Bà Diệp Thảo và khát vọng về những người nông dân hạnh phúc

(PLVN) - Tại Hội nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê nước ngoài trong khuôn khổ Ngày cà phê Việt nam 2019 tổ chức tại Gia Lai vừa qua, bà Lê Hoàng Diệp Thảo – nhà sáng lập thương hiệu King Coffee đã giới thiệu dự án cộng đồng Happy Farmers – mục đích hướng tới là mang đến những gì tốt đẹp nhất cho nông dân trồng cà phê.
Bà Diệp Thảo trao đổi với đối tác, khách hàng tại hội nghị
Bà Diệp Thảo trao đổi với đối tác, khách hàng tại hội nghị

Tại hội nghị, nữ tướng của King Coffee mang đến những thông tin dự báo về tương lai của thị trường cà phê thế giới cùng với những cơ hội rất lớn của ngành cà phê Việt Nam. Để nắm bắt được cơ hội đó, bà Diệp Thảo cho rằng có rất nhiều việc cần làm mà một trong những vấn đề quan trọng nhất là xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.

Bắt đầu từ việc định vị cà phê Việt Nam đang ở đâu, khi Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng cho đến nay vị thế của cà phê Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Tiếp đến là quảng bá sản phẩm đến với khách hàng thế giới, làm sao để mang lại hiệu quả trước những khó khăn của doanh nghiệp và tính cạnh tranh gay gắt. Việc này có thể dựa vào sự phát triển của Internet mà cốt lõi có thể là những câu chuyện ấn tượng, thú vị về cà phê Việt Nam.

Bà Thảo chia sẻ, Việt Nam có hơn 150 năm trồng cà phê, chừng ấy năm cũng sẽ có rất nhiều câu chuyện để nói về cà phê, bề dày lịch sử với những thăng trầm đủ để tạo thành văn hóa cà phê đặc trưng của người Việt, như cách thưởng thức cà phê phin, cà phê sữa đá, cà phê trứng. Những điều này thật sự tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng quốc tế bởi trong những chuyến công tác nước ngoài, bà Thảo đã rất nhiều lần áp dụng và mang lại hiệu quả.

Trở lại với câu chuyện làm cà phê của doanh nghiệp, một dự án của King Coffee được nhiều người quan tâm bởi những ý nghĩa cộng đồng và tính bền vững của nó. Đó là dự án “Happy Farmers” (Những người nông dân hạnh phúc). Theo bà Diệp Thảo, đây là dự án cộng đồng mà bà ấp ủ nhiều năm qua, đến nay bắt đầu triển khai mạnh để mang đến đời sống tốt đẹp hơn cho bà con nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Mục tiêu của dự án Happy Farmers là giúp người nông dân trồng ra những hạt cà phê có chất lượng cao hơn, đồng thời áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Ngoài ra, còn giúp các thế hệ thành viên trong gia đình họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thông qua các chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, chữa bệnh…

Dự án Happy Farmers cũng là một phần quan trọng trong đề xuất chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam, đó là chiến lược sản xuất. Happy Farmers sẽ giúp cải thiện năng suất và chất lượng hạt cà phê Việt Nam. Người nông dân trong giai đoạn mới cần có kiến thức về các chứng nhận trong ngành cà phê như UTZ, 4C, Rain Forest Alliance, Fair Trade. Bởi vì giá trị vô hình, chất lượng hạt được khẳng định trong xuyên suốt chuỗi giá trị thông qua các chứng nhận của các tổ chức nổi tiếng trên thế giới.

Bà Thảo chia sẻ rằng, ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp trong ngành cà phê, bà nhận thấy rằng cà phê hoàn toàn có thể trở thành ngành hàng chủ lực rất quan trọng đối với Việt Nam. Bà đã yêu cà phê như chính những đứa con, dành cuộc đời mình để tạo ra những sản phẩm cà phê có chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đó cũng là món quà ý nghĩa nhất mà bà đền đáp cho quê hương mình.

“Khát vọng của tôi là xây dựng được thương hiệu cà phê Việt mang tầm vóc toàn cầu, có thể ngang tầm với các tập đoàn đa quốc gia trong ngành cà phê. Chỉ có những nỗ lực đó mới giúp nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam và xứng đáng với vị thế của Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới và đứng thứ 2 thế giới về tổng sản lượng cà phê xuất khẩu”, bà Thảo chia sẻ tâm huyết.

Đọc thêm