Đất đang sử dụng bỗng “bốc hơi”?
Theo đó, ngày 21/2/1987, UBND tỉnh Hà Nam Ninh (sau này tách thành 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) đã ban hành Quyết định số 1530/QĐ-UB về việc xây dựng vùng kinh tế mới Ba Sao, huyện Kim Bảng. Đến ngày 21/11/1991, UBND huyện Kim Bảng đã ban hành quyết định số 146/QĐ-UB về việc giao đất cho người dân.
Quyết định này nêu rõ: “UBND xã Ba Sao dành diện tích 2,4ha gồm thửa số 1, 2, 16, 17 và số 35 thuộc tờ bản đồ số 2, chuyển thành đất thổ cư giao cho các hộ KTM vào khai thác vùng đầm lầy Tam Chúc. Bộ phận KTM quản lý ruộng đất phòng nông nghiệp huyện cùng xã, HTX nông nghiệp Ba Sao hoàn chỉnh các thủ tục giao đất theo quy định của pháp luật”.
Một số hộ dân nằm trong diện đi xây dựng vùng KTM thời điểm đó cho biết, họ thực hiện theo lời kêu gọi của UBND huyện Kim Bảng vào vùng KTM tại khu đầm lầy Tam Chúc. Ngày ấy, họ được cán bộ xã cấp cho 360m2 đất ở và đất nông nghiệp để làm ăn sinh sống.
Sau đó người dân vẫn đóng thuế theo quy định của nhà nước, tuy nhiên khi họ có nguyện vọng cấp giấy CNQSD đất thì được chính quyền thông báo chỉ có 200m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, nhưng nằm trong vùng quy hoạch dự án nên không được giải quyết. Về sau, phần diện tích đất ở cũng bị thu hồi để thực hiện nhiều dự án, trong đó có Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc (sau đây gọi tắt là Dự án).
Ông Nguyễn Quang Cào (tổ dân phố số 1, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) không giấu được nỗi bức xúc kể lại: “Năm 1991 gia đình tôi đi xây dựng vùng KTM theo lời kêu gọi của huyện Kim Bảng. Thời điểm đó họ trống dong cờ mở, đưa dân ngoài Nhật Tân vào khu đầm lầy Tam Chúc - Ba Sao làm kinh tế. Khi chúng tôi vào cả một vùng Ba Sao này lầy lội, cỏ mọc um tùm, tất cả đều phải bắt tay từ con số không”.
Theo lời ông Cào, thời điểm đó địa chính xã đã đo đạc cho gia đình ông diện tích đất là 1296 m2, trong đó có 360m2 đất ở. Đến năm 2002, UBND huyện thu hồi 1092 m2 đất để làm dự án đập tràn cứu hộ. Trong đó, nhà nước mới chỉ chi trả tiền bồi thường 200m2 đất thổ cư, còn lại 160m2 đất ở và một phần đất vườn với tổng diện tích là 204m2.
"Năm 2015, gia đình tôi tiếp tục bị thu hồi 204 m2 này để thực hiện việc san lấp xây dựng khu trung tâm đón tiếp, nghỉ dưỡng thuộc dự án. Trong đó có 28m2 đất ở tại thửa đất số 57, thuộc tờ bản đồ số 6 (bản đồ xã Ba Sao, tỷ lệ 1/2000, lập năm 2002) và 176m2 đất còn lại (tổng diện tích 204m2) nhưng được cho là đất công", ông Cào trình bày.
Nhiều hộ dân bức xúc bởi việc thu hồi đất của UBND thị trấn Ba Sao |
Cũng giống như trường hợp ông Cào, anh Nguyễn Quang Thắng (tổ dân phố số 1 thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) thì bức xúc cho hay: “Diện tích 160m2 đất ở nhà tôi họ cắt đi lúc nào không biết và chỉ cấp cho người dân quyền sử dụng đất là 200m2. Khi chúng tôi hỏi thì chính quyền Thị trấn Ba Sao bảo là dự án không thành (Dự án đi xây dựng vùng KTM-PV) và chỉ cấp 200m2 đất ở, nhưng chúng tôi không hề nhận được một giấy tờ liên quan nào".
Anh Thắng cũng phản ánh, trong khi quyết định thu hồi đất được ký năm 2016 nhưng đến tháng 4/2017 gia đình anh mới nhận được. Ngoài ra, có rất nhiều gia đình nếu không hỏi chính quyền địa phương thì họ cũng không biết những quyết định thu hồi đất đó. Chỉ đến khi các hộ dân lên lấy tiền đền bù thì mới biết đất bị thu hồi để thực hiện dự án.
Cũng liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện dự án còn có hàng chục hộ dân khác cũng phản ánh việc quyền lợi của họ không được giải quyết thỏa đáng, công tác GPMB còn nhiều bất cập, nhiều điểm không minh bạch. Đơn cử như hộ gia đình: ông Nguyễn Quang Long, Vũ Thị Thi, Đinh Văn Hữu, Trần Quang Thắm,... Thậm chí, có trường hợp chưa nhận được tiền đền bù nhưng đã bị cưỡng chế, phá dỡ nhà đẩy người dân vào cảnh “màn trời, chiếu đất” như hộ bà Vũ Thị Thi, ông Nguyễn Quang Long.
Cần xem xét, giải quyết thỏa đáng cho người dân
Trao đổi với PV về những phản ánh trên, ông Nguyễn Trung Văn - Chủ tịch thị trấn Ba Sao cho hay: Sau một giai đoạn đầu tư không có kinh phí thì ngày 12/12/1995, UBND huyện Kim Bảng đã ra một văn bản chỉ đạo số 357 có mấy nội dung đề cập là: Dự án KTM không khả thi nữa và nếu hộ nào có nguyện vọng ở lại thì làm đơn đề nghị để Ba Sao xem xét cho ở lại.
Đầu tiên chỉ có 14 hộ sau đó thêm 2 hộ là thành 16 hộ. Các hộ này đã có đơn đề nghị các chế độ lên ban KTM của huyện và huyện đã có văn bản trả lời. Trong đó, mọi chế độ sẽ chấm dứt từ 12/12/1995 và trong công văn có chỉ đạo bàn giao tất cả đất đai, kể cả đất ở sản xuất do Ba Sao bố trí. Sau khi nhập khẩu xong thì tiến hành cấp giấy CNQSD đất cho người dân.
Điều này cũng lý giải cho việc tại sao nhiều hộ dân chỉ được cấp 200m2 đất ở. Ngoài ra ông Văn cũng cho rằng, chính quyền địa phương đã làm đúng quy trình, công tác bồi thường GPMB đã đảm bảo tính khách quan.
Thế nhưng, việc này hoàn toàn trái ngược với những gì nhiều hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất thực hiện dự án đã phản ánh.
Giải thích về một số trường hợp cho rằng diện tích đất nông nghiệp không được đền bù, theo ông Văn thì trước đó người dân đã ký hợp đồng thuê đất với UBND thị trấn Ba Sao. Bởi vậy, không có căn cứ để xem xét đền bù về đất cho người dân? Ví dụ như trường hợp của ông Trần Quang Thắm (sử dụng 768m2 đất nông nghiệp),... Tuy nhiên, một số hộ dân phản ánh, họ không hề ký hợp đồng thuê đất với UBND xã nhưng vẫn không được bồi thường cho phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Quyết định của UBND huyện Kim Bảng cấp đất ở cho người dân đi vùng KTM tại Thị Trấn Ba Sao |
Ngoài ra, ông Văn cũng không cung cấp thông tin gì thêm về dự án vì cho rằng “không thuộc thẩm quyền” và đề nghị PV làm việc với cấp cao hơn. Liên quan đến những nội dung phản ánh trên của người dân, PV đã liên hệ UBND huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua nhưng không nhận được phản hồi từ đơn vị này.
Việc thực hiện chủ trương chính sách và triển khai thực hiện Dự án khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao là hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng vấn đề phản ánh trên của người dân về công tác GPMB là hoàn toàn có cơ sở và cần được chính quyền các cấp xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân có diện tích đất bị thu hồi.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Kim Bảng cần nhanh chóng vào cuộc và làm rõ những phản ánh trên. Từ đó, có câu trả lời thỏa đáng, kịp thời cho dư luận và người dân được biết.