Làng thuốc cổ trên đất Thăng Long
Theo lời người dân Ninh Giang thì làng thuốc đã có từ rất lâu đời. Thuở ấy, vào thời Lý có một người đàn bà tên Lý Nương, là người vùng khác, trong một lần đi ngang qua làng Ninh Giang thấy đất đai màu mỡ, dân chúng lại hiền lành, hiếu khách đã dừng lại truyền dạy cho dân cách bốc thuốc cứu người. Cảm kích công lao của bà, Vua Lý đã phong tặng cho bà danh hiệu “Lý nhũ Thái Lão, dược sư thần linh”.
Cũng để tỏ lòng biết ơn, sau khi bà mất đi, người dân Ninh Giang đã dựng am thờ bà. Hiện giờ tại đình làng Ninh Giang vẫn còn giữ đôi câu đối về bà: “Y pháp tinh thông, cứu bệnh, cứu nhân danh bất hủ/ Dược phong năng đạt, thọ dân, thọ thế nãi phi thường”.
Kể từ đó, người dân Ninh Giang kế thừa những bài học được bà Thái Lão truyền dạy để cứu người và làm kế sinh nhai. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng thuốc Ninh Giang vẫn được người dân gìn giữ, truyền lại cho thế hệ sau, phát triển cho đến ngày nay.
Năm 2009, làng nghề thuốc Ninh Giang đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề thuốc nam, thuốc bắc truyền thống. Có lẽ vì vậy mà khi vừa đặt chân đến Ninh Giang, mới đứng ở đầu làng thôi đã thấy mùi thuốc bắc, thuốc nam thơm lừng. Kế đó, hai bên ven đường được trưng ra la liệt những hàng quán bán dược liệu và cảnh người dân đang bào chế thuốc.
Những năm gần đây, nhờ nghề thuốc truyền thống mà người dân Ninh Giang dần dần nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội nhưng làng Ninh Giang giờ đã được người dân gọi vui là “phố trong làng” với những căn biệt thự, nhà cao tầng kiên cố, sang trọng mọc lên cao vút. Mỗi ngày, làng nghề Ninh Giang xuất ra thị trường đến cả vài tấn dược liệu.
Hoạt động buôn bán nhộn nhịp đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong vùng, mức lương bình quân từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà thu nhập của người dân đều ở mức khá giả, giàu có, chỉ còn duy nhất 4 gia đình nằm trong hộ nghèo. Bốn hộ nghèo này thực chất là những người già neo đơn, người lang thang cơ nhỡ…
Quá nửa làng thuốc hoạt động “chui”
Hiện tại, ở Ninh Giang đã chế biến được khoảng 3000 – 4000 vị thuốc khác nhau. Trong đó, thuốc nam chiếm 30 – 40%, còn thuốc bắc chiếm từ 60 – 70%. Những vị thuốc này được cung cấp cho rất nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, cho các ông lang trong vùng và các tỉnh lân cận, nhiều đợt thị trường còn mở rộng ra cả nước.
Nếu như trước kia các vị thuốc chủ yếu là do người dân trong làng tự trồng và thu mua từ các cánh rừng của nước ta thì nay phần lớn là được nhập từ Trung Quốc. Ông Lâm Văn Thôn, Phó trưởng thôn Ninh Giang cho biết: “Hiện nay các vị thuốc phần lớn được nhập từ Trung Quốc vì diện tích đất trồng tại địa phương ngày một thu hẹp, nhưng về chất lượng thì vẫn đảm bảo. Người Ninh Giang từ nhỏ đã được tiếp xúc với các vị thuốc nên không có chuyện bị thuốc giả trà trộn”.
Sau khi thuốc được nhập về, người dân tiến hành công tác bào chế và bảo quản. Phần lớn những thao tác bào chế này vẫn được người dân làm thủ công. Trong công tác bảo quản, người dân vẫn dùng một lượng chất lưu huỳnh để chống ẩm mốc. Nhưng “lượng chất lưu huỳnh này rất nhỏ, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng”, ông Thôn quả quyết.
Cùng với đó, diện tích đất làm nghề tại Ninh Giang cũng ngày càng bị thu hẹp bởi cơn lốc đô thị hóa. Người dân không còn chỗ để phơi thuốc, nhà nào có điều kiện thì phơi trên sân thượng, còn lại đại đa số là phơi ở hè đường, ở sân nhà văn hóa nằm sát đường nơi đông người qua lại, mỗi lần xe cộ đi qua hoặc có cơn gió lại khiến bụi bay mù mịt làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng thuốc.
|
Người dân Ninh Giang phơi dược liệu ở sân Nhà văn hoá. Ảnh: M.H |
Là một làng nghề truyền thống có đến 70% người dân mưu sinh từ nghề bào chế và buôn bán dược liệu, nhưng có một điều lạ là có đến quá nửa số người dân hành nghề không phép. Như lời chia sẻ của ông phó thôn Ninh Giang thì: “Hiện ở trong làng những hộ có đăng kí kinh doanh chỉ chiếm 18 – 20 hộ, còn lại là đều hoạt động “chui”.
Lý do là vì trước giờ người dân Ninh Giang hành nghề thuốc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm “cha truyền con nối” mà không học qua một trường lớp đào tạo chính quy nào được Nhà nước cấp phép. Giờ nếu muốn được cấp phép hành nghề thì người dân phải có chứng chỉ đã qua một lớp đào tạo sơ cấp về dược như theo học tại Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác. Thời gian theo học là 3 tháng và đi thực tập tại các bệnh viện là 2 năm. Yêu cầu đó dường như rất khó vì đa số người dân còn phải lo gánh vác cơm áo gạo tiền cho cả gia đình, thời gian đâu mà đi học”.