Kiếm hiệp Kim Dung: Những thanh long đao, bảo kiếm mạnh nhất thiên hạ

(PLVN) - Trong các bộ kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, mỗi nhân vật, mỗi bậc anh hùng đều gắn liền với các loại binh khí riêng. Rất nhiều món võ khí đã trở nên vang danh thiên hạ nhờ chủ nhân của chúng. 
Huyền thiết trọng kiếm.
Huyền thiết trọng kiếm.

Trong truyện Kim Dung cũng nói về không ít về những cây long đao bảo kiếm với sức mạnh kinh hoàng, giúp nhiều vị anh hùng gia tăng sức mạnh, trở thành người có võ công độc bá thiên hạ. Dưới đây là một số võ khí mạnh nhất trong kiếm hiệp Kim Dung, tác giả trân trọng truyền tải tới bạn đọc thông tin chi tiết.

Đồ Long đao - Ỷ Thiên kiếm

Nói về mức độ lợi hại của những món võ khí trong các bộ tiểu thuyết Kim Dung, đầu tiên chắc chắn phải kể đến Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm trong bộ Ỷ Thiên đồ Long ký. Xuyên suốt tác phẩm, mọi ân oán, mọi ngã rẽ và những tình tiết của câu chuyện… đều xoay quanh hai món võ khí lợi hại này.

Từ đầu truyện, hai món võ khí đã xuất hiện trong các câu thơ: “Võ lâm chí tôn/ bảo đao Đồ Long/ hiệu lệnh thiên hạ/mạc cảm bất tòng/ Ỷ Thiên bất xuất/ thùy dữ tranh phong. Tạm dịch nghĩa đoạn thơ như sau: Bảo đao Đồ Long chính là võ lâm chí tôn. Ai có được đều có thể hiệu lệnh thiên hạ. Nếu kiếm Ỷ Thiên mà không xuất hiện thì chả có gì tranh tài. 

Đồ Long đao xuất hiện trước, cũng là lúc các môn phái trạnh đoạt nhau thanh đao để có thể “hiệu lệnh thiên hạ”. Cũng từ thanh đao này mà sinh ra cảnh đầu rơi máu chảy. Đầu tiên là tai họa của Du Đại Nham, đệ tử thứ ba của Trương Tam Phong phái Võ Đang. Vì vô tình có được thanh đao mà chàng bị Ân Tố Tố con gái giáo chủ Thiên ưng giáo Ân Thiên Chính phóng ngân châm đoạt lại.

Cũng vì việc không bàn giao được Du Đại Nham về tận chân núi Võ Đang mà cả nhà Đô Đại Cẩm của Long Môn tiêu cục bị Ân Tố Tố hại chết. Tại đảo Vương Bàn Sơn, khi Ân Tố Tố đại diện Thiên Ưng giáo tổ chức đại hội quần hùng để khoe Đồ Long đao thì cũng là lúc Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn xuất hiện, dùng võ công của mình hại chết hàng nghìn cao thủ trên đảo để giành lấy thanh đao về mình. 

Kim Xà kiếm.
Kim Xà kiếm.  

Ỷ Thiên kiếm xuất hiện ít hơn. Đó là thanh kiếm do Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga My nắm giữ. Sau khi dùng mưu bắt hết cao thủ các môn các phái, Triệu Mẫn quận chúa đã lấy mất thanh kiếm từ tay chủ nhân của nó. Dù không được nói đến nhiều, nhưng nhờ thanh kiếm mà Diệt Tuyệt sư thái xưng hùng trong võ lâm, lại là thanh kiếm được sánh ngang với  Đồ Long đao là đủ để thấy sức mạnh khôn cùng của kiếm Ỷ Thiên.

Phải đến cuối truyện, danh tính hai món võ khí này mới được sáng tỏ. Ngày xưa, trước khi thành Tương Dương thất thủ, vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung đã dùng Huyền thiết kiếm của Dương Quá và nhiều thứ kim loại khác để đúc ra hai món bảo vật nêu trên. Bởi vậy, hai món binh khí mới cứng rắn và sắc bén thuộc hạng đệ nhất thiên hạ. Bí mật trong bộ đao – kiếm trên chính là việc Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã cất dấu bên trong  hai cuốn bí kíp võ thuật thượng thừa đó là thuật đánh quân (Vũ Mục di thư) và Cửu Âm chân kinh.   

Huyền Thiết trọng kiếm

Chỉ cần biết Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm được rèn từ cây Huyền Thiết trọng kiếm là đủ hiểu cây kiếm này có sức mạnh như thế nào. Đây là cây kiếm được cho nặng nhất thiên hạ, trước đây thuộc về Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại. Cũng nhờ cây kiếm này, Độc Cô Cầu Bại đã tung hoành trên giang hồ, cả đời không tìm thấy đối thủ, đến nỗi buồn chán mà tìm nơi ở ẩn. Kim Dung không mô tả nhiều về cây kiếm, chỉ biết nó được rèn từ một loại kim loại quý hiếm, có màu đen tuyền và lưỡi thì không quá sắc nhọn.

