Kiếm hiệp Kim Dung - (Kỳ 8): Trương Vô Kỵ, con người của những truân chuyên và cơ duyên may mắn

(PLVN) - Trong các nhân vật anh hùng của nhà văn Kim Dung, Trương Vô Kỵ có một cái gì đó rất riêng biệt. Ngoài võ công thượng thừa, lòng nghĩa hiệp, chàng còn có những biến cố trong cuộc đời khá đặc biệt, những cơ duyên chàng gặp được và sự lựa chọn trong tình yêu của Trương Vô Kỵ cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. 
Nhân vật Trương Vô Kỵ.
Nhân vật Trương Vô Kỵ.

Cơ khổ và cơ duyên

Nếu xét về xuất thân trong các nhân vật anh hùng ở các bộ kiếm hiệp Kim Dung, có lẽ chẳng mấy ai qua được Trương Vô Kỵ. Cha chàng là Trương Thúy Sơn, học trò yêu của quái kiệt Trương Tam Phong, chưởng môn phái ngũ đang, một trong Võ Đang thất hiệp. Mẹ của chàng là Đường chủ Thiên Ưng Bang, con gái Bang chủ Ân Thiên Chính (một trong tứ đại hộ pháp của Minh giáo).

Từ nhỏ, chàng được Kim mao sư vương Tạ Tốn nhận là nghĩa tử (con nuôi). Xuất thân thuộc hạng danh gia vọng tộc, với cha, ông ngoại, nghĩa phụ (cha nuôi) đều thuộc hàng đệ nhất cao thủ, thế nhưng cuộc sống của Trương Vô Kỵ lại không phải màu hồng, mà chủ yếu là những năm tháng lênh đênh, cơ khổ. Cha mẹ chàng cùng Tạ Tốn vốn cùng nhau lưu lạc ngoài băng hỏa đảo. 

Ngày chàng sinh ra, cũng vì Tạ Tốn lên cơn điên dại, suýt nữa hại chết chàng. Năm tháng tuổi thơ sống trên băng hỏa đảo cùng cha mẹ và nghĩa phụ. Sau này, khi trở về trung nguyên, những tưởng sẽ là những ngày tháng tươi đẹp, nhưng cuộc sống như trêu ngươi chàng.

Chính vì những sai lầm trong quá khứ của mẹ chàng, bà và chồng đã cùng nhau tự tử trước mắt chàng. Sau đó cuộc đời Trương Vô Kỵ là những tháng năm khó khăn, lưu lạc. Chính những năm tháng ấy đã giúp chàng có nhiều cơ duyên, và trở thành một con người toàn tài, không chỉ võ công đệ nhất, mà còn giỏi cả y thuật và sau này là người đứng đầu quần hùng Minh giáo.

Vốn bị trúng Huyền Minh thần chưởng từ nhỏ, không thuốc nào chữa được, Trương Tam Phong đã phải gửi gắm chàng cho Thường Ngộ Xuân, một đệ tử Minh giáo để nhờ thần y Hồ Thanh Ngưu cứu chữa. Tại đây, dù Hồ Thanh Ngưu tính tình cổ quái, nhưng nhờ ý chí và sự khéo léo, chàng đã học được gần như toàn bộ y thuật của thần y. Chưa hết, nhờ cơ duyên, chàng còn có được cuốn sách chuyên về thuốc độc và cách hóa giải của vợ Hồ Thanh Ngưu là Vương Nạn Cô, cao thủ dụng độc đệ nhất thiên hạ.

Trương Vô Kỵ và mối tình tay ba với Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược.
 Trương Vô Kỵ và mối tình tay ba với Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược.

Sau này, trên đường đưa Dương Bất Hối tìm gặp cha và trở về, chàng gặp Chu Trường Linh và con gái y là Chu Cửu Chân. Bị hai cha con lừa gạt, hãm hại, chàng bị rơi vào vách núi, nhưng cơ duyên một lần nữa lại đến. Tìm đường đến với thung lũng, chàng lấy được nguyên vẹn bộ Cửu dương chân kinh, bí kíp thuộc hàng đệ nhất trong thiên hạ về võ công từ bụng con vượn trắng.

Từ đó, luyện được nội công thượng thừa. Trên Quang Minh Đỉnh, dù suýt mất mạng dưới ba chưởng của Diệt Tuyệt sư thái để cứu giáo đồ Minh giáo, nhưng những biến cố sau đó lại giúp chàng luyện được Càn khôn đại na di, môn võ công thượng thừa của Minh giáo. Sau đó, võ công của chàng lại liên tục thăng tiến nhờ được Trương Tam Phong truyền thụ hai pho Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm, để trở thanh một trong những cao thủ đệ nhất thiên hạ. 

Câu chuyện của Trương Vô Kỵ là đầy rẫy những cơ duyên. Nhưng ngẫm lại, mọi thứ đều được Kim Dung xâu chuỗi một cách rất logic, cơ duyên có được cũng chính vì bản tính của chàng, là người khẳng khái, nghĩa hiệp. Nếu chàng không tỏ được cái khí phách, làm sao được Hồ Thanh Ngưu yêu quý mà truyền thụ y pháp. Nếu chàng không giỏi nghề y, sao chữa bệnh được cho con vượn trắng để rồi gặp bộ Cửu Dương chân kinh.

