Tuy nhiên, dưới cái nhìn cặn kẽ và có phần nghiêm khắc, đâu đó, trong sự anh hùng, Kiều Phong vẫn có nhiều điều đáng chê trách, và đó cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến bi kịch của ông.
Anh hùng hảo hán
Nhân vật Kiều Phong xuất hiện ngay đầu truyện đã là hình ảnh của một hảo hán, một trang nam tử, uống rượu như nước và sẵn sàng kết giao với chàng công tử Đoàn Dự bởi mến cái khí khái của con người này. Ở đại hội Cái bang, tất cả những gì đẹp đẽ nhất của Kiều Phong đã được Kim Dung thể hiện. Đầu tiên là việc Cái bang đổ tội giết Mã phó bang chủ lên đầu Cô Tô Mộ Dung.
Lý do là vì họ Mã chết bởi chiêu Tỏa hầu cầm nã thủ, vốn là tuyệt chiêu thành danh của ông. Trong khi nhà Mộ Dung đất Cô Tô lại nổi tiếng với tuyệt kỹ Dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân (gậy ông đập lưng ông), tức là dùng chính võ công của đối phương để giệt đối phương. Tuy nhiên, với Kiều Phong, với những suy xét tỉ mỉ đã nhân ra rằng chừng đó là chưa đủ để kết tội. Cũng ở lần đại hội này, võ công của Kiều Phong được thể hiện khi có thể tay không hạ gục Phong Ba Ác và Bao Bất Đồng, 2 cao thủ đương thời, cũng là đệ tử của Mộ Dung Phục.
Tuy nhiên, Kiều Phong không phải là người chỉ có cái thô lậu của kẻ võ phu, mà còn có cả sự tinh tế và bản lĩnh. Chỉ nhìn sắc mặt của Toàn Quan Thanh, các vụ trưởng lão ông biết Cái bang có biến và không xử lý khéo léo ắt xảy ra đại loạn. Cách xử lý của ông cũng vô cùng chính xác, quyết đoán. Ông lập tức chế phục Toàn Quan Thanh bằng cách âm thầm nắm kinh mạch, bắt quỳ xuống khiến người ngoài nhìn vào cứ tưởng hắn là một kẻ đã nhận tội.
Khi đã dẹp yên được mầm mống nổi loạn, cái khó là bình định nhân tâm và Kiều Phong đã chọn chính tấm thân của mình để chuộc tội cho Tống, Hề, Trần, Ngô 4 vị trưởng lão. Cứ sau những công trạng của mỗi người mà Kiều Phong kể ra, ông lại dùng kiếm đâm lên thân mình, dùng máu rửa tội cho họ. Nếu không phải bậc đại anh hùng, đại hào kiệt, nếu không phải có người biết lấy đại cục làm trên hết thì thử hỏi trong thiên hạ mấy ái dám làm. Chỉ qua những hành động mà ông thể hiện, khiến người ngoài phải cảm phục cái khí phách ấy.
|
Cuộc tình đẫm lệ trái ngang của Kiều Phong – A Châu. |
Tại Tụ Hiền trang, một lần nữa, bản sắc anh hùng của Kiều Phong được thể hiện. Bị người khác coi là Liêu cẩu, là dòng giống Khất Đan, ông dùng chính Thái tổ trường quyền, một môn công phu của Tống Thái Tổ, vị vua sáng lập triều Tống để trấn áp quần hùng. Cũng tại đây, những chén rượu ân oán, của sự đoạn tuyệt nghĩa tình được uống. Và cũng tại đây, một mình Kiều Phong chống lại tất cả cao thủ của tất cả các môn các phái trong thiên hạ.
Một chống lại hàng trăm người, sự thắng thua đã ngã ngũ khi cuộc chiến còn chưa xảy ra. Nhưng ông vẫn lao vào cuộc huyết chiến của sự ân đoạn nghĩa tuyệt đó và gây nợ máu khi không biết bao nhiêu cao thủ chết dưới tay ông. Cái khí phách, sự oai hùng của Kiều Phong thể hiện là ở chỗ đó. Còn về sâu xa, bản chất của cuộc tranh đấu này cũng chỉ bởi một lý do: Cứu A Châu. Nên nhớ, A Châu và Kiều Phong lúc đó vẫn chưa có tình ý với nhau. Nàng lại chỉ là một tì thiếp của Mộ Dung Phúc. Kiều Phong sẵn sàng hy sinh tính mạng đơn giản chỉ để mong thần y Tiết Mộ Hoa ra tay cứu sống A Châu.
Sau này Kiều Phong lại thêm nhiều lần chứng tỏ cái khí khái của bậc đại trượng phu. Ông từ chối tất cả những vinh hoa ở đất Liêu để hai bên Liêu – Tống không xảy ra giao tranh. Cũng chính mối quốc thù giữa 2 bên, buộc ông phải chọn, giữa một nơi là quê hương, một nơi đã nuôi dưỡng ông. Và ông đã lấy cái chết để giải quyết tất cả. Một cái kết buồn cho bậc đại anh hùng.
