Đắk Lắk: Nghi án giả mạo chữ ký chiếm đoạt đất rẫy

(PLO) -Hết thời hạn 7 năm thuê đất rẫy, bên thuê không chịu trả lại đất cho ông Y K’Mlô (còn gọi là Amaen, SN 1958, ngụ buôn Drah 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk). Trải qua nhiều lần hòa giải, và 3 phiên tòa nhưng sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý. 
Ông Y K’Mlô nói thêm về nội dung các giấy tờ viết tay
Ông Y K’Mlô nói thêm về nội dung các giấy tờ viết tay

Mất đất sau ngày cho thuê

Theo đơn tố cáo của ông Y K’Mlô, gia đình ông có một mảnh đất rẫy với diện tích 1.433,0ha, do gia đình ông tự khai phá và trồng cà phê từ năm 1990. Năm 1999, ông Y Kung Niê (ngụ cùng buôn) nhiều lần đến gặp và hỏi mua lô đất trên nhưng ông Y K’Mlô không bán.

Sau nhiều tìm gặp, vì quá nể nang, ông Y K’Mlô cho Y Kung thuê với thời hạn 7 năm. Hai bên tự thỏa thuận bằng miệng với nhau giá 40 triệu đồng/ha, tổng số tiền thuê là 48 triệu.

Sau khi thống nhất, ông Y K’Mlô yêu cầu Y Kung viết hợp đồng cam kết nội dung như đã thỏa thuận nhưng người thuê cứ chần chừ mãi không chịu làm. Nhiều lần thúc giục, cuối cùng Y Kung đưa trước 40 triệu đồng tiền mặt cho Y K’Mlô và hứa đến 30/2/2000 sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại.

Đến hẹn, ông Y Kung đưa cho Y K’Mlô 7 triệu đồng và hai tờ giấy với các nội dung: sang nhượng đất rẫy cà phê và giấy giao tiền mua rẫy cà phê.  Thấy người hàng xóm đưa thiếu 1.000.000 đồng, ông Y K’Mlô không nhận tiền. Mặt khác, ông hoàn toàn không có ý định bán lô đất rẫy này nên phản đối, không ký vào giấy.

Theo ông Y K’Mlô nội dung tờ giấy giao nhận tiền là do phía ông Y Kung “tự biên tự diễn”
Theo ông Y K’Mlô nội dung tờ giấy giao nhận tiền là do phía ông Y Kung “tự biên tự diễn” 

Lúc đó, ông Y Kung bảo sợ mất số tiền 40.000.000 đồng đã đưa trước đó nên khăng khăng yêu cầu Y K’Mlô phải ký vào giấy làm tin. Vì thiếu hiểu biết nên Y K’Mlô đã để người con trai ký vào giấy xác nhận đã nhận số tiền trên.

Đến năm 2007, hết hạn hợp đồng, ông Y K’Mlô đến đòi lại rẫy thì ông Y Kung không chịu trả lại mà còn thách thức: “Khi nào tao chết thì tao mới trả lại rẫy cho mày”. Ông Y K’Mlô đành để cho người hàng xóm tiếp tục canh tác đồng thời viết đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp. 

Đến ngày 15/2/2012, ông Y Sách Niê (lúc đó đang là Phó Trưởng Công an xã Cư Né) đồng thời là cậu ruột của vợ Y Kung tự ý tiến hành đo đạc đất rồi mời Y K’Mlô đến nhà Y Kung để hòa giải. Dù đã nhượng bộ để lại 5.000m2 cho phía thuê đất nhưng cuộc hòa giải vẫn không thành vì Y Kung không chịu bởi ông này cho rằng mình đã mua số đất trên. Đến lúc này, ông Y K’Mlô đành phải viết đơn khởi kiện để TAND huyện Krông Búk làm trọng tài phân định đúng sai. 

Tòa vi phạm thủ tục tố tụng

Ngày 8/7/2014, TAND huyện Krông Búk đã đưa vụ việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” trên ra xét xử. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên xử: Bác đơn khởi kiện của ông Y K’Mlô.

Công nhận hợp đồng sang nhượng giữa vợ chồng ông Y K’Mlô và ông Y Kung Niê; buộc hai bên phối hợp làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất và tài sản trên đất cho ông Y Kùng được tiếp tục sử dụng và canh tác; buộc vợ chồng ông Y Kung trả hơn 80 triệu cho ông Y KM’lô. 

Theo ông Y K’Mlô nội dung tờ giấy giao nhận tiền là do phía ông Y Kung “tự biên tự diễn”
Theo ông Y K’Mlô nội dung tờ giấy giao nhận tiền là do phía ông Y Kung “tự biên tự diễn” 

Không chấp nhận bản án trên, chủ đất làm đơn kháng án. Ngày 30/7/2014, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vì cho rằng: Cấp sơ thẩm không đưa vợ ông Y K’Mlô và vợ ông Y Kùng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; Không buộc ông Y K’Mlô phải chịu án phí theo ngạch, nguyên đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng đất và sản lượng cà phê mà ông Y Kung thu hoạch được trên rẫy cà phê nhưng bản án sơ thẩm lại giải quyết hậu quả của hợp đồng sang nhượng rẫy cà phê là vượt quá vi phạm khởi kiện và vi phạm Điều 5 BLTTDS. Đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án theo hướng nêu trên.

Ngày 9/4/2015, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm và tuyên xử: Chấp nhận một phần quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk. Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Y K’Mlô. Giữ nguyên nội dung của bản án sơ thẩm số 10/2014 của TAND huyện Krông Búk. 

Không chấp nhận với bản án trên nguyên đơn tiếp tục làm đơn kháng cáo lên tòa giám đốc thẩm. Ngày 3/6/2016, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án trên ra xét xử lần 3.

Tại tòa, xét thấy về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm chưa yêu cầu bị đơn nộp tiền tạm ứng án phí nhưng đã xem xét, giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn là công nhận hợp đồng sang nhượng lập ngày 17/5/1999 giữa hai bên, giao diện tích đất và tài sản trên đất cho vợ chồng ông Y Kung được tiếp tục sử dụng, canh tác là không đúng quy định tại Điều 176, BLTTDS năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) và hướng dẫn tại khoản 1, Điều 13 Nghị quyết số 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Chữ ký giả mạo?

Cũng tại phiên Giám đốc thẩm xét thấy về nội dung; Tại giấy sang nhượng đất rẫy cà phê chỉ có xác nhận của thôn trưởng, theo quy định Điều 707, BLDS năm 1995, khoản 2, Điều 31 Luật đất đai năm 1993, Điều 11 Nghị định số 17 năm 1999 về thi hành Luật đất đai năm 1993 thì hợp đồng chuyển nhượng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải được làm thủ tục đất đai và đăng ký tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật. 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Y K’Mlô
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Y K’Mlô

Giấy sang nhượng giữa hai hộ chưa làm thủ tục và đăng ký nên chưa phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Đồng thời tại Kết luận giám định số 161/PC54 ngày 16/8/2013, Phòng KTHS Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận chữ viết “Amaen” trong tài liệu cần giám định A1,A2 (Giấy sang nhượng và Giấy nhận tiền) so với chữ viết “Amaen” trong tài liệu mẫu so sánh không phải do cùng một người viết ra. 

Mặt khác, trong bản tự khai của người làm chứng là ông Y Sắc Mlô (chú ruột vợ bị đơn) lời khai không thống nhất. Trong bản tự khai thì người làm chứng cho biết hai bên nhờ nên ông viết hộ cả hai giấy, nơi người sang nhượng và nơi người ký nhận tên “Amaen” là chữ viết do ông tự viết, ngoài ra không ai viết. 

Nhưng tại biên bản hòa giải người làm chứng lại khai: Chữ ký “Amaen” là do ông viết hộ vì ông “Amaen” không biết chữ. Còn thôn trưởng - người cùng ký trong các văn bản khai: Diễn biến sự việc như thế nào thì không được biết, chỉ khi ông Y Kung đưa giấy sang nhượng đã lập sẵn có chữ ký đôi bên bảo ông làm chứng ký thì ông xác nhận. 

Chính vì vậy, tòa giám đốc thẩm quyết định: Hủy toàn bộ bản án phúc thẩm số 51 của TAND tỉnh Đắk Lắk và bản án sơ thẩm số 10 của TAND huyện Krông Búk. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Krông Búk để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, ông Y Thân Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né cho biết: “Năm 2012, chính quyền xã có nhận được đơn khiếu nại của ông Y K’Mlô Mlô liên quan đến việc tranh chấp đất đai với ông Y Kung Niê. Ban hòa giải xã đã tiến hành mời hai bên lên hòa giải nhưng hai bên không thống nhất được. Do đó, ban hòa giải đã tiến hoàn tất hồ sơ và chuyển lên TAND huyện xem xét giải quyết”.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Y K’Mlô
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Y K’Mlô
Ông Y K’Mlô cho biết: Lô đất trên nguyên là của gia đình ông khai phá, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1996. Sau hai phiên tòa xét xử chưa thỏa đáng, bởi còn nhiều tình tiết vô lý, phía bị đơn và người làm chứng là họ hàng tự ý lập Giấy sang nhượng và Giấy nhận tiền với chữ ký giả mạo để mưu đồ chiếm đoạt đất của tôi. Tôi mong tòa án nhân dân cấp cao xem xét đúng bản chất sự việc, lấy lại đất đai, lấy lại công bằng cho gia đình tôi”.

Đọc thêm