Kiểm tra hơn 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc

(PLO) - Ngày 29/9, Chi cục Hải quan Chi Ma (Lạng Sơn) phối hợp cùng lực lượng thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) Bộ Công an và  Phòng Quản lý Y dược cổ truyền (Sở Y tế Lạng Sơn) tiến hành kiểm tra hơn 65 tấn dược liệu được nhập từ Trung Quốc của Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm.
Một góc lô dược liệu được kiểm tra
Một góc lô dược liệu được kiểm tra
3 xe tải thuốc bắc
Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma cho biết, đơn vị đang tạm giữ trong kho ba xe tải chở hơn 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc. Trước đó ngày 23/9, Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm đến Chi cục Hải quan Chi Ma mở ba tờ khai nhập khẩu từ Trung Quốc ba xe tải thuốc bắc. 
Tờ khai thứ nhất có mã số 10056412131/A11, biển kiểm soát xe tải là 29V8868; tờ khai thứ hai có mã số 100564555710/A11, biển kiểm soát xe tải là 98C04703; tờ khai thứ ba có mã số 100564317121/A11, biển kiểm soát xe tải là 29L4259.
Theo ông Minh, trong quá trình làm thủ tục thông quan cho các lô hàng, Chi cục Hải quan Chi Ma nhận được thông tin từ C74 và Phòng Chống buôn lậu (Cục Hải quan Lạng Sơn) đề nghị kiểm tra lô hàng. Lý do, theo ông Minh, C74 nghi ngờ các lô dược liệu vi phạm quy định về chất lượng và nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 24/9, Chi cục Hải quan Chi Ma cùng C74 và Phòng Chống buôn lậu (Cục Hải quan Lạng Sơn) tiến hành kiểm đếm, phân loại lô hàng, sau đó vận chuyển vào trong kho hàng, niêm phong lại, chờ cơ quan chuyên môn y tế vào cuộc xác minh.
Đến sáng 29/9, việc kiểm tra lấy mẫu được tiến hành. Đại diện cơ quan chuyên môn y dược có bà Trần Thị Thành, Trưởng phòng Quản lý Y dược cổ truyền (Sở Y tế Lạng Sơn) và hai cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Lạng Sơn. Khoảng hơn 8h, các bên liên quan gồm đại diện Chi cục Hải quan Chi Ma, C74, Phòng Quản lý Y dược cổ truyền Lạng Sơn và chủ hàng đã tiến hành mở cửa niêm phong, kiểm tra hàng hóa. Do số lượng hàng hóa nhiều, việc kiểm tra, lấy mẫu của cơ quan y tế được tiến hành đến cuối giờ chiều mới hoàn thành. 
Trước khi được cơ quan y tế lấy mẫu, hơn 65 tấn dược liệu được chở đầy trên ba xe tải. Gần chục công nhân chuyển hàng xuống nền nhà kho, xếp la liệt. Dược liệu được đóng gói trong các bao tải màu xanh, màu trắng. Một số bao tải có lót ni lông bên trong, số còn lại thì không, để lộ sản phẩm ra bên ngoài là lá cây, rễ, củ…
Trên nhiều bao tải chứa dược liệu được gắn nhãn mác Kincare (China Guangzhou Kincare Medicine Technology Co., Ltd), một số bao không gắn nhãn mác. Tờ nhãn mác không được gắn chặt vào bao, dễ bị rơi ra trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, đa số tờ nhãn mác chỉ ghi thông tin tên loại dược liệu, còn những thông tin về xuất xứ, quy cách đóng gói, số lô, khối lượng tịnh, cách bảo quản thì để trống, không thấy ghi thông tin. 
Nhãn mác trên bao bì dược liệu không ghi đầy đủ về xuất xứ hàng hóa
Nhãn mác trên bao bì dược liệu không ghi đầy đủ về xuất xứ hàng hóa 
Dược liệu “xịn” hay 
“có vấn đề”?
Bà Trần Thị Thành, Trưởng phòng Quản lý Y dược cổ truyền (Sở Y tế Lạng Sơn) cho biết, việc trên tờ khai nhãn mác không ghi đầy đủ thông tin dược liệu là chưa đúng thủ tục.
Ông Nguyễn Hữu Minh cho biết, các mẫu dược liệu trong lô hàng đều đã được thu thập đầy đủ. Dự định hôm nay, 1/10, cán bộ chuyên môn y tế thuộc Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) sẽ lên Cửa khẩu Chi Ma, phối hợp với các đơn vị kiểm tra chất lượng các mẫu dược liệu đã thu. Hiện, ba xe dược liệu tiếp tục được cho vào trong kho. 
Hôm qua (30/9), ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) xác nhận công ty của ông chính là chủ lô hàng trên. 
Vị này nói rằng, số dược liệu này có đầy đủ giấy tờ C/O, C/Q (giấy chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá). Về việc nhiều bao tải không gắn nhãn hiệu, vị này cho biết “có thể bị rơi ra trong quá trình vận chuyển”; còn việc nhãn hiệu ghi không đầy đủ thông tin, vị này giải thích “có thể do sơ suất của nhân viên”. Ông Cách nói: “Nếu cơ quan chức năng kết luận lô hàng có vấn đề, công ty sẽ không nhận hàng và yêu cầu phía đối tác Trung Quốc là Kincare tái xuất”.
Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm được biết đến là đơn vị đầu tiên được Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) xác nhận C/O sau khi cơ quan này ra văn bản (Công văn số 189 ngày 22/7/2015) đề nghị Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nhập khẩu dược liệu khi thông quan phải xuất trình được loại giấy tờ này. Được biết, giá dược liệu nhập khẩu có C/O, C/Q rất đắt đỏ, thậm chí cao gấp 3 lần so với bình thường. 
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng C/O hay C/Q thì cũng chỉ là những giấy tờ ban đầu từ phía nước xuất khẩu, quan trọng là nghiệm thu thực tế lô dược liệu khi nhập về, nếu kết quả chất lượng không đạt thì tờ giấy đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. 
Chất lượng dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện được cho là hết sức nghiêm trọng. Nhiều dược liệu đã bị chiết xuất rồi mới tuồn sang Việt Nam, và người bệnh khi sắc thuốc bắc thực ra chỉ sắc rác lên uống mà thôi.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật vụ việc và thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm