Đề xuất oái ăm: Buộc siêu thị phải bán ngày lễ, giao hàng tận nhà

(PLO) - Theo cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhiều chuyên gia, nhiều đề xuất trong dự thảo “Nghị định Phát triển và quản lý phân phối” là gượng ép, ôm đồm, nội dung còn quá nhiều bất cập.
Nhiều quy định của dự thảo Nghị định về hoạt động phân phối bị đánh giá là bất hợp lý
Nhiều quy định của dự thảo Nghị định về hoạt động phân phối bị đánh giá là bất hợp lý

Nhiều quy định bị phản ứng mạnh

Nhiều nội dung trong dự thảo mà Bộ Công Thương đưa ra bị phản ứng mạnh như quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, thời gian mở cửa tối thiểu từ 10h đến 22h; siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua điện thoại, qua Internet, bưu điện…

Về khuyến mại và quảng bá, dự thảo quy định mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Trong đợt giảm giá phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá. 

Trong quy định về quản lý và điều hành siêu thị, trung tâm thương mại, dự thảo yêu cầu phải có ít nhất 1 giám đốc hoặc thành viên Hội đồng quản trị là người Việt. Ngoài ra, nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.

Ngoài ra, siêu thị, trung tâm thương mại phải sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác. Phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. 

Về tiêu chuẩn trung tâm thương mại, dự thảo yêu cầu phải có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên. Tiêu chuẩn siêu thị cũng phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2...

Chỉ ra nhiều bất cập của dự thảo, văn bản góp ý của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đặt nhiều câu hỏi và kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương. 

Theo Chủ tịch AVR Đinh Thị Mỹ Loan, “tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2” là không thực tiễn và sẽ giới hạn quy mô hoạt động của nhà bán lẻ. AVR góp ý không nên quy định “trần” diện tích cho siêu thị. 

Hiệp hội này còn đặt câu hỏi “trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000 m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào trung tâm thương mại, thì sẽ được phân loại vào loại hình nào”.

Về quy định “phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam”, cơ quan quản lý phải kiểm tra tính phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như cân nhắc kỹ tỷ lệ cao có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm chất lượng, cạnh tranh tương xứng. 

Tương tự, yêu cầu siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua điện thoại, qua Internet, bưu điện, theo bà Loan, là không thực tế, cần được loại bỏ bởi không phải siêu thị nào cũng phải có dịch vụ này mà tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng đơn vị.

“Với quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h đến 22h, AVR phản đối vì cho rằng quy định trên không phù hợp thực tế, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh cũng như ngược chiều với thông lệ quốc tế” - bà Loan cho biết. 

Hay quy định “phải ghi rõ tên thương nhân kinh doanh siêu thị hoặc trung tâm thương mại, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin khác”, AVR đề nghị bỏ phần “và các thông tin khác” vì cụm từ này không rõ ràng, có thể sẽ bị diễn giải theo các hướng khác nhau làm khó cho doanh nghiệp.

Can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp

Còn trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng có quá nhiều vấn đề chưa hợp lý, như mục tiêu, quy định, yêu cầu với hoạt động phân phối… 

Dẫn chứng về quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại, ví dụ yêu cầu về nhân sự là người Việt Nam, yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam…, VCCI cho rằng chưa tính tới thực tế là hiện đã có Nghị định 09/2018/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài.

Theo VCCI, nhiều quy định can thiệp quá mức vào thị trường, đồng thời trái Luật Đầu tư do hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 

Điển hình như, quy định “thời gian mở cửa của siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h” là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không nên can thiệp.

Cơ quan này cũng cho rằng một số đề xuất quy định có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, như phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND có thẩm quyền phê duyệt”. Điều này có thể cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Theo VCCI, việc phê duyệt phương án kinh doanh của UBND là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép, nhưng không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này.

Ngoài ra, quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá tại dự thảo nghị định cũng chưa hợp lý. Bởi siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để đi ngược lại chính sách quy định riêng về khuyến mại, trong khi chính sách khuyến mại chung đã có.

Dự thảo có tham vọng thiết lập chính sách cho hệ thống phân phối ở Việt Nam, nhưng các dự kiến hiện tại của dự thảo lại chỉ có thể chi tiết ở hình thức “chợ” và một vài nội dung rất chung về “siêu thị, trung tâm thương mại”, hoàn toàn chưa có bất kỳ định hình nào về các hình thức phân phối khác, càng chưa có cái nhìn toàn cảnh nào về toàn bộ hệ thống phân phối.

Trước một loạt phản hồi không đồng tình, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan. Nhưng đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua. 

Bộ muốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa, cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan.

Bộ này cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đọc thêm