” nhưng từ cái chết tìm được đường sống. 

Cũng là “hư”, là “không”, cho nên về căn bản, Hư Trúc chẳng có tí nội công nào cả. Nếu có thì cũng chỉ là cái vỏ rất mỏng bên ngoài của võ công Thiếu Lâm tự. Từ cái “hư không” đó, Tiêu Dao Tử mới dễ dàng hóa tán nội công của Hư Trúc,  có như thế mới dễ truyền nội công 70 năm của ông vào vị tăng nhân. Thử tượng tượng không phải là Hư Trúc mà là Kiều Phong, Đoàn Dự hay Mộ Dung Phục, làm sao truyền được nội công vào. Và cái “hư không” cuối cùng là từ đôi bàn tay trắng, không có ý niệm về nhân gian, luôn thụ động, không mưu cầu nhưng có tấm lòng lương thiện và cuối cùng có được tất cả. Cái hay của “hư”, “không” là vậy đó!

Đọc thêm