Cá tra mất dần thị trường ở châu Âu: Vì bị bôi nhọ, hay sai lầm chiến lược?

(PLO) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói, việc truyền thông nước ngoài bôi nhọ cá tra - đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa đã được thực hiện thành các chiến dịch ở nhiều nước Châu Âu từ năm 2010 và bây giờ lại tiếp tục xuất hiện “chiêu” này. 
Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt gần 261 triệu USD - giảm 8,5% so với năm 2015
Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt gần 261 triệu USD - giảm 8,5% so với năm 2015

Cũng có ý kiến cho rằng từ loại cá có giá khá cao, nhưng do các nhà xuất khẩu của Việt Nam liên tục hạ giá nhằm tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào châu Âu và đó cũng là  một trong những lý do khiến ngành hàng này phải lãnh hậu quả như bây giờ 

Làm mất lòng tin...

Theo VASEP, mới đây tập đoàn bán lẻ lớn của châu Âu là Carrefour dừng tiêu thụ sản phẩm cá tra của Việt Nam với lý do Đài truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira”, với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong. 

VASEP cho rằng sau phóng sự này, chuỗi siêu thị bán lẻ châu Âu Carrefour đã tuyên bố sẽ ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ, cũng như trên các quầy tươi ở Pháp mặc dù EU đảm bảo không có vấn đề về sức khỏe với việc ăn cá. 

“Điều đáng lo ngại chính là nhận thức tiêu cực về cá tra vẫn còn tồn tại, bất chấp việc ngành nuôi trồng cá tra đã phát triển đến mức chuyên nghiệp hóa và chất lượng sản phẩm đã được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận”, thông cáo của VASEP nói.

Theo Hiệp hội này, việc truyền thông nhằm bôi nhọ cá tra – đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa đã được thực hiện thành các chiến dịch ở nhiều nước Châu Âu từ năm 2010 đến nay lại tiếp tục. Thông tin thiếu chính xác từ các hãng truyền thông nước ngoài đã gây ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh và lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm cá tra Việt Nam. 

Tìm hiểu của PLVN được thấy, trong mấy năm gần đây, doanh số xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường EU liên tục sụt giảm. Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt gần 261 triệu USD, giảm 8,5% so với năm 2015; 4 thị trường chính là Hà Lan giảm 7,5%, Anh giảm 4,2%, Tây Ban Nha giảm 6,2% và Đức giảm 4,9%. 

Có sai lầm về chiến lược?

Cuối năm 2016, tại “Diễn đàn chính sách thương mại - An toàn vệ sinh thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, nhiều chuyên gia ngành thực phẩm đã cảnh báo các nhà xuất khẩu của Việt Nam nên xem lại chiến lược bán cá tra vào thị trường này.

Từ loại cá có giá khá cao, các nhà xuất khẩu của Việt Nam liên tục hạ giá nhằm tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào châu Âu. Sản lượng tăng nhanh chóng, giá xuống thấp đã giúp cá tra chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh với các loại cá khác vốn có mặt tại EU từ lâu, dẫn đến cuộc chiến về truyền thông. 

Theo ông Jean Charles Diener, Giám đốc – người sáng lập OFCO Sourcing Việt Nam, cá tra Việt Nam được công nhận có những thế mạnh về giá cả phải chăng, hương vị thơm, đã được rút xương và dễ chế biến, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa. Nhưng chính vì tiêu chí giá rẻ đã khiến cá tra Việt Nam bị một số nhóm cạnh tranh lợi ích với cá tra tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha... truyền thông tiêu cực trong nhiều năm nay.

Vị này phân tích thêm, vào năm 2002 tổng giá trị xuất khẩu cá tra chỉ đạt 690 tấn nhưng chỉ trong vòng 6 năm – đến năm 2008, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đã đạt tới con số 640 ngàn tấn. Không chỉ chịu rủi ro do việc phát triển quá nhanh, cá tra Việt Nam đang trả giá hàng loạt vấn đề từ  an toàn thực phẩm, và nhất là tai tiếng cá tra sản phẩm giá rẻ. 

“Do cạnh tranh khốc liệt với những mặt hàng thủy sản khác nên cá tra phải chịu dư luận xấu chống lại nó. Nhà xuất khẩu Việt Nam tự làm khó mình khi tiến hành giảm giá để giữ thị trường. Điều này khiến cá tra ngày càng bị coi là sản phẩm giá rẻ. Với sự hỗ trợ từ các Hiệp hội và nhà nước, những nhà xuất khẩu cần làm việc cùng nhau để cải thiện hình ảnh cá tra. Điều này sẽ làm giảm đáng kể vấn đề về an toàn thực phẩm mà ngày nay thường được sử dụng như những rào cản thương mại”, ông Jean Charles Diener khuyến cáo. 

Chủ động ứng phó với Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ

Phát biểu tại Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm và bàn giải pháp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của ngành Thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: Năm 2017 cần tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý đối tượng cá tra như hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về quản lý cá tra (thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP); gấp rút xây dựng và trình ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản lý cá tra và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến cá tra.

Yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị của Bộ và các Bộ ngành liên quan tham mưu nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao chủ động ứng phó với Chương trình giám sát cá da trơn theo đạo luật nông trại (Farbill) của Mỹ; tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 3 thị trường: Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Đọc thêm