Đệ nhất dâm tặc
Điền Bá Quang xuất hiện khá sớm từ đầu bộ truyện Tiếu ngạo giang hồ. Và có thể nói, mọi mấu chốt cho những thay đổi, những biến cố trong cuộc đời nam chính Lệnh Hồ Xung cũng từ cuộc gặp gỡ (đọ sức) với Điền Bá Quang mà ra.
Điền Bá Quang nổi danh trong giang hồ với tài khinh công tuyệt đỉnh, có thể gọi là thiên hạ vô song. Chẳng ai có thể theo kịp Điền Bá Quang, dù có đuổi theo y cả ngàn dặm, bởi thế trên giang hồ, họ Điền có ngoại hiệu là “Vạn lý độc hành”. Ngoài tài khinh công, Điền Bá Quang cũng trở thành tay “có số có má” trong võ lâm bởi phép khoái đao rất lợi hại. Hai thứ võ công đó là công cụ để Điền Bá Quang xuất hiện ngay từ đầu truyện với công phu trác tuyệt, hoàn toàn trên cơ Lệnh Hồ Xung.
Ngoài ra, ngay từ khi xuất hiện, họ Điền còn thể hiện mình là còn người đầy tà môn, không việc xấu nào là không dám làm. Dùng võ thuật để giết người, cướp của, phóng hỏa đốt nhà cho nên biệt hiệu giang hồ đặt cho y nếu gọi một cách đầy đủ thì dài lê thê, đọc là “Giang dương đại đạo thái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao Điền Bá Quang”.
Đến đây mới nói về “món” mà Điền Bá Quang thích nhất và cũng là nổi nhất, đó là chuyện luyến ái nam nữ. Nhà văn chẳng nói về vệ học nghệ của họ Điền, cũng chẳng nói về sự đam mê võ công của y. Y xuất hiện mà không ai biết rõ lai lịch, không môn, không phái, nhưng cách mà Kim Dung lột tả về một nhân vật đệ nhất dâm tặc thì quá rõ ràng.
Y chuyên dùng sức để cưỡng đoạt các cô gái, là tên đệ nhất dâm tặc. Mà từ trước đến nay, những kẻ dâm tặc luôn ở dưới đáy xã hội, là kẻ bị cả võ lâm khinh ghét. Nhưng Điền Bá Quang cứ mặc kệ, miễn thỏa mãn dục tính của mình là được. Và bản chất, Điền Bá Quang cũng chẳng muốn làm anh hùng, dù với khinh công và khoái đao của mình, hắn vẫn hoàn toàn có thể trở thành tay nam tử hán.
Hắn sống theo bản năng và cái bản năng, cái dục tính của hắn lớn đến nỗi, ngay cả sư cô, người đã xuất gia như Nghi Lâm, đệ tử của phái Hằng Sơn hắn cũng không tha. Miễn cô đẹp, cô lọt vào mắt xanh của họ Điền thì hắn sẽ tìm cách cưỡng bức. Những kẻ dâm tặc vốn đã dưới đáy, kẻ dám cưỡng bức cả ni cô thì còn ở vị thế nào trong xã hội nữa.
Trong các tác phẩm của nhà văn Kim Dung, không khó để bắt gặp những tên dâm tặc, như: Thạch Trung Ngọc trong Hiệp Khách Hành; Vân Trung Hạc trong Thiên Long Bát Bộ; Hạc Bút Ông trong Ỷ thiên đồ long ký… Tuy nhiên, công phu “dâm tặc” thì thua Điền Bá Quang cả. Như nói trên, biến cố tạo nên một Lệnh Hồ Xung sau này cũng đến từ chuyện không hay ho của họ Điền.
Đó là việc hắn đòi cưỡng đoạt ni cô Nghi Lâm. Vì cái nghĩa khí, cùng việc Ngũ nhạc kiếm phái đồng đạo tương lân mà Lệnh Hồ Xung đã ra tay cứu Nghi Lâm. Võ công không bằng, Lệnh Hồ Xung dùng mưu. Không chỉ cứu được ni cô, Lệnh Hồ Xung còn khiến Điền Bá Quang gọi Nghi Lâm là ni cô.
Sau đó, vì những lời nói dễ gây hiểu nhầm cùng những thị phi quanh vụ giải cứu này mà Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Bất Quần bắt lên núi sám hối, để rồi sau này học được Độc cô cửu kiếm.
Buông đao thành người tốt
Nếu nói sau biến cố với Nghi Lâm là bước ngoặt thay đổi Lệnh Hồ Xung thì với Điền Bá Quang cũng vậy. Nhưng chuyện đó nói sau. Xin nói về tính cách của Điền Bá Quang trước. Đầu tiên, dù là kẻ không việc xấu nào không làm, nhưng rõ ràng Điền Bá Quang là kẻ biết giữ chữ tín.