Nếu không có nội công thượng thừa từ bộ Cửu Dương chân kinh thì làm sao chàng luyện được Càn khôn đại na di. Và nếu chàng tham lam, không biết đủ, luyện hết bảy tầng của Càn khôn đại na di, thì chắc chắn chàng đã bị tẩu hỏa nhập ma. Con người Trương Vô Kỵ là vậy. Đời cô khổ, nhưng gặp cũng lắm cơ duyên, nhưng nếu không nhờ phẩm cách của chàng, mọi thứ đã rẽ hẳn sang một hướng khác.

Mối tình tay ba

Anh hùng và mỹ nhân, luôn đi kèm với nhau. Điều đó không ngoại lệ trong tất cả các bộ truyện của Kim Dung. Bất cứ anh hùng nào thì cũng phải vướng vào lưới tình, dù theo những cách khác nhau. Với Trương Vô Kỵ, chàng cũng gieo thương nhớ cho những người đẹp. Dù là ai, thì trong lòng các mỹ nữ vẫn dành cho chàng những tình cảm đẹp nhất. Cô em họ Ân Ly, Tiểu Chiêu hay Dương Bất Hối, họ không đến được với chàng, chàng cũng chưa bao giờ tỏ ra thân mật quá mức với họ, nhưng họ luôn sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả bất chấp tính mạng vì chàng.

Ngược lại, vì họ, chàng luôn không tiếc thân để giúp đỡ. Chẳng phải thuộc hạng khôi ngô, tuấn tú, đặc biệt là nếu đem so sánh với sư huynh Tống Thanh Thư, con trai sư bá Tống Viễn Kiều, nhưng với trái tim chân thật và sự nhiệt thành, Trương Vô Kỵ luôn biết làm các người đẹp phải thương nhớ.

Tuy nhiên, nhắc đến chuyện tình cảm của Trương Vô Kỵ, ấn tượng nhất vẫn là mối tình tay ba giữa chàng với Chu Chỉ Nhược, đệ tử phái Nga My và Quận chúa Triệu Mẫn, con gái Nhữ Dương Vương. Chu Chỉ Nhược vốn là con gái của người lái đò trên sông, vô tình gặp được Trương Vô Kỵ. Sau này, nàng cùng Trương Tam Phong lên núi Võ Đang, còn Trương Vô Kỵ đi cùng Thường Ngộ Xuân. Chu Chỉ Nhược sau này gia nhập phái Nga Mi, là học trò yêu của Diệt Tuyệt Sư Thái.

Trong khi đó, Triệu Mẫn từ khi sinh ra đã là Quận chúa Mông Cổ. Nàng không chỉ xinh đẹp, mà còn có trí tuệ hơn hẳn bậc nam nhân. Võ lâm trung nguyên, hay chính bản thân Trương Vô Kỵ cũng bao nhiêu lần phải khố khổ vì nàng. Triệu Mẫn cũng có quyền thế đến mức rất nhiều cao thủ đệ nhất cũng chỉ ở dưới trướng và chịu nàng sai bảo. 

Qua bao biến cố, rút cuộc cả Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn đều đem trái tim dành cho Trương Vô Kỵ. Người cuối cùng giành chiến thắng là Triệu Mẫn, chứ không phải Chu Chỉ Nhược dù cô nương họ Chu suýt nữa đã hoàn thành đám cưới với Trương Vô Kỵ. Có nhiều nguyên nhân cho việc chiến thắng trong tình yêu của Triệu Mẫn, nhưng có lẽ, Chu Chỉ Nhược tự thua là chính. Trên Quang Minh Đỉnh, vì áp lực của sư phụ, nàng không tự chủ được, đã dùng kiếm đâm một nhát vào Trương Vô Kỵ, suýt lấy mạng chàng.

Sau đó, chàng cũng đã đánh lừa Trương Vô Kỵ, hãm hại Ân Ly chỉ vì di nguyện của sư phụ mà đánh cắp Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm. Cuối cùng, không làm chủ được mình, nàng sa vào tà đạo, trở thành đối thủ của Trương Vô Kỵ, chấp nhận lấy một kẻ khi sư diệt tổ như Tống Thanh Thư làm chồng. Dù bản tâm của nàng tốt, nàng hối cải cũng nhanh chóng, nhưng dường như con người nàng quá mềm yếu, không có chủ ý, chỉ chăm chăm nghe lời sư phụ, một người luôn mang nặng hiềm khích với Minh giáo. Chính vì thế nàng đã đánh mất đi người mình yêu. 

Trong khi đó, với Triệu Mẫn, dù là con gái Mông Cổ, ở phía đối địch, lại bao lần hãm hại Trương Vô Kỵ nhưng cuối cùng, nàng vẫn có được trái tim chàng. Những hành động của Triệu Mẫn không quyết liệt, đầy ý nhị và rất dễ thương. Nàng chỉ vờ nắm tay cái bóng của Trương Vô Kỵ và tự mỉm cười, rồi tìm cách gián tiếp hôn Trương Vô Kỵ khi cùng nhau uống chung ly rượu.

Sau này, khi nguyện ý theo chàng, nàng luôn bên cạnh dù cho mọi khó khăn. Một người vì chàng mà sẵn sàng từ cha, từ bỏ cuộc sống vương giả để phiêu bạt giang hồ thì có được trái tim chàng cũng là đúng. Còn người kia, dù yêu đấy, nhưng phải tiếc nuối mà trở thành người ngoài cuộc bởi sự nhu nhược của chính mình.

Đọc thêm