Kiều Phong
Trong bộ Thiên long bát bộ, nhân vật Kiều Phong (sau này đổi tên là Tiêu Phong) được nhà văn Kim Dung miêu tả là người có võ công cái thế trong thiên hạ, là anh hùng hảo hán, tính tình sảng khoái số 1, nhưng cũng là người rất mê uống rượu. Dường như với Kiều Phong, chàng dùng rượu để làm mọi thứ, từ kết giao bằng hữu, đoạn tuyệt với huynh đệ, đổi bạn thành thù. Tửu lượng của Kiều Phong thể hiện ngay lần đầu khi chàng xuất hiện.
Khi gặp nhau trên tửu lâu, Đoàn Dự sớm ấn tượng với dáng vẻ hảo hán của Kiều Phong,cảm thấy kính ngưỡng cho nên đã lại bàn, mời cùng uống rượu. Kiều Phong ngay lập tức gọi bát lớn để uống cho sảng khoái, lại gọi thêm 30 cân rượu (khoảng 18 lít). Cứ đấu nhau như thế, rượu hết lại gọi.
Sau vài bát rượu, Đoàn Dự đã phải gục xuống, cho nên chàng phải nhờ đến Lục mạch thần kiếm, tuyệt kỹ gia truyền của mình, phóng rượu ra ngón Thiếu Trạch(ngón út). Chính vì thế, Đoàn Dự uống mãi không say. Còn Kiều Phong, chàng cứ thế mà uống, tu ừng ừng từng bát rượu một mà chẳng hề suy chuyển sắc mặt.
Điều thay đổi duy nhất ở Kiều Phong là bụng chỉ phình ra có một chút. Tửu lượng của 2 người (thực chất chỉ Kiều Phong) khiến người dân đi qua ai ai cũng phải cảm thấy hiếu kỳ, dừng lại để xem. Chỉ lần “ra mắt” trong truyện, Kiều Phong cho thấy tửu lượng có 1 không 2 của mình. Cũng từ cuộc đấu rượu đó, Kiều Phong nể võ công của Đoàn Dự, Đoàn Dự nể cái hảo hán của Kiều Phong, rồi hai người kết nghĩa làm anh em.
|
Kiều Phong. |
Sau đó, người đọc thường xuyên bắt gặp cảnh Kiều Phong uống rượu. Chàng uống gần như mọi nơi, mọi lúc. Đỉnh cao của việc uống rượu đó là khi loạn đấu quần hùng ở Tụ Hiền Trang. Khi đó, do quá nhiều ân oán, Kiều Phong muốn về bên kia Mạn Môn quan để mai danh ẩn tích, đoạn tuyệt với chốn giang hồ. Ấy nhưng chưa thực hiện được, như mối duyên, nàng gặp A Châu. A Châu sau đó bị trọng thương, Kiều Phong phải đưa nàng đến Tụ Hiền trang mong gặp thần y Diêm Vương Địch Tiết Mộ Hoa.
Tụ Hiền trang khi đó đang đại hội quần hùng, các anh hùng khắp nơi trong thiên hạ kéo đến, họp bàn tìm cách đối phó với chính Kiều Phong. Vào “hang cọp”, nhưng Kiều Phong vẫn không hề tỏ ra e sợ. Những người trước đây cùng bang hội, là huynh đệ, là những mối thâm giao nay trở mặt.
Kiều Phong buộc phải quần chiến. Và trước khi ra tay đại khai sát giới, một lần nữa chàng xin mấy vò rượu để uống những bát rượu tuyệt giao. Tại đây, Kiều Phong rót những bát lớn, ai tuyệt giao thì cùng uống với chàng 1 bát rồi ném vỡ. Hàng trăm, hàng nghìn con người, hàng trăm, hàng nghìn bát rượu được uống, thế mới thấy tửu lượng Kiều Phong khủng khiếp như thế nào.
Lệnh Hồ Xung
Cũng giống như Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung cũng nổi tiếng với tửu lượng gần như “vô đối” của mình. Nếu thời điểm uống rượu, Kiều Phong đã có võ công, nội lực thâm hậu, thì Lệnh Hồ Xung khi xuất hiện võ công vẫn chỉ hạng làng nhàng.
Chàng có sở thích uống rượu từ bé, cứ uống như thế, lâu dần, qua hàng năm thì tửu lượng lên rất cao. Chàng giao du, giao thiệp với các nhân vật trên giang hồ cũng dùng đến rượu. Trên Tư Quá Nhai, chàng uống rượu tỉ kiểm với Vạn Lý Độc Hành Điền Bá Quang, cùng thưởng rượu với Đan Thanh thượng nhân trong nhóm Hoàng Hà tứ hữu; uống Ngũ độc tửu để kết giao với Giáo chủ Ngũ độc giáo Lam Phượng Hoàng…
Có chút khác giữa Kiều Phong và Lệnh Hồ Xung, là họ Lệnh Hồ có vẻ là người tinh tế hơn trong cách thưởng rượu. Có một đoạn rất thú vị trong Tiếu ngạo giang hồ là khi Tổ Thiên Thu luận cách uống rượu, thưởng thức rượu như thế nào với Lệnh Hồ Xung. Khi đó, cách uống rượu được đưa lên một tầm cao mới, trở thành một thứ nghệ thuật.
Rượu và kiếm là hai thứ gắn liền với chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung. Đọc truyện, gần như thấy chàng là thấy rượu. Không có những cuộc đấu rượu thuộc hạng “trời long đất lở” như Kiều Phong, mà khi Lệnh Hồ Xung uống rượu, cái khoái của chàng là để xua tan những phiền muộn, những tâm tư trong lòng.
Nói cách khác, khi uống rượu Lệnh Hồ Xung thưởng thức, thưởng thức như một thói quen. Và khi uống rượu, ta uống với ngươi, ngươi uống với ta để đáng mặt hảo hán, để những ân oán, thị phi tan nhanh trong chén rượu. Ví như cái việc Điền Bá Quang vượt hàng ngàn dặm đường về kinh đô Lạc Dương, vào cung vua trộm hai hũ Thiệu Hưng nữ nhi hồng. Thấy trong hầm rượu chứa hàng ngàn hũ, y đập vỡ hết, để vua cũng không được thưởng thức loại rượu này nữa.
Hai hũ trộm được, Điền Bá Quang lên núi tìm Lệnh Hồ Xung để uống cùng, để cùng nhau thưởng thức.Và y coi như chỉ có người bạn tâm giao họ Lệnh Hồ mới là người đủ khả năng thưởng thức món mỹ tửu đệ nhất thiên hạ này.
Ở đó, là cuộc đối ẩm giữa Lệnh Hồ Xung, một đệ tử phái Hoa Sơn, thuộc danh môn chính phái và Điền Bá Quang, một tên xấu xa, được gọi là đệ nhất dâm tặc. Nhưng bên chén rượu, ranh giới đó đã được cả hai xóa tan, chỉ còn chén rượu. Đó là cái thú, là cách nhà văn thể hiện ra rằng, Lệnh Hồ Xung không phải là tên nát rượu như đầu truyện người đọc có thể lầm tưởng.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, đưa chữ “rượu” gắn vưới Lệnh Hồ Xung, có lẽ nhà văn Kim Dung ngụ ý về chất xúc tác cho những giao tình giữa chốn võ lâm, chốn giang hồ âm hiểm, phức tạp. Tình bạn hay tình yêu chén rượu vẫn là vai trò cơ duyên hội ngộ.
Ai hơn, ai kém?
Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung, họ uống rượu theo những cách khác nhau. Nhưng đây là lúc luận xem giữa họ, ai hơn ai kém về tửu lượng. Nếu đã như vậy, thì cần xem cách uống rượu, cách say của họ mà luận.
Lệnh Hồ Xung được nhà văn Kim Dung khắc họa như một “con sâu rượu”, ham tửu, yêu tửu như tính mạng mình. Tuy nhiên, Lệnh Hồ Xung rất nhiều khi say, và thậm chí có ý kiến còn cho rằng chàng chỉ là tên nát rượu.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, không hiếm khi gặp cảnh Lệnh Hồ Xung say rượu. Ví như khi cùng đoàn người phái Hoa Sơn đến nhà ông ngoại Lâm Bình Chi, Kim đao vô địch Vương Nguyên Bá. Khi ra tửu lâu, uống khoảng 50 chén rượu Lệnh Hồ Xung đã say túy lúy, say chả biết trời đất gì nữa. Thậm chí say đến độ khi tỉnh dậy, Lệnh Hồ Xung còn không thay nổi quần áo, vận nguyên phục trang bẩn thỉu đi gặp gia đình Lâm Bình Chi.
Cũng tại nhà Vương Nguyên Bá, Lệnh Hồ Xung bị các con của lão chuốc cho say mèm và chỉ còn biết nói lắp bắp:“Ta... có say đâu?... Ta còn uống nữa... đem rượu ra đây”. Nói như thế để thấy tửu lượng Lệnh Hồ Xung không phải là vô hạn. Bởi thế, có lẽ nên nghiêng chàng về hướng thưởng thức rượu, tức là có thể dùng rượu để tăng niềm vui, giảm nỗi buồn hơn là hướng tửu lượng vô đối.
Còn với Kiều Phong, đọc Thiên long bát bộ, chẳng thấy chàng say bao giờ, dù cả trăm, cả ngàn chén. Đã vậy, khi uống rượu vào, nội công của chàng lại tự nhiên tăng cao, công lực trở nên mạnh mẽ, quần chiến với hàng trăm, hàng ngán anh hùng thiên hạ mà cũng hạ sát được hàng chục cao thủ. Vì vậy, nếu nói về tửu lượng có lẽ Kiều Phong sẽ cao hơn Lệnh Hồ Xung. Tuy nhiên, về hướng thưởng thức, Lệnh Hồ Xung lại ở một tầm khác.