Cũng xoay quanh việc đọ sức cùng Lệnh Hồ Xung. Khi đó, Lệnh Hồ Xung biết võ công còn thua xa họ Điền, cho nên phải tìm mưu. Đánh kiểu bình thường không lại, chàng nghĩ cách đánh… ngồi. Hai người cùng ngồi trên ghế đánh nhau, ai rời ghế trước là thua. Dù trên ghế, Lệnh Hồ Xung cũng không phải là đối thủ của Điền Bá Quang. Chưa động được cái chéo áo của đối thủ, Lệnh Hồ Xung đã bị 13 nhát đao, máu me be bét khắp người.
Tuy nhiên với một chút mưu mẹo, Lệnh Hồ Xung lại rời ghế sau và trở thành người chiến thắng. Điền Bá Quang không chỉ thất bại, mà còn theo giao ước từ trước, phải gọi Nghi Lâm là sư phụ. Tất nhiên, ở tình cảnh đó, giết hai người để diệt khẩu, tiếp tục cưỡng bức Nghi Lâm là việc trong tầm tay của Điền Bá Quang, nhưng hắn vẫn không làm. Thua là thua, thắng là thắng, và hắn nhận thua, làm đúng giao hẹn.
Đó là lúc mà người đọc lần đầu nhận ra còn chút “phần người” nơi hắn. Đó cũng là khi Lệnh Hồ Xung dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng, dù sao họ Điền cũng là người có khí phách. Sau này, khi Lệnh Hồ Xung phải lên đỉnh Ngọc Nữ Phong sám hối theo lệnh Nhạc Bất Quần, Điền Bá Quang cũng lên tận nơi.
Khi đó, biết Lệnh Hồ Xung thích rượu như tính mệnh, họ Điền còn vào tận hoàng cung trộm loại rượu ngon nhất thiên hạ. Để chỉ có mình và Lệnh Hồ Xung được thưởng thức loại rượu này, Điền Bá Quang còn đập vỡ hết tất cả chum rượu trong hoàng cung, chỉ mang về 2 vò.
Trên Ngọc Nữ Phong, cả hai lại uống rượu, luận kiếm. Tính cách của Lệnh Hồ Xung ưa giao lưu, gặp người hào sảng như thế quý mến là lẽ thường. Nhưng hai người chính – tà rõ rệt, nhưng họ Điền đã khiến Lệnh Hồ Xung vượt qua cái ranh giới lớn lao đó để kết giao với nhau, điều đó cũng cho thấy, ở Điền Bà Quang phải có gì đó đặc biệt.
Sau này, những biến cố, mà phần lớn là xui xẻo đã thay đổi Điền Bá Quang. Đau đớn nhất là hắn gặp Bất Giới hòa thượng, cha của ni cô Nghi Lâm. Không chỉ bị đánh thừa sống thiếu chết, Điền Bá Quang còn bị Bất Giới hòa thượng cắt đi “dụng cụ gây án”, trở thành “thái giám”, và bị ép xuất gia.
Với một người được gọi là “đệ nhất dâm tặc”, trở thành một kẻ người không ra người, ngợm không ra ngợm gì như vậy sẽ là nỗi đau khổ đến tột cùng. Thông thường, sẽ không ít người chọn tìm đến cái chết, bởi sống trên đời còn gì mà vui nữa. Nhưng sự lựa chọn của Điền Bá Quang lại rất khác.
Hắn chọn trở thành người tốt. Hắn trở thành hòa thượng, với pháp danh “Bất Khả Bất Giới”, rồi sau thành đệ tử phái Hằng Sơn. Nhiều lần hắn hành hiệp trượng nghĩa, cứu các ni cô trong phá này. Sau đó, không ít lần hắn âm thầm bảo vệ ni cô Nghi Lâm. Điều đó hoàn toàn đến từ tâm lý hướng thiện của hắn, đương nhiên, không phải chỉ vì hắn không “làm ăn” gì được nữa.
Hắn có thể đi theo các lựa chọn khác, nhưng lại chọn con đường đấy, để giang hồ có cái nhìn khác về con người mình. Tên hái hoa dâm tặc, chuyên hại đời phụ nữ lại trở thành người đi theo bảo vệ phụ nữ. Cuối cùng, hắn chết để bảo vệ Nghi Lâm, người mà hắn gọi là sư phụ. Đó là chữ “ngộ”.
Hắn ngộ ra cái giới hạn trong ham muốn của mình. Hắn hy sinh thân mình cứu ni cô, cũng là sự trả giá cho những gì hắn gây ra. Quan trọng nhất, cái giá đó do hắn tự đưa ra, tự gột sạch những tội lỗi to lớn của đời mình. Cuộc đời của hắn khép lại, không phải cuộc đời của một tên dâm tặc nữa, mà là cái chết của một người biết xả thân, coi trọng tín nghĩa. Hắn khác Nhạc Bất Quần ở chỗ biết quay đầu. Vì thế hắn vẫn được không ít người yêu mến.