DEPOCEN cảnh báo khó khăn trong thu hút FDI thời gian tới

(PLO) - Mặc dù trong tháng 1/2017, lượng vốn FDI đăng ký cũng như thực hiện đều tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2016 song theo nhận định của các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI trong thời gian tới. 
Trong số các DN FDI, Samsung đã đầu tư nhiều nhà máy ở Việt Nam, với số vốn lên tới hàng tỷ USD
Trong số các DN FDI, Samsung đã đầu tư nhiều nhà máy ở Việt Nam, với số vốn lên tới hàng tỷ USD

Các chỉ tiêu kinh tế vẫn nằm trong kỳ vọng

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2017 do Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello phối hợp với DEPOCEN vừa công bố cho thấy trong tháng đầu tiên của năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh so với cùng kỳ do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán.

Với việc Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, tỷ lệ lạm phát CPI tháng 1/2017 so với cùng kỳ năm ngoái tăng cao và đạt mức 5,22%, vượt xa ngưỡng mục tiêu 4% của năm 2017. Chỉ số giá của hầu hết nhóm hàng (9/11 nhóm) đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với tháng trước, CPI chỉ tăng ở mức độ vừa phải là 0,46% (MoM) và nguyên nhân chủ yếu là do điều chỉnh giá xăng dầu (chỉ số giá nhóm giao thông tăng 3,21% và đóng góp 0,27 điểm phần trăm trong mức tăng chung). 

Sản xuất công nghiệp trong tháng 1 cũng bị ảnh hưởng bởi dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm tốc xuống còn 51,9 điểm (thấp hơn tháng 12/2016 là 52,4 điểm). 

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2017 đều tăng so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 1 tăng 7,56% (cao hơn mức 0,48% của tháng 1/2016) trong khi nhập khẩu tăng tới 15,8% (YoY) (tháng 1/2016 giảm 10,12%). Đáng chú ý trong tháng, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN đã giảm còn 30% khiến cho kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng khoảng 12% và số lượng ô tô nhập khẩu tăng gần 20%.

“Về cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 1/2017 vẫn nằm trong kỳ vọng…”, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello nhận định.

“Phập phồng” lo thu hút FDI và xuất khẩu

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2017, vốn đăng ký và thực hiện đều đạt khá. Ước tính lần lượt đạt 1.244 triệu USD và 850 triệu USD, tăng 23% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển và TPP rơi vào bế tắc, theo nhận định của các chuyên gia DEPOCEN, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Đây chính là thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017.

“Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết…”, Giám đốc DEPOCEN lưu ý.

Theo phân tích của DEPOCEN, sự thất bại của TPP sẽ khiến Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn bậc nhất và sẽ phải dần chuyển sang ưu tiên đàm phán thương mại song phương, đặc biệt là với các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế khác. Sự kiện Brexit kể từ sau tháng 3/2017 sẽ bắt đầu định hình rõ ràng ảnh hưởng đối với nền kinh tế Eurozone, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Ngoài ra, định hướng chính sách thương mại không rõ ràng của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của các nền kinh tế đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa. Việc nguồn vốn ngoại chững lại trước thông tin TPP không được Mỹ thông qua sẽ khiến xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh hơn khi khu vực FDI vẫn là động lực chính của xuất khẩu ở Việt Nam. 

Bài toán GDP và lạm phát

Theo dự báo của DEPOCEN, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 kỳ vọng đạt mức 6,3% (mục tiêu của Chính phủ là 6,7%). Nông nghiệp sẽ hồi phục nhẹ nhưng đóng góp không nhiều bằng công nghiệp và dịch vụ vào tăng trưởng cao hơn của năm 2017. Lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 4,3 - 4,5%. (mục tiêu của Chính phủ là dưới ngưỡng 4%). Lạm phát do ảnh hưởng của giai đoạn Tết Nguyên đán có thể sẽ nằm trên mức 5% trong quý I. 

Mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ở mức ngang với năm 2016 nhờ tác động kiểm soát lạm phát từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ duy trì ở mức 17 – 18% trong năm 2017 do nền kinh tế còn yếu. Tỷ giá tăng khoảng 1,5-2%. 

“Triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân tổng thống cùng việc Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm sẽ khiến đồng Đô la tăng giá so với đa số các đồng tiền trên thế giới bao gồm Việt Nam đồng (VND). Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá đáng kể nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào...”, báo cáo của  DEPOCEN phân tích.

Về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát dưới ngưỡng 4% trong năm 2017 mà Chính phủ đã đề ra, theo các chuyên giá DEPOCEN là khó, bởi giá lương thực thực phẩm có thể sẽ tiếp đà tăng trong năm sau do thời tiết nắng nóng cuối năm 2016. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu thế giới nhiều khả năng sẽ hồi phục tạo áp lực tăng giá nhiên liệu trong nước.

“Nếu Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ và gây thêm áp lực tăng chỉ số giá cả…”, ông Đinh Tuấn Minh phân tích. 

Đọc thêm