Sau này, Dương Quá tình cờ có được thanh kiếm, nhưng ban đầu trong mắt chàng đây cũng chỉ là thứ binh khí bình thường như bao binh khí khác. Thậm chí, thanh kiếm này còn quá đỗi thô sơ, nhìn chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi nhấc thanh kiếm lên chàng mới thấy sức nặng kinh khủng của nó. Quả thật, trong thiên hạ, phải những người nào có nội công vô địch, sức khỏe phi thường mới có thể sử dụng được Huyền Thiết trọng kiếm.

 

Những dòng chữ Độc cô cầu bại để lại ở phiến đá đặt cây kiếm là: "Trọng kiếm thô sơ, không hề gia công/ Trước bốn mươi tuổi, tung hoành thiên hạ". Như thế đủ thấy ông coi trọng thanh kiếm này như thế nào. Sức công phá của Huyền Thiết trọng kiếm là vô cùng khủng khiếp. Từ khi sở hữu thanh kiếm, Dương Quá dường như không có đối thủ trong võ lâm.

Nhờ thanh kiếm, chàng có thể đánh tan mọi quân thù, phá nát mọi bộ giáp. Cũng nhờ thanh kiếm, Dương Quá đánh hỏng hầu hết các vũ khí của kẻ thù mà chàng đối đầu, từ thứ cứng rắn như kim luân của Kim Luân pháp vương, mềm dẻo như Kim long tiên của Doãn Khắc Tây hay cây phất trần lợi hại của Xíc Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu…

Mặc dù lợi hại như vậy, nhưng tuổi thọ của Huyền Thiết trọng kiếm lại không được vĩnh cửu. Sau này, Dương Quá đã tặng lại nó cho Quách Tĩnh. Vợ chồng Quách Tĩnh – Hoàng Dung lấy nó làm đao Đồ Long, kiếm Ỷ Thiên như đã nói ở trên. Sở dĩ thanh kiếm này không được trường tồn có lẽ do Quách Tĩnh vốn không thạo về binh khí, vả lại, trong thiên hạ, ngoài Dương Quá ra cũng chẳng mấy ai có đủ sức mạnh để sử dụng thanh kiếm này. 

Kim Xà kiếm

Vơi thanh Kim Xà kiếm trong bộ “Bích huyết kiếm”, nó liên quan đến cuộc đời của hai con người là Kim Xà lang quân Hạ Tuyết Nghi và Viên Thừa Chí. Viên Thừa Chí sinh ra vào thời cuối nhà Minh, là con trai của đại tướng Viên Sùng Hoán, người có công chống quân Thanh xâm lăng biên ải, nhưng bị Hoàng đế Sùng Trinh nghe lời xiểm thần mà hại chết vì nghi tư thông với ngoại địch.

Thuở nhỏ, Viên Thừa Chí được Chưởng môn phái Hoa Sơn Mục Nhân Thanh nhận làm đệ tử và đưa lên núi Hoa Sơn học nghệ. Tại đây chàng vô tình phát hiện ra Kim Xà kiếm và Kim Xà bí kíp của Hạ Tuyết Nghi để lại. Đây là võ khí và bí kíp đã đưa Hạ Tuyết Nghi trở thành đệ nhất thiên hạ. Bởi vậy, khi có được hai bảo vật này, Viên Thừa Chí cũng trở nên võ công cao cường, đủ sức đánh bại quần hào và thu phục nhân tâm.

Về nguồn gốc, Kim Xà kiếm vốn thuộc sở hữu của Ngũ Độc giáo ở đất Tây Vực xa xôi. Bởi vậy, hình dáng của cây kiếm này cũng mang dáng dấp khác hẳn những cây kiếm thường thấy ở võ lâm Trung Nguyên. Lưỡi kiếm không thẳng mà uốn lượn theo hình một con rắn.

Điều đặc biệt là khi người sử dụng thanh kiếm vận nội công, lưỡi của thanh kiếm sẽ chuyển sang màu vàng và đầu kiếm sẽ tõe ra thành hai nhánh như lưỡi một con rắn. Nhờ sự sắc bén vô song độc và lạ như vậy nên thanh kiếm này được mệnh danh là “đệ nhất thần khí”.

Với Hạ Tuyết Nghi, gia đình ông vốn bị Ôn Lão Lục của Ôn gia giết hại, chỉ có ông may mắn trốn thoát được. Trong quá trình chạy nạn, ông đến Ngũ Độc giáo để tập luyện võ nghệ. Cũng tại đây, ông biết giáo phái này có hai thứ bảo vật trấn bang là Kim Xà kiếm và Kim Xà bí kíp, vì thế ông rắp tâm ăn trộm cho bằng được. Sau khi có hai thứ này, ông trở lại giang hồ, không chỉ trả thù được cho gia đình mà còn trở thành một cao thủ lừng danh, giang hồ nể trọng. Còn với Viên Thừa Chí, sau khi có thanh kiếm trong tay, chàng cũng không có đối thủ, dù đã giao đấu với không ít cao thủ có võ công hơn chàng.

Đọc thêm