Không có chữ "nếu"
Mối tình Kiều Phong, A Châu chắc chắn là một trong những mối tình đẹp mà ngang trái nhất trong các bộ võ hiệp của nhà văn Kim Dung. Qua bao hoạn nạn, họ vẫn bên nhau. Kiều Phong không rời A Châu một bước khi nàng bị đả thương. Còn A Châu là người luôn bên cạnh Kiều Phong, là chỗ dựa tinh thần cho chàng trước những bi kịch của cuộc đời, trước những nỗi hàm oan tưởng chừng không bao giờ gột rửa được. Hay nói cách khách, chính A Châu là cơn mưa tưới mát tâm hồn vốn đang khô héo của họ Kiều. Ấy vậy mà cái kết của cuộc tình đấy không thể bi kịch hơn, khi chính A Châu lại chết dưới chưởng của người mình đem lòng yêu thương. Tại sao?
Khi biết rõ thân phận của mình, Kiều Phong đi khắp nơi, tìm đến những người mà ông nghĩ là đã giết hại cha mình, để ông có phận đời côi cút. Vợ chồng Kiều tam gia, gia đình Thiết diện phán quan Đơn Chính, Đàm ông – Đàm bà, Triệu Tiền Tôn… cũng bị uổng mạng cay đắng trên con đường tìm đến vị “đàn anh đứng đầu” của Kiều Phong. Dù Kiều Phong không trực tiếp ra tay, nhưng lấy ai ra để chịu trách nhiệm cho cái chết của họ? Và cái chết của họ càng thương tâm hơn khi Kiều Phong đi báo thù cho một người cha mà ông chỉ nghe qua những lời kể và chưa biết tốt xấu như thế nào.
Có bi kịch nào hơn khi 2 vợ chồng họ Kiều, người nuôi dưỡng Kiều Phong, đại sư Huyền Khổ, người dạy võ công cho chàng với tất cả tình yêu thương bị chết trên con đường Kiều Phong đi báo thù. Và đoạn kết cho tấn bi kịch đó chính là những cái chết này đều do Tiêu Viễn Sơn, cha đẻ của Kiều Phong gây nên. Vậy nếu như Kiều Phong dùng cái sự tinh tế của mình tĩnh tâm lại, bi kịch liệu có xảy ra. Và có phải ông chỉ đi báo thù cho đấng sinh thành, hay đơn giản chỉ là giải quyết những nỗi uất hận trong lòng vì mình “lỡ” mang dòng máu Khiết Đan?
Nhưng bi kịch nhất trong đời Kiều Phong không gì khác ngoài việc ông vô tình ra tay đoạt mạng A Châu. Đây là một sự hiểu nhầm, khi Mã phu nhân nhằm báo thù tình với Đoàn Chính Thuần mà đã dùng mưu để Kiều Phong tin rằng đây chính là “đàn anh đứng đầu”, người giết hại cha mình. Oan nghiệt thay, Đoàn Chính Thuần không ai khác, chính là cha đẻ của A Châu. Khác với Kiều Phong, tìm kẻ giết cha để báo thù, A Châu lại hy sinh tính mạng để cứu cha. Hai người họ đều cùng phận côi cút, nhưng cách hành xử lại khác hẳn nhau. Trên hết, A Châu chịu chết thay cha cũng vì lo họ Đoàn là vương tộc nước Đại Lý.
Nếu Kiều Phong làm hại Đoàn Chính Thuần thì sẽ không thoát khỏi sự báo thù của gia tộc họ Đoàn vốn nổi tiếng trên giang hồ với tuyệt chiêu Nhất dương chỉ. Như vậy, A Châu hy sinh tính mạng cũng chỉ vì nghĩ đến Kiều Phong. Vậy Kiều Phong khi đi báo thù, liệu có bao giờ nghĩ đến A Châu. Và báo thù xong rồi, những ngày sau đó làm sao để mang đến cho người mình yêu một cuộc sống yên ổn, tươi đẹp. Chắc chắn là không thể, nhưng Kiều Phong nào có lý đến.
Giữa một một tình đẹp đẽ, với người phụ nữ yêu thương mình hết mực và một mối thù còn rất mơ hồ, cuối cùng Kiều Phong cũng không chọn A Châu. Bi kịch nối tiếp bi kịch, vì Đoàn Chính Thuần không phải là kẻ đại thù, và cái chết của A Châu trở thành oan uổng. Sau đó Kiều Phong cũng phải thừa nhận nếu mình tĩnh tâm suy xét thì đã sớm đoán ra mọi việc. Nhưng chữ “nếu” không thể xoay chuyển được gì nữa. Những bi kịch nối tiếp bi kịch, những trái ngang kia, không phải do Kiều Phong tạo ra thì là ai? Ai chịu trách nhiệm đây?
(Còn nữa)