Theo đó, Tiểu Trần, một nữ sinh trường trung học chuyên nghiệp nghe theo lời bạn bè rủ rê đã chấp nhận để đối tượng tiêm thuốc kích thích trong 10 ngày liền. Đến ngày bắt đầu rụng trứng, Trần được đưa đến một địa điểm bí mật để lấy trứng.
Suýt mất mạng vì bán trứng
Những kẻ bất lương đã lấy 21 quả trứng mà chỉ trả cho cô 10 ngàn RMB (33 triệu VND) “phí bồi dưỡng”. Do bị tiêm thuốc kích thích, buồng trứng phình to hơn bình thường, trứng rụng quá nhiều nên Tiểu Trần bị xuất huyết nội đến ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu, may mà giữ được tính mạng.
Một chuyện khó tưởng tượng nổi như thế không ngờ hiện trở thành chuyện khá phổ biến, đáng báo động ở Trung Quốc. Ở gần Trung tâm y học sinh sản số 3, Bệnh viện Bắc Kinh, ven đường đi bộ và trên thành cầu vượt nhan nhản các quảng cáo “mua trứng” và “tìm người mang thai hộ”.
Chợ đen buôn bán trứng đã được hình thành từ thực tế số cặp vợ chồng vô sinh (không có thai, không sinh con được) đang ngày một nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2015 có tới trên 40 triệu người mắc chứng vô sinh, có khoảng 3 triệu phụ nữ trong tuổi sinh muốn được hỗ trợ kỹ thuật để sinh con; thứ hai là sau khi chính phủ nới lỏng chính sách sinh đẻ, cho phép sinh con thứ 2, nhiều cặp vợ chồng đã lớn tuổi nhưng vẫn muốn có con nên phải đi mua trứng.
Tại một chợ đen giao dịch trứng ở Bắc Kinh, giá trứng được chào mời từ 20 đến 60 ngàn RMB (tệ), tùy theo diện mạo, nhóm máu, màu da và học lực của người bán. Nhiều thiếu nữ vì cần tiền để học hành, mua sắm đua đòi, ăn chơi… đã trở thành nguồn cung, còn những kẻ môi giới cũng kiếm được tới cả chục ngàn tệ mỗi trường hợp giao dịch thành công.
Tuy nhiên, trong khi những kẻ môi giới dễ dàng kiếm tiền, làm giàu nhờ hoạt động phi pháp này, thì người bán lại đứng trước nguy cơ bị viêm nhiễm và thương tổn bên trong. Để lấy được nhiều trứng, người bán phải tiêm vào cơ thể một số thứ thuốc có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Nguy hiểm hơn, quá trình lấy trứng rất có nguy cơ để lại di chứng dẫn đến vô sinh, sau này hối không kịp. Thế nhưng, “có lợi là làm”, do nhu cầu thị trường rất lớn, chính phủ lại không có dịch vụ y tế tương xứng nên dịch vụ môi giới giao dịch ngầm đã mọc lên như nấm sau mưa, việc mua bán trứng ngang nhiên tồn tại như một bí mật được công khai, kèm theo là chợ đen mang thai hộ.
Nữ sinh Tiểu Trần 17 tuổi suýt chết vì bị tổn thương khi bán trứng |
Những kẻ môi giới thường lấy danh nghĩa “người tình nguyện mang thai hộ nhân đạo” để tuyển mộ những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở cần kiếm tiền, vai trò thực tế mà họ sắm là cho thuê tử cung. Người mang thai hộ căn cứ điều kiện xuất thân của mình, có thể nhận được thù lao từ 100 đến 200 ngàn tệ (330 đến 660 triệu VND).
Cũng giống như mua bán trứng, các phụ nữ mang thai hộ đều đối diện với mối nguy hiểm rất lớn. Ví dụ bên trả tiền thuê có thể can thiệp vào bữa ăn của họ để dưỡng thai; nếu thai nhi là gái, bên thuê có thể yêu cầu phá thai; trong thời gian mang thai không được đi đâu, bị giám sát chặt chẽ, rất vô nhân đạo.
Thị trường mua bán trứng chui “tấn công” nữ sinh
“Cần nữ sinh tự nguyện hiến trứng, trong 15 ngày có thể thu nhập từ 8 ngàn đến 40 ngàn tệ”. “Những nữ sinh cần tiền để chi tiêu, trong 15 ngày có thể thu nhập từ 8 ngàn đến 40 ngàn tệ, chân thành mời 100 cô gái tự nguyện hiến trứng.
Yêu cầu: tuổi từ 26 trở xuống, có trình độ văn hóa đại học trở lên, cao 1m55 trở lên, không có bệnh truyền nhiễm. Diện mạo chỉ cần mức ưa nhìn trở lên, điều kiện càng tốt thù lao càng cao, nếu quê ngoại tỉnh thì bao tiền đi lại, ăn ở”.
Vào một buổi tối gần đây, Tưởng Văn - nữ sinh năm thứ 2 và nhiều nữ sinh ở khu Lương Hương, Đại học Khoa học tự nhiên Bắc Kinh - nhận được những tin nhắn “quyên trứng” kiểu như thế; tuy nhiên chúng được gửi từ các số điện thoại khác nhau.
Tưởng Văn nói, trước đây cô đã nhận được nhiều tin nhắn quảng cáo, nhưng chưa bao giờ nhận được tin nhắn “quyên trứng” nên cảm thấy rất “kỳ quặc khó hiểu”. Thậm chí một nam sinh họ Cố cũng nhận được tin nhắn. Cố đã nhắn tin hỏi bạn học thì có 7 người trả lời cũng nhận được tin như thế, “tất cả đều ở cùng khu Lương Hương”.
Phóng viên Tân Kinh Báo đã liên hệ qua mạng Wechat thì người nhắn cho biết: Nhắn với mục đích giúp đỡ những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn: “một số phụ nữ buồng trứng có vấn đề, không sinh được con nên chị có thể tìm đến sự giúp đỡ của những người tình nguyện quyên trứng”. Người này nói ông ta chỉ làm nhiệm vụ môi giới.
Những người tình nguyện quyên trứng trước hết phải gửi một ảnh bán thân, một ảnh toàn thân và 1 đoạn video kèm tờ phiếu kê khai tên tuổi, học lực, tình trạng hôn nhân, chiều cao, cân nặng, nghề nghiệp, mắt 1 mí hay 2 mí, sở trường, sở thích để chuyển cho khách hàng. Nếu khách hàng hài lòng mới bàn đến chuyện thực hiện công đoạn lấy trứng…
Trong vai một người quen biết các cô gái muốn bán trứng do cần tiền xài, phóng viên Tân Kinh Báo đã tìm gặp ông Tào X, người đã gửi đi các tin nhắn đó. Tào cho biết ông nhắn tin với thái độ nghiêm túc, số tiền thù lao ông trả căn cứ theo chiều cao, diện mạo và học lực của cô gái.
Sau khi dò hỏi phóng viên một số thông tin, Vương đã thông báo giá cả và nói: nếu giới thiệu thành công, phóng viên sẽ nhận được 10% số tiền “phí bồi dưỡng” cho người quyên trứng. Mức thù lao sẽ được trả theo chiều cao, diện mạo và học lực của cô gái.
“Nếu xinh đẹp thì có thể được 2-3 chục ngàn tệ. Một nữ sinh 23 tuổi ở Đại học Chiết Giang xuống Quảng Châu quyên trứng, do có khuôn mặt giống Phạm Băng Băng nên được khách hàng cho tới 180 ngàn tệ” – Tào kể.
Việc lấy trứng được tiến hành thế nào? Phụ nữ nói chung chỉ rụng 1 trứng trong 1 chu kỳ kinh nguyệt. Do trứng rụng quá ít, ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai nên phải sử dụng đến thuốc kích thích để một lần có thể rụng hàng chục trứng, sau đó lấy khỏi cơ thể qua thủ thuật mổ hoặc nội soi “gắp” qua đường sinh.
Toàn bộ quy trình diễn ra từ 7 đến 12 ngày, sau khi tiêm mũi cuối cùng 36 giờ sẽ làm thủ thuật lấy trứng. Trước khi lấy trứng phải trải qua các giai đoạn: xem mặt, thỏa thuận giá cả và đến bệnh viện khám sức khỏe.
Chợ đen mua bán trứng đang trở thành vấn đề nóng ở Trung Quốc |
Mua bán trứng trái phép có thể bị phạt tù
Luật sư Hàn Kiêu ở Văn phòng luật Khang Đạt Bắc Kinh khẳng định: “Mua bán trứng là hành vi vi phạm pháp luật”. Hiện nay Bắc Kinh chưa có bất cứ cơ sở nào được cơ quan hữu quan cho phép quyên trứng, cũng chưa có bất cứ bệnh viện nào triển khai dịch vụ này.
Văn bản “Biện pháp quản lý kỹ thuật trợ sinh” quy định rõ: Tất cả các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đều phải được tiến hành tại các bệnh viện chính quy, lấy mục đích là điều trị, phù hợp chính sách sinh đẻ của nhà nước, nguyên tắc luân lý và quy định pháp luật liên quan; cấm các nhân viên và cơ sở y tế thực thi mọi hình thức kỹ thuật mang thai hộ mua bán trứng, phối tử (gamette), hợp tử (Heterozygous)…
Mặc dù Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa dân số Trung Quốc đã xác định rõ: nghiêm cấm mọi hình thức quyên tặng hay cung ứng trứng mang tính thương mại, nhưng thực tế việc mua bán trứng vẫn tồn tại và đang có xu thế gia tăng.
Luật sư Hàn Kiêu cho rằng, sở dĩ hoạt động mua bán trứng trở nên rầm rộ như thế là do luật pháp về vấn đề này chưa hoàn thiện. Để tránh xảy ra tình trạng này, nhà nước cần nhanh chóng lập ra các “ngân hàng trứng” và kịp thời hoàn thiện pháp luật, pháp quy hữu quan và tăng cường các biện pháp trừng phạt.
Ông nói: “Luật Hình sự chưa quy định rõ việc mua bán trứng là hành vi phạm tội hoặc kinh doanh trái phép”. Ông cho rằng, việc lấy trứng phải được tiến hành trong bệnh viện; nếu cơ sở y tế tư nhân tiến hành hoạt động giao dịch trứng phi pháp phải bị coi là phạm tội kinh doanh trái phép, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt 5 năm tù trở lên kèm theo phạt tiền. Nếu là những người không có bằng cấp tiến hành hoặc bác sĩ làm thủ thuật tại nơi không được cho phép thì bị coi là phạm tội hành nghề trái phép...