Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa: Cần xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ

(PLVN) - Kết thúc năm 2020, vẫn còn 91 doanh nghiệp (DN) chưa được cổ phần hóa (CPH) theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong rất nhiều giải pháp mà Bộ Tài chính đề xuất thì hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả là giải pháp có vẻ “mới” hơn cả.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố kết quả xác định giá trị Cổ phần hóa của Tổng công ty Phát điện 2 đạt gần 2 tỷ USD.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố kết quả xác định giá trị Cổ phần hóa của Tổng công ty Phát điện 2 đạt gần 2 tỷ USD.

91 doanh nghiệp “lỗi hẹn” 

Không phải năm Covid-19 vừa qua mà từ rất nhiều năm nay, mỗi khi kết thúc năm, “điệp khúc” không hoàn thành kế hoạch CPH lại được vang lên.

Báo cáo của Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 7 DN, trong đó có 1 DN thuộc kế hoạch CPH theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHHMTV Giống gia súc Hải Dương; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã hoàn thành công bố giá trị DN của 1 Tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco2), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã công bố giá trị DN Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải - TKV để CPH.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 178 DN đã CPH thì chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Như vậy, còn 91 DN chưa hoàn thành công tác CPH.

Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 như: TP Hà Nội còn 13 DN (4 Tổng công ty); TP Hồ Chí Minh còn 38 DN (11 Tổng công ty); Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN còn 6 DN (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương còn 4 DN (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng còn 2 Tổng công ty.

Bên cạnh đó, việc triển khai bán cổ phần cho các đối tượng (nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai)  mới chỉ đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN. 

Năm 2025 cơ bản hoàn thành cổ phần hóa

Trong số rất nhiều nguyên nhân chậm CPH thoái vốn được chỉ ra, theo các chuyên gia, những trường hợp còn lại chưa hòan thành CPH thoái vốn thường rơi vào các DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các DN hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp “muôn thủa” như hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN); xây dựng danh mục tiêu chí DNNN thực hiện CPH, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN…, trong đề xuất lần này, Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

Đơn vị này cũng đề nghị xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; Xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể…

Cục này cũng đề xuất phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, thoái vốn các DNNN. Cụ thể: Rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án CPH, thoái vốn với phương án phá sản, bán toàn bộ DN, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả cao.

Mặt khác, thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước hoặc các DNNN (ví dụ như SCIC) nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối (đối với một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia). Tuy nhiên, từ đề xuất đến triển khai là cả một vấn đề và không dễ để xử lý dứt điểm các dự án yếu kém. 

Đọc thêm