Diễn đàn M&A 2017: Tìm bước đột phá để đạt lại mốc 5 tỷ USD

(PLO) - Mặc dù  tổng giá trị mua bán- sáp nhập (M&A) năm 2016 tại Việt Nam đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, song hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Theo nhận định của các chuyên gia,nếu không có bước đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD…
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức M&A 2017 phát biểu tại Họp báo công bố Diễn đàn tại Hà Nội sáng 20/7/2017
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức M&A 2017 phát biểu tại Họp báo công bố Diễn đàn tại Hà Nội sáng 20/7/2017

Đột phá 2016 và những thương vụ đình đám

Theo thống kê của IMAA, sau khi đạt đỉnh năm 2015, mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị M&A ước đạt 5,2 tỷ USD, năm 2016 giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt 5,8 tỷ USD. Sự đột phá này đặt trong bối cảnh năm 2016 M&A trên toàn thế giới giảm đến 27% với giá trị M&A đạt 3.500 tỷ USD. 

Có thể kể ra đây các thương vụ M&A đình đám trong nửa cuối năm 2016 đầu năm 2017 như vụ F&N mua cổ phần Vinamilk và SCG mua lại Nhà máy xi măng Holcim đều có giá trị ở mức 500 triệu USD. Trong danh sách 28 thương vụ tiêu biểu, nổi bật là các thương vụ của Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc. Các tập đoàn SCG (Thái Lan) và CJ (Hàn Quốc) có chiến lược M&A tích cực với 2 thương vụ M&A trong năm.  

Giá trị các giao dịch M&A của 28 thương vụ tiêu biểu nhất trong số List 50 do Diễn đàn M&A Vietnam công bố ước đạt 2,67 tỷ USD, chiếm 46% giá trị các thương vụ M&A trong giai đoạn 6/2016-6/2017. Quy mô trung bình mỗi thương vụ tiêu biểu bình quân 95 triệu USD/thương vụ. 

Theo List 50 năm nay, 2 DN Việt Nam mua tích cực nhất là Kido Group và Thành Thành Công (Kido tăng sở hữu cổ phần tại Vocarimex và IPO Kido Foods, trong khi đó Thành Thành Công tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành mía đường thông qua các thương vụ mua lại và hợp nhất, điển hình là sáp nhập TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa), tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm đa số trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn. Tổng giá trị M&A của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường… 

Nhiều khó khăn ở phía trước…

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, , Trưởng Ban tổ chức M&A 2017, mặc dù năm 2016, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015., song hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn.

Thực tế cho thấy, các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu năm 2016. Hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Quý I/ 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới đạt 1,1 tỷ USD.

Cùng với đó, là sự cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn ngoại với các quốc gia trong khu vực, những trở ngại từ cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam, chất lượng doanh nghiêp và quy mô nền kinh tế. 

“Dự báo năm 2017, nếu không có những yếu tố đột phá, giá trị M&A không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của 2016. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các DN và của Chính phủ để tận dụng được cơ hội từ các dòng vốn ngoại…”- Ông Minh nhận định.

Đâu là đột phá?

Với chủ đề “Tìm bước đột phá/Seeking a big push”, Diễn đàn M&A 2017 sẽ diễn ra tại TP HCM vào ngày 10/8 tới với sự tham gia của 500 đại diện DN, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế được kỳ vọng là nơi trao đổi, thảo luận, đồng thời chia sẻ các cơ hội và kinh nghiệm nhằm cùng tạo bước đột phá cho thị trường.. 

Không chỉ tìm giải pháp đột phá để đạt mức 5 tỷ USD hay vượt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD cho năm 2017, mà xa hơn là thúc đẩy vượt ngưỡng 6 tỷ USD, nhất là dự báo về “Làn sóng thứ hai” tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang bước vào giai đoạn nước rút .

Bên cạnh đó, hiện dòng vốn ngoại đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam rất nhiều. Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến tiến trình thoái vốn tại Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, Habeco, MobiFone… Nhưng làm thế nào để các công ty trở thành mục tiêu hấp dẫn, nhiều tiềm năng và đạt chuẩn để hoàn thành các thương vụ mới là vấn đề trọng yếu hiện nay. Do đó, quan trọng nhất là phải tìm ra yếu tố đột phá để giải quyết các vấn đề trọng yếu này…

“Thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ  bên ngoài như sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là Mỹ quyết định rút khỏi TPP hay nội tại bên trong nền kinh tế như là trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn Doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, chất lượng DN và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông…

Chính vì vậy, để giá trị, quy mô và chất lượng thương vụ M&A duy trì và vượt mốc 5 tỷ USD trong năm 2017, đòi hỏi sự mạnh mẽ của Nhà nước trong việc cổ phần hoá, thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn tạo ra một nguồn hàng mới phong phú, hấp dẫn. Đồng thời, thị trường M&A cần có một cú hích mới, những nhân tố đột phá để bùng nổ trong chặng cuối của làn sóng thứ hai đang sắp kết thúc”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét. 

Dự kiến tại Diễn đàn năm nay các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các DN trong và ngoài nước sẽ cùng nhau thảo luận tìm ra các lĩnh vực và các yếu tố đột phá cho thị trường. Đó là khả năng đột phá về nguồn hàng từ các cuộc IPO lớn, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước; đột phá hơn nữa về cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động M&A như việc tháo gỡ chính sách cổ phần hóa và thoái vốn các DN lớn, “nới room” đối với nhà đầu tư nước ngoài, đột phá từ nguồn vốn ngoại… 

Đọc thêm