Kiếm hiệp Kim Dung: Trương Tam Phong - Bá chủ võ công trong thiên hạ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Võ công của Trương Tam Phong nghìn năm trước không ai sánh bằng, nghìn năm sau cũng chẳng ai vượt qua nổi”. Câu nói đó của Kim Dung phần nào thể hiện quan điểm rằng, Trương Tam Phong là người mạnh nhất trong các nhân vật của ông.
Tạo hình nhân vật Trương Tam Phong.
Tạo hình nhân vật Trương Tam Phong.

Khai môn lập phái

Trương Tam Phong là nguyên mẫu Kim Dung lấy từ một nhân vật có thật. Theo các sử liệu, Trương Tam Phong còn có các tên khác như Toàn Nhất, Huyền Huyền, Thông Nhất, sinh vào khoảng từ năm 1247 đến 1258. Quê quán của ông còn gây nhiều tranh cãi. Có tài liệu thì cho rằng đó là huyện Hắc Sơn (Liêu Ninh), có người cho rằng ở Bảo Điêu (Thiểm Tây) hoặc Long Hổ Sơn (Giang Tây). Từ nhỏ, ông được mẹ gửi vào học võ tại chùa Thiếu Lâm. Sau này, ông trở thành người sáng lập phái Võ Đang, cùng với Thiếu Lâm là hai môn phái lớn nhất Trung Hoa. 

Trương Tam Phong nổi tiếng bởi hai loại võ công là Bát Quái chưởng (tấn công và phòng thủ theo tám phương hướng) và Thái Cực thần công (tổng hợp từ Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm). Ông cũng biết đến là người sáng lập ra hệ thống chiến đấu nội gia quyền, được phát triển từ các chiêu thức của võ công Thiếu Lâm tự.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, Trương Tam Phong xuất hiện từ cuối bộ Thần điêu đại hiệp, lúc đó được biết đến với cái tên Trương Quân Bảo, là đồ đệ của Giác Viễn đại sư chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, phải đến bộ Ỷ thiên Đồ Long ký, nhân vật này mới để lại dấu ấn đối với độc giả, là một phần tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của bộ truyện.

Ở đầu bộ Ỷ thiên Đồ Long ký, khi đó Quách Tương (con gái Quách Tĩnh – Hoàng Dung) trên đường lên chùa Thiếu Lâm thì gặp Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo. Sau đó, nàng cùng nhân vật này lên chùa Thiếu Lâm. Tại đây, bởi có sự hiểu lầm, Hà Túc Đạo đã cùng một số cao tăng đệ nhất tại chùa Thiếu Lâm giao đấu và đều giành phần thắng. Danh tiếng của Thiếu Lâm tự trước nguy cơ bị hủy hoại thì lúc đó cậu thiếu niên Trương Quân Bảo xuất hiện đã lấy lại thể diện cho ngôi chùa vốn được gọi là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm trung nguyên. 

Đáng tiếc là sau đó Trương Quân Bảo lại bị các cao tăng chùa Thiếu Lâm đòi phế hết võ công do chàng không được chân truyền mà chỉ học lén. Người dạy cho chàng là Giác Viễn thực chất cũng không được truyền thụ võ công mà chỉ vì đọc hết sách trong Tàng Kinh Các mới trở thành cao thủ nội công.

 

Trên đường trốn chạy, Giác Viễn kiệt sức và viên tịch. Trước khi chết, rất may, ông đã đọc lại toàn bộ bộ Cửu dương chân kinh. Trương Quân Bảo và Quách Tương mỗi người nghe và nhớ được mấy phần. Sau khi chôn cất xong cho sư phụ, Trương Quân Bảo vì không muốn sống lụy vào người khác cho nên lên núi Võ Đang kiếm một cái hang luyện tập chăm chỉ Cửu dương chân kinh và phát triển nó lên. Về sau ông học Đạo Tạng, tâm đắc phép luyện khí của Đạo gia. 

Một ngày, Trương Quân Bảo bỗng nhận ra cái lẽ âm dương hỗ trợ trong võ học, sung sướng quá liền ngửa mặt lên trời cười một hồi dài. Chính tiếng cười đó đã khai sinh ra một vị đại tông sư “tiền vô cổ nhân hậu vô lai giả”. Về sau ông đi du ngoạn nhìn thấy ba ngọn núi hùng vĩ vươn lên đâm vào mây, lại ngộ ra sở học võ công nên đã tự đặt cho mình tên hiệu Tam Phong.

Sau đó ông sáng lập ra phái Võ Đang vang danh thiên hạ. Tên tuổi của ông cũng vang lừng bốn biển. Mặc dù đời sau, rất ít người có cơ hội giao đấu với ông, nhưng võ lâm vẫn mặc nhiên coi ông là đệ nhất. Đệ tử của ông là nhóm “Võ Đang thất hiệp” gồm Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu, Du Đại Nham, Trương Tòng Khê, Trương Thuý Sơn, Ân Lê Đình, Mạc Thanh Cốc cũng nổi danh thiên hạ với võ công cao cường, chuyên hành hiệp trượng nghĩa. 

Xứng danh đệ nhất?

Kim Dung đã mặc nhiên thừa nhận trong các nhân vật của mình thì Trương Tam Phong là người mạnh nhất nhưng xung quanh vẫn còn những tranh luận bởi các cao thủ ở nhức bộ truyện khác nhau, chưa từng giao đấu với nhau thì làm sao so tài cao thấp được. Chưa kể, mỗi người lại có một thế mạnh riêng và đều độc bá giang hồ với các thế mạnh đó. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ Kim Dung đặt Trương Tam Phong ở ngôi vị cao nhất là bởi đây là nhân vật có thật, khác với những người như Độc Cô Cầu Bại, Vương Trùng Dương,…

Ngoài đời thực, Trương Tam Phong nổi tiếng đến độ cả Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cũng 5 lần 7 lượt cho mời bằng được ông về phục vụ. Ông cũng nổi tiếng với phong cách của một đạo nhân sống ẩn giật, thích ngao du thiên hạ, chẳng màng về danh lợi, cũng chẳng muốn so tài cao thấp với ai. Bởi vậy, khi đưa vào truyện, nhân vật này rất phù hợp với một vai tông sư võ học, bôn tẩu giang hồ hành hiệp trượng nghĩa. Kim Dung cũng vì mến cái tài này, cho nên việc ông có phần ưu ái cũng là điều dễ hiểu. 

Nếu đem lên bàn cân so sánh, có 3 người có thể sánh ngang với Trương Tam Phong trong kiếm hiệp Kim Dung, đó là vô danh thần tăng trong Thiên long bát bộ, Độc cô cầu bại xuất hiện gián tiếp trong Thần điêu đại hiệp và Tiếu ngạo giang hộ và Vương Trùng Dương trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp.

Cũng giống Trương Tam Phong, cả 3 đều có võ công đạt đến mức cảnh giới, không có đối thủ trong những bộ truyện có sự xuất hiện của mình. Họ cũng được nhắc tới như là những huyền thoại. Nếu đơn đả độc đấu, để phân tích thì khó có thể chỉ ra được Trương Tam Phong mạnh hơn họ, nhưng xét về cục diện chung thì ông vẫn mạnh nhất. 

Đầu tiên là ở sự sáng tạo về võ học. Vô danh thần tăng có thể chế ngự các nhân vật mạnh nhất trong truyện, nhưng võ công của ông  đến từ 40 năm vùi đầu trong Tàng Kinh Các. Có thể ông thấu hiểu võ công nhất nhưng rõ ràng ông được thừa hưởng từ những kiến thức của hàng trăm năm chùa Thiếu Lâm, còn bản thân không sáng tạo được môn võ nào mới.

Vương Trùng Dương thì được Thanh Hư đạo trưởng, một đại cao thủ truyền thụ, nhất là Tiên thiên công, môn võ đưa ông lên hàng tuyệt đại cao thủ. Bản thân Vương Trùng Dương cũng không sáng tạo được môn võ nào vang danh thiên hạ. Bản thân phái Toàn Chân nếu tìm hiểu sâu xa, cũng do Thanh Hư đạo trưởng sáng lập chứ không phải ông. 

Còn với kiếm ma Độc Cô Cầu Bại, rất khó xác định được nguồn gốc võ công, nên khó bàn đến ở khía cạnh sáng tạo võ học để so sánh. Nhưng về sự thấu ngộ thì nhân vật này thua xa Trương Tam Phong. Cụ thể, đây là người tự nhận hơn là được thừa nhận rằng mình vô đối trong thiên hạ. Cái suy nghĩ đó đến có lẽ một phần cũng đến từ tính cách thích ganh đua, thích xưng bá bởi có giao đấu nhiều (cả thách đấu) thì mới biết được cảnh giới của mình.

Trong khi đó Trương Tam Phong thực sự không coi võ học là thứ để ganh đua, để tranh giành “thiên hạ đệ nhất”. Ông cũng chẳng màng giao tranh với ai, chưa bao giờ dám nhận mình là đệ nhất. Quan trọng hơn cả, người đời thừa nhận ông là người cao cường nhất dù ông không mấy khi phải giao tranh với ai. 

Kim Dung từng nói: “Trương Tam Phong tinh thông võ công thiên hạ, luyện được cả nhu cương, âm dương, sáng tạo ra môn võ thái cực quyền và thái cực kiếm lấy nhu chế cương, hiểu đạo lý trời đất”. Câu nói đó phần nào chứng tỏ, đây là một nhân vật được nhà văn tạo ra (hư cấu thêm) để trở thành tượng đài của võ học. Đó cũng chính là cảnh giới cao nhất mà Kim Dung muốn gửi gắm, rằng khi đó võ thuật khi đó không còn là giao tranh hơn thua nữa. Võ thuật lúc đó chính là hiểu được “đạo lý trời đất”.

Đọc